Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hạ tầng du lịch Hải Phòng có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế.
Sau gần 2 tháng khởi công Dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại vịnh trung tâm Cát Bà (huyện Cát Hải), Công ty TNHH Xây dựng dân dụng Phú Quốc (Tập đoàn Sun Group) hoàn thành san lấp hơn 40% diện tích mặt bằng. Tốc độ thi công “thần tốc” thể hiện quyết tâm lớn của doanh nghiệp cũng như thành phố để hoàn thành dự án sớm nhất sau thời gian bị ngừng trệ do dịch COVID-19. Dự án có diện tích gần 50 ha, tổng mức đầu tư gần 12,5 nghìn tỷ đồng được kỳ vọng góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, dịch vụ bổ trợ, dịch vụ vui chơi giải trí đẳng cấp, trung tâm thương mại, khu mua sắm, nghỉ dưỡng cao cấp…, đưa Cát Bà trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Đây là một trong những dự án du lịch đẳng cấp cao mới nhất của Hải Phòng, cũng là dự án tiên phong tại Việt Nam hướng tới không khí thải carbon và dành nhiều diện tích cho cộng đồng. Sau tuyến cáp treo Cát Hải – Phù Long hoàn thành năm 2020, Tập đoàn Sun Group sẽ tiếp tục xây mới tuyến cáp treo Phù Long – Cát Bà, tạo nên hệ thống cáp treo kết nối thẳng từ đảo Cát Hải đến trung tâm du lịch Cát Bà. Đồng thời, xây dựng thêm bến thủy nội địa tại trung tâm vịnh Cát Bà nhằm đem đến nhiều lựa chọn tiếp cận đảo Ngọc cho du khách.
Dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại vịnh trung tâm Cát Bà cùng với các dự án nghỉ dưỡng cao cấp khác của Tập đoàn Flamingo, khách sạn 5 sao Perle d’Orient Cát Bà-Mgallery đi vào hoạt động tại các bãi tắm tuyệt đẹp từ năm 2020 đang góp phần thay đổi đáng kể diện mạo du lịch Cát Bà. Cùng với đó, sự kiện UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới trong năm 2023 cũng góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh Cát Bà, trở thành điểm đến yêu thích của du khách 5 châu. Minh chứng là lượng du khách quốc tế đến với Cát Bà trong 9 tháng năm 2024 tăng gấp đôi cùng kỳ 2023, đạt hơn 800 nghìn lượt (bằng 150% cả năm 2018).
Tương tự, từ năm 2019 đến nay, khu du lịch Đồ Sơn có màn “lột xác” ngoạn mục, “vươn mình thức dậy” sau nhiều năm dài “ngủ quên”. Chỉ trong 5 năm qua, khách du lịch trở lại Đồ Sơn không khỏi choáng ngợp trước những bờ biển xanh, cát trắng cùng hàng loạt điểm vui chơi, tiện ích mang đẳng cấp quốc tế. Công tác chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị cũng được địa phương tập trung thực hiện, tạo diện mạo mới… Nếu cả năm 2018, du lịch Đồ Sơn đạt 2,7 triệu lượt du khách, thì qua 9 tháng năm 2024 lượng khách đến đây đạt 3,7 triệu lượt. Những con số tăng trưởng ấn tượng qua các năm thể hiện rõ sự phát triển vượt bậc của du lịch và kinh tế của Đồ Sơn kể từ khi xuất hiện những dự án lớn, tầm cỡ.
Nhận diện rõ khó khăn, thách thức
Sau 5 năm thực hiện mục tiêu đưa Cát Bà, Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc tế theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, du lịch Hải Phòng từng bước phát huy các tiềm năng, lợi thế và phát triển theo định hướng trở thành trụ cột phát triển kinh tế của Hải Phòng. Đến nay, phần lớn các nhiệm vụ chủ yếu về phát triển du lịch trong Chương trình hành động số 76- Ctr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã và đang được triển khai và phát huy hiệu quả.
Theo đó, ngân sách thành phố dành nguồn lực lớn với hơn 17 nghìn tỷ đồng đầu tư 14 dự án phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Đồng thời, thành phố huy động nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy du lịch phát triển, trong đó có 4 dự án đầu tư nước ngoài và 31 dự án đầu tư trong nước. Song hành là nỗ lực phát triển sản phẩm du lịch mới của ngành Du lịch và các địa phương, nhất là quận Đồ Sơn và huyện Cát Hải; sự đồng lòng, chung sức của người dân thành phố trong việc xây dựng, quảng bá, giữ gìn hình ảnh du lịch Hải Phòng văn minh, thân thiện, ngày càng chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, nhất là ảnh hưởng nặng nề và kéo dài của đại dịch COVID-19 đối với toàn thế giới và Việt Nam ngay trong những năm đầu thực hiện Nghị quyết 45, khiến mục tiêu cụ thể về thu hút khách du lịch của Hải Phòng chưa đạt kỳ vọng. Theo dự kiến của ngành Du lịch, sau hơn 2 năm bị thiệt hại nặng nề của dịch COVID-19, đến năm 2024 lượng khách du lịch đến với Hải Phòng mới phục hồi tương đương năm 2019, đạt khoảng hơn 9,1 triệu lượt. Như vậy, mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025 (trong đó có 2,7 triệu lượt khách quốc tế) được đề ra tại Chương trình hành động số 76-Ctr/TU khó thành hiện thực. Đồng thời, đại dịch cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án du lịch, nhất là những dự án lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do đó, giai đoạn 2019-2023, ngành du lịch thành phố mới đóng góp khoảng 4,5% vào giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ, còn khá thấp so với kỳ vọng đặt ra đối với một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Hải Phòng.
Thúc đẩy phát triển du lịch xanh, vươn tầm quốc tế
Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức trong việc đẩy nhanh tiến độ phát triển du lịch theo Nghị quyết số 45, cùng với việc tiếp tục rà soát, triển khai các nhiệm vụ được đề ra tại Chương trình hành động số 76- Ctr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố vừa ban hành Đề án tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm xây dựng, đề xuất được các định hướng và giải pháp phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.
Đề án tiếp tục xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trụ cột kinh tế của Hải Phòng với 3 nhóm sản phẩm chủ lực: Du lịch biển đảo; du lịch đô thị, vui chơi giải trí gắn với phát triển kinh tế đêm; du lịch thể thao chuyên đề kết hợp nghỉ dưỡng. Đề án đặt ra mục tiêu phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa; hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất ngành du lịch hiện đại, chất lượng cao. Từ sau năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Hải Phòng trở thành điểm đến quốc tế có sức cạnh tranh cao với các khu du lịch vươn tầm đẳng cấp quốc tế Cát Bà, Đồ Sơn. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với đóng góp từ 10% GRDP thành phố.
Theo Phó giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Vũ Huy Thưởng, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thúc đẩy phát triển du lịch xanh, bền vững gắn với khai thác và bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới tại quần đảo Cát Bà. Trong đó, xây dựng các giải pháp cụ thể để gắn du lịch xanh với bảo vệ môi trường, đề xuất cơ chế khuyến khích, phát huy các mô hình, cách làm, hành động vì môi trường, hạn chế phát thải; xây dựng lộ trình hạn chế xe xăng, ưu tiên xe điện, phát triển hệ thống giao thông xanh (cáp treo, xe đạp, xe điện, thuyền) thân thiện môi trường, không phát khí thải. Đồng thời, hoàn thiện các công trình, dự án kết nối giao thông quan trọng giữa Cát Bà với trung tâm thành phố, Đồ Sơn, đảo Long Châu, huyện đảo Bạch Long Vĩ, vịnh Hạ Long và quốc tế với hình thức giao thông đa dạng, thuận lợi hơn (cáp treo, bến du thuyền quốc tế, cảng tàu khách; phát triển các tuyến đường thủy: Tàu cao tốc, thủy phi cơ, du thuyền). Thu hút đầu tư các hạng mục hạ tầng du lịch cao cấp như hạ tầng dịch vụ bến phà Gia Luận; xây dựng cầu tàu khách quốc tế thuộc tổ hợp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện; xây dựng bến du thuyền (Cái Bèo – Gia Luận) để mở rộng, đa dạng hướng tiếp cận đến Cát Bà…
Với Đồ Sơn, thành phố sẽ chú trọng mở rộng không gian phát triển du lịch bằng việc tiếp tục đẩy mạnh thu hồi các dự án không hoặc chậm triển khai; chuyển đổi quỹ đất đầu tư không hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương về địa phương quản lý, khai thác. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển mới (các dự án du lịch lấn biển, hình thành khu resort cao cấp gắn với du thuyền) phù hợp quy hoạch, pháp luật hiện hành và mục tiêu phát triển Đồ Sơn thành đô thị du lịch quốc tế đa chức năng với các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao, văn hóa, lễ hội, ẩm thực, mua sắm… sôi động. Thành phố cũng sẽ xem xét xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế đêm riêng biệt cho Đồ Sơn, có cơ chế đặc thù ưu đãi thu hút đầu tư các dự án vui chơi giải trí đa chức năng, các dịch vụ bar, pub, karaoke, trung tâm mua sắm, nghỉ dưỡng biển gắn với các mô hình kinh tế đêm và lợi thế của đô thị ven biển gần trung tâm đô thị lõi. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch để Đồ Sơn trở thành điểm đến bốn mùa; phát triển trung tâm thể thao, giải trí mới (trường đua xe công thức 1), phát triển không gian văn hoá lễ hội hướng ra vịnh Đồ Sơn…
Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng trong thời gian tới đã được định hình rõ. Hải Phòng đang tiến từng bước vững chắc trên hành trình đưa Đồ Sơn, Cát Bà vươn tầm quốc tế như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 45.
NGUYỄN DƯƠNG