Cựu chiến binh đam mê hoa và cây cảnh
Sinh ra vốn là người quê, ông Phạm Văn Phương (tổ 8, thị trấn An Dương, TP. Hải Phòng) có niềm đam mê đặc biệt với các loại cây cảnh, nhất là những cây trồng có hoa. Khi vào bộ đội, ông vẫn không từ bỏ được niềm đam mê này.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông kể, quãng thời gian làm nhiệm vụ chiến đấu hơn 10 năm tại chiến trường Việt-Lào-Cam Pu Chia, cứ sau những giờ huấn luyện, chiến đấu căng thẳng, ông lại lặn lội sâu trong rừng một mình ngơ ngẩn tìm ngắm cây cảnh và hoa phong lan ở đây.
Ông Phương nhớ nhất ngày giải phóng trở về, các đồng đội thì lỉnh kỉnh những khung xe, quạt máy, búp bê… riêng ông, chỉ vẻn vẹn một chiếc mũ tai bèo và giò phong lan trong balo người lính.
Clip: Ông Phạm Văn Phương chia sẻ về cây cảnh trong vườn nhà, chủ yếu là các giống lan quý trong vườn nhà. Clip: Thu Thủy.
Ông Phương chia sẻ, ông thích loài cây cảnh này là do chúng có sức sống vô cùng mạnh mẽ, hoa bền bỉ, mùi thơm tao nhã cuốn hút lòng người…
Để thỏa mãn niềm đam mê cây cảnh của riêng mình, ông Phương còn nhiều lần quay lại nơi đóng quân cũ cùng người dân địa phương sưu tầm thêm nhiều loại khác nhau về trồng.
“Thời đó khó khăn, người chơi cây cảnh còn thưa thớt. Tôi trồng lan chỉ để chơi, anh em bạn bè đến ai thích là biếu mang về, chẳng bao giờ bán“, ông Phương kể.
Đến năm 1993, cũng từ những người bạn của ông giới thiệu, ông Phương bắt đầu được một số người có điều kiện biết đến tìm mua. Có vốn trong tay, ông Phương tiếp tục đầu tư trồng lan và mở rộng thêm mảng cây công trình một cách quy mô, bài bản.
Sở hữu trên 2.000m², doanh thu hàng tỉ đồng nhờ cây cảnh
Hơn 30 năm gắn bó với nghề trồng cây cảnh, đến nay ông Phương đã sở hữu trên 2.000m² diện tích trồng hoa lan. Với đủ các loại lan quý hiếm từ dòng địa lan, phong lan, thạch lan được ông Phương dày công sưu tầm và thuần hóa. Ngoài ra, ông còn sở hữu 25.000m² canh tác cây công trình bao gồm nhiều loại cây quý có giá trị như: sanh lớn, nhỏ, cây lộc vừng, tùng la hán, Osaka…
Ngày nay, cây cảnh lại là thú chơi được nhiều người lựa chọn. Vì thế vườn cây cảnh nhà ông lại trở thành thứ hàng hóa quý hiếm, hái ra tiền.
Nhờ phát triển cây cảnh, gia đình ông đã trở thành hộ khá giả tại địa phương với doanh thu hàng năm lên đến hàng tỉ đồng.
Theo ông Phương, chơi cây cảnh không phải ai muốn là cũng có thể chơi được, bởi đó thực sự là một nghệ thuật. Người chơi cây ngoài việc có một vốn kiến thức nhất định thì phải yêu cây, tâm huyết với cây mới thấy được cái thú vị trong đó.
Trong quá trình chăm sóc các loại lan, người trồng phải để tâm đến giống, nguồn gốc xuất xứ để điều chỉnh chế độ ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm cho phù hợp.
“Mỗi loại lan cũng có thời điểm ra hoa khác nhau, đa phần 1 năm chúng mới cho hoa một lần. Ví dụ như lan quế thì có hoa vào tháng 8, phi điệp tháng 5, tháng 6, đai châu thì ra hoa đón Tết, có loại thì cứ đủ tuổi là ra hoa. Dựa vào quy luật này người trồng sẽ có cách chăm sóc riêng để phong lan cho hoa chất lượng“, ông Phương chia sẻ thêm.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, chị Phạm Thị Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn An Dương (huyện An Dương, TP. Hải Phòng) cho biết, ông Phương không chỉ là một người đam mê cây cảnh nổi tiếng của huyện An Dương (TP. Hải Phòng), ông còn là một cựu chiến binh tiêu biểu.
Dù đã bước sang tuổi ngoài 70 nhưng ông Phương vẫn giữ được tác phong của người lính năm xưa. Ông tích cực tham gia các phong trào đoàn thể tại địa phương, luôn tận tình, giúp đỡ cho cho nhiều hội viên khác cùng phát triển, làm giàu từ nghề trồng cây cảnh.
Thu Thủy
Sáng 15/11, Sở Y tế phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai Quyết…
Ngày 15/11, thông tin từ Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, từ ngày 15/01/2025, giá…
Sáng 15/11, tại trụ sở UBND xã Thủy Sơn (huyện Thủy Nguyên), đồng chí Phạm…
Sáng 15/11, UBND quận Hải An tổ chức Hội nghị Biểu dương phong trào thi…
Ngày 14/11, Đoàn thẩm định số 40, 53 thuộc Ban tổ chức Giải Sao vàng…
Tối 14/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More