Giữa tháng 5 vừa qua, trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, khu vực trước cửa nhà số 657, thuộc địa phận phường Đông Hải 1 (quận Hải An), xảy ra vụ va chạm giữa ô tô mang biển kiểm soát 15C-157.90, kéo theo rơ-moóc và mô tô mang biển kiểm soát 15B3-709.81. Hậu quả, một nam giới bị mắc kẹt nửa người phía dưới phần đầu máy của ô tô đầu kéo. Tình trạng như trên xảy ra khá nhiều, nhất là đối với các vụ va chạm giữa mô tô, gắn máy với ô tô đầu kéo trên các tuyến đường vành đai của thành phố, như Nguyễn Bỉnh Khiêm (các quận Ngô Quyền và Hải An), Nguyễn Văn Linh, Bùi Viện (quận Lê Chân), Đình Vũ, Chùa Vẽ (quận Hải An).
Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường một số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây cho thấy, nhiều người có mặt tại hiện trường các vụ tai nạn giao thông luôn sẵn sàng tham gia cứu nạn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đầy đủ kỹ năng cứu hộ, cứu nạn ban đầu. Hầu hết mọi người đều có xu hướng nhanh chóng kéo người gặp nạn ra khỏi vị trí va chạm, nên đôi khi làm trầm trọng thêm hậu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Chính, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 (Sở Y tế) phân tích: Người bị nạn trong các vụ tai nạn giao thông thường gặp những tổn thương do va đập, bị tỳ đè từ các bộ phận của phương tiện giao thông. Do đó, việc vội vàng đưa người bị thương ra khỏi vị trí gặp nạn mà không quan sát kỹ các điểm tỳ đè có thể khiến người bị nạn thêm đau đớn và chịu tổn thương nội tạng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, trước khi đưa người bị nạn ra ngoài, người tham gia cấp cứu ban đầu cần chủ động kê kích các bộ phận đang tỳ đè lên cơ thể người bị nạn.
Như trường hợp người bị mắc kẹt dưới gầm xe ô tô đầu kéo 15C-157.90 nêu trên, Trung tâm 114, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an thành phố) phải điều động tổ cứu hộ sử dụng kích, đặt gối nâng, kê chèn bánh, từ đó đẩy cao đầu máy của xe đầu kéo, kịp thời đưa nạn nhân ra ngoài. Nếu không thực hiện những thao tác này, người gặp nạn có thể tổn thương nặng hai chân do bị kéo ra ngoài.
Ngoài ra, người gặp nạn trong các vụ va chạm giao thông còn có thể phải đối diện với các tổn thương do sự cố cháy nổ. Thực tế, các phương tiện giao thông chạy xăng, dầu đều trang bị bình chứa nhiên liệu, dung tích từ 4 lít đến 6 lít đối với mô-tô, xe gắn máy và từ 30 lít đến 50 lít đối với xe ô tô. Ngoài ra, trên xe còn có một lượng lớn các chất dễ cháy khác như dầu nhớt, nhựa, đệm mút, da… Trường hợp các vụ va chạm giao thông dẫn tới rò rỉ xăng, dầu, nếu có tia lửa có thể dẫn tới sự cố cháy, gây nguy hiểm cho cả người bị nạn và người tham gia cứu nạn.
Đồng chí Phạm Quyết Thắng, Phó đội trưởng Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực trung tâm, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo: Khi có người bị mắc kẹt sau va chạm giao thông, trước hết những người có mặt tại hiện trường cần khẩn trương gọi điện thông báo với Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ qua đường dây nóng 114 và Trung tâm cấp cứu 115 để điều động tổ công tác ứng cứu phù hợp có mặt sớm nhất hiện trường. Trong thời gian lực lượng chức năng chưa đến, cần bình tĩnh quan sát, xác định xem vị trí bình chứa nhiên liệu của phương tiện có dấu hiệu bị rò rỉ hay không, thiết bị phát sinh nguồn điện là bình ắc quy có bị bục hỏng hay không. Nếu không có gì bất thường ở 2 bộ phận này mới tiếp tục tiến hành cứu người bị nạn./.
Minh An
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More