Print Thứ bảy, 26/01/2019 17:51

Trước hết, tôi nhất trí cao với nhận định tổng quát trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 của Chính phủ trình kỳ họp, đó là: tình hình kinh tế – xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Nhận định đó được minh chứng bằng những số liệu rất thuyết phục.


Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng phát biểu tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Cử tri thành phố Hải Phòng rất vui mừng, phấn khởi trước sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, trong đó có sự đóng góp tích cực, quan trọng của thành phố Hải Phòng với nhiều nét mới, đột phá, có lĩnh vực là điểm sáng của cả nước.

Từ thực tiễn của địa phương và kiến nghị của cử tri, tôi xin kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tích cực các biện pháp đã áp dụng trong hai năm qua nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó việc kiểm soát lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu. Việc cơ cấu lại nền kinh tế, cần đặc biệt chú trọng vấn đề phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng. Trong đó, việc phát huy vai trò động lực, đầu tàu phát triển của các trung tâm kinh tế lớn là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển chung của cả vùng.

Thứ hai, về các chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư công: Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ một trong những hạn chế hiện nay là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm (năm 2017 chỉ đạt 86% kế hoạch, 4 tháng đầu năm 2018 đạt 16,4% dự toán). Việc nghiên cứu, rà soát, sửa đổi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công là công việc rất cấp thiết. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công, bảo đảm phù hợp, vừa kiểm soát chặt chẽ về pháp luật, vừa giảm bớt được các thủ tục rườm rà, nhằm tăng quyền chủ động cho các địa phương, khắc phục những vướng mắc trong giải ngân, nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Chất lượng của đầu tư công, nhất là từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, nợ đọng xây dựng cơ bản, mức chuyển nguồn cũng là nội dung cần tập trung quan tâm tháo gỡ.

Thứ ba, mặc dù môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện, tuy nhiên còn nhiều nhóm chỉ tiêu Việt Nam có xếp hạng thấp so với quốc tế và khu vực (như nộp thuế, giải quyết phá sản, khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, v.v…); nhất là chi phí logistics, kiểm tra chuyên ngành còn khá cao, gấp khoảng 1,5 lần so với các nước trong khu vực (ở mức 20,9% GDP so với Thái Lan 15%, Trung Quốc 14,5%, Malaixia và Philippine 13% GDP). Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung cao tháo gỡ những điểm nghẽn này; đồng thời với các giải pháp phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; sớm có các hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực sự tiếp cận được những ưu đãi trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được Quốc hội thông qua trong năm 2017.

Thứ tư, việc xử lý nợ xấu tại các địa phương hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: nhận thức và sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các cơ quan hữu quan còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ (nhất là khâu thu giữ  tài sản bảo đảm); hoạt động thi hành án nợ xấu ngân hàng chưa thật sự hiệu quả và còn lúng túng; việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm chưa phát huy được hiệu quả trong thực tế do chậm có văn bản hướng dẫn. Đề nghị các bộ, ngành trung ương phối hợp, tập trung quan tâm hướng dẫn các địa phương và có giải pháp đồng bộ tháo gỡ vấn đề này để Nghị quyết 42 thực sự phát huy tác dụng.

Thứ năm, hiện nay kết quả giám sát về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở địa phương cho thấy: có tới 75% số đơn thư khiếu kiện về lĩnh vực đất đai. Một trong những nguyên nhân là còn nhiều điểm thiếu đồng bộ, chưa hợp lý trong các quy định về quản lý đất đai trong Luật Đất đai cũng như các pháp luật có liên quan. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm rà soát, sửa đổi bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này để tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân, giữ kỷ cương phép nước, ổn định trật tự an toàn xã hội, đáp ứng tình hình thực tiễn.

Thứ sáu, để thành phố Hải Phòng có thêm nguồn lực đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển với các dự án có tác động lan tỏa vùng, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quan tâm xem xét, nâng mức giao dự toán nợ vay của ngân sách thành phố hằng năm lên tối đa theo mức quy định tại Nghị định số 89/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng (đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến thống nhất). Năm 2018, trung ương giao mức nợ vay tối đa của ngân sách thành phố (được hưởng theo phân cấp) là 1.283,9 tỷ đồng; trong khi theo Nghị định 89 mức tối đa được phép vay là 7.211,2 tỷ đồng (40% ngân sách chi). Thành phố còn được phép vay thêm tối đa 5.927,3 tỷ. Đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung cho Hải Phòng số vốn ODA còn thiếu trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho một số dự án sẽ kết thúc Hiệp định trong năm 2018-2019.

Báo Hải Phòng 26/5/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng: Nâng mức nợ vay ngân sách với thành phố Hải Phòng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác