“Trong lúc đối diện giữa sự sống và cái chết, gia đình tôi tưởng như đã tuyệt vọng thì may sao có tàu của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam đã đưa em tôi vào đất liền cứu chữa, mà không mất một đồng tiền công”, anh Trần Thành Trung (anh họ của anh Bùi Duy Cường – người được Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cứu ngày 4/10) tâm sự.
Vào hồi 10h52 ngày 4/10, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) nhận được thông tin: Ngư dân Bùi Duy Cường (sinh năm 1986, hành nghề lặn biển tại khu vực vùng Biển đảo Bạch Long Vỹ – Hải Phòng) bị sự cố, bất tỉnh tại chỗ trong quá trình lặn bắt thuỷ sản, tình trạng rất nguy kịch.
Nạn nhân ngay lập tức đã được đưa lên đảo Bạch Long Vỹ để cấp cứu. Tuy nhiên, điều kiện trang thiết bị y tế tại Trung tâm Y tế Quân Dân Y Bạch Long Vỹ không đáp ứng được việc cấp cứu cho nạn nhân. Chính quyền đảo Bạch Long Vỹ yêu cầu được hỗ trợ khẩn cấp.
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam đã lập tức triển khai trợ giúp y tế từ xa, phối hợp với bác sĩ trên đảo Bạch Long Vỹ, bác sĩ Viện Y học biển Việt Nam đưa ra các hướng dẫn chuyên môn về sơ cứu nạn nhân bị tai nạn qua thiết bị vô tuyến. Sau khi được thăm khám, cấp cứu, tình trạng nạn nhân có diễn biến xấu, cần đưa về đất liền, nơi có các trang thiết bị y tế tốt nhất để chữa trị kịp thời.
Lúc 12h06, được sự chỉ đạo của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam đã điều động tàu SAR 411 cùng với nhóm bác sĩ cấp cứu ra đảo Bạch Long Vỹ thực hiện hoạt động cứu nạn.
Sau khi tàu SAR 411 tới đảo, lực lượng cứu nạn đã đưa nạn nhân lên tàu, nơi có thiết bị y tế tốt hơn để tiếp tục cấp cứu. Các bác sỹ Viện Y Học Biển Việt Nam chẩn đoán, bệnh nhận bị tai biến type 2 do lặn, tình trạng nguy hiểm cao. Ngay sau đó, bệnh nhân được tàu SAR 411 khẩn trương đưa về đất liền cấp cứu.
Lúc 22h18 ngày 4/10, tàu SAR 411 đã đưa anh Bùi Duy Cường về cầu cảng Trung tâm I tại Hải Phòng, chuyển vào Viện Y Học Biển Việt Nam tiếp tục điều trị.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt về sự việc trên, anh Trần Thành Trung (anh họ của anh Bùi Duy Cường) tâm sự: “Nếu không có những anh em ở Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, có lẽ tính mạng của em tôi đã không còn”.
Anh Trung kể, vào khoảng 1h ngày 4/10, anh Trung nhận được điện thoại của gia đình về việc anh Bùi Duy Cường bị tai nạn lao động ở khu vực vùng biển đảo Bạch Long Vỹ, sức khỏe đang rất nguy kịch.
Đến khoảng 7h sáng, Cường được đưa đến Trung tâm Y tế Quân Dân Y Bạch Long Vỹ để sơ cứu. Tại đây, các bác sĩ trao đổi với gia đình cần phải tìm phương tiện đưa ngay Cường vào đất liền để cứu chữa.
Lúc này, gia đình rất lo lắng vì ở đảo Bạch Long Vỹ không có phương tiện nào đủ điều kiện để đưa anh Cường vào đất liền. Gia đình quyết định thuê tàu cao tốc để đưa anh Cường vào đất liền nhưng bị họ hét với giá lên tới 70 triệu. Do số tiền quá lớn gia đình không thể chi trả, nên gia đình đã tìm một hướng khác để chuyên chở Cường vào đất liền.
“Trong lúc tuyệt vọng, tôi gọi vào số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam để nhờ cứu người. Như có một phép màu, khoảng 11h30, tàu của Trung tâm đã có mặt để đưa em tôi chạy thẳng vào đất liền cứu chữa kịp thời”, anh Trung chia sẻ.
Anh Trung cũng cho biết, những nhân viên của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam làm việc đầy trách nhiệm và nhiệt tình, không quản ngại khó khăn vượt 300km đường biển để đưa bệnh nhân vào đất liền.
Khi đưa được anh Cường vào Viện Y Học Biển Việt Nam (TP.Hải Phòng) cứu chữa, gia đình anh Trung muốn cảm ơn Trung tâm bằng một chút tiền bồi dưỡng, nhưng anh em không nhận và nói đó là nhiệm vụ của trung tâm.
“Qua các cơ quan báo chí, tôi xin được gửi lời cảm ơn đến ban giám đốc và những nhân viên cứu hộ của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, những người đã làm việc đầy trách nhiệm với mục đích duy nhất là cứu và giữ lại tính mạng cho người dân”, anh Trung tâm sự.