Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, ông Trần Văn Huấn, sinh 1963, ở thôn Vĩnh Khê, xã An Đồng, An Dương, đã vươn lên làm giàu chính đáng từ đồng đất quê hương. Trung bình mỗi năm, mô hình “vườn-ao-chuồng” của gia đình ông cho thu nhập trên 1,5 tỷ đồng, là mô hình điểm cho bà con nông dân địa phương học tập, làm theo…
Những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, trên địa bàn huyện An Dương đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Là một cựu chiến binh, năm 1986 ông Huấn xuất ngũ trở về địa phương cùng cha mẹ tiếp tục gắn bó với nghề nông. Năm 1987, sau khi xây dựng tổ ấm riêng của mình, vợ chồng ông được bố mẹ hai bên và HTX địa phương giao đất cho làm nông nghiệp.
Thời điểm đó, do tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa biết áp dụng tiến bộ KHKT vào quá trình sản xuất nên cuộc sống của gia đình ông Huấn cũng giống như bao nông hộ khác gặp không ít khó khăn, thiếu thốn. Không cam chịu trước cảnh đói nghèo, năm 1992, ông Huấn đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1.500m² đất ruộng cấy lúa kém năng suất sang đào ao thả cá. Năm 1993, ông bắt tay vào nuôi cá và trồng cây lâu năm.
Vốn bản tính cần cù lại ham học hỏi, vợ chồng ông Huấn nhanh chóng thành công với mô hình sản xuất, chăn nuôi mới. Mỗi năm, diện tích ao nuôi cá và trồng cây kể trên mang lại cho gia đình ông thu nhập trên 30 triệu đồng. Nhận định hướng đi của mình là đúng, vợ chồng ông lại mạnh dạn đấu thầu thêm một số thửa ruộng do xã quản lý rồi chuyển đổi sang mô hình “vườn-ao-chuồng”.
Quy mô đàn gia súc, gia cầm (gà, vịt, ngan, lợn) của gia đình ông theo đó cũng ngày càng phát triển, mỗi năm cho thu nhập trên 200.000.000 đồng.
Công sức bỏ ra được đền đáp xứng đáng, càng làm vợ chồng ông Huấn càng hăng say với nghề nông nghiệp.
Đáng chú ý, năm 2006 được sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân và Ngân Hàng Chính Sách xã hội huyện, vợ chồng ông Huấn tiếp cận được với nguồn vốn vay theo chương trình vay vốn ưu đãi không lãi xuất 3 năm để đầu tư mua sắm máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm giảm chi phí chăn nuôi đầu vào và có thể tăng thêm thu nhập từ việc làm gia công thức ăn chăn nuôi cho các hộ lân cận. Đến năm 2007, ông Huấn chính thức đặt cọc dây truyền sản xuất thức ăn chăn nuôi trị giá trên 500.000.000 đồng. Năm 2015 dây chuyền sản xuất được đưa về lắp đặt, đi vào vận hành.
Có cậu con trai đã lớn cũng rất ham làm nông nghiệp nên ông Huấn đã cho con đi học vận hành máy đế về đứng dây chuyền sản xuất. Khi đã năm chắc quy trình vận hành, các kỹ thuật và công thức sản xuất thức ăn chăn nuôi ông lại một lần nữa mạnh dạn quy tụ các hộ chăn nuôi có cùng sở thích với mình thành lập ra Hợp tác xã (HTX) lấy tên là Hợp tác xã Thương mại & Nông nghiệp Đồng Tiến.
HTX thu hút sự tham gia của 11 thành viên. Tổng gia súc, gia cầm khi HTX mới đi vào hoạt động là 10.000 con gà, trên 500 con lợn các loại, đến nay đã tăng lên thành 60.000 con gà và duy trì trên 50 con lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ cho HTX trung bình mỗi tháng hơn 150 tấn thức ăn chăn nuôi.
Hiện, gia đình ông Huấn nuôi 10 con lợn nái, 40.000 con gà, 7.200m² ao thả cá và hơn 1.000m² ao nuôi thả ba ba. Sau khi trừ chi phí chăn nuôi đi, mô hình cho thu nhập đạt trên 1,5 tỷ đồng/năm.
Bao năm qua, gia đình ông Huấn đã trở thành tấm gương sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giỏi của xã An Đồng, được bà con thôn trên, xóm dưới học tập, làm theo.
Từ đó, góp phần tạo đà cho nền nông nghiệp của xã An Đồng nói riêng, huyện An Dương nói chung phát triển bền vững, giúp địa phương hình thành nhiều mô hình “vườn-ao-chuồng” hiệu quả, tạo công ăn, việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bà con nông dân.
Hiện, mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Huấn là một trong những địa chỉ tin cậy để Hội Nông dân xã tuyên truyền, khuyến khích hội viên học tập, noi theo. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nếu mô hình này được nhân rộng sẽ là hướng đi đúng đắn, giúp nhiều hộ dân có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, đóng góp tích cực vào quá trình đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
KC