Print Thứ bảy, 22/08/2020 15:22 Gốc

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế – xã hội, ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương để “thúc” đầu tư công. Đây là hội nghị giao ban lần thứ 2 kể từ Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc ngày 16/7/2020.

“Cứ bàn mà không xúc tiến thì không được”

Nhắc lại kết luận tại hội nghị tháng trước là quyết tâm giải ngân hết số vốn 630.000 tỷ đồng và hằng tháng sẽ họp để kiểm điểm công việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là chủ trương quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ ngải ngân vốn đầu tư công. “Nói trên giấy tờ thì dễ, cứ bàn mà không xúc tiến thì không được” – Thủ tướng nêu rõ, đồng thời, cũng đặt vấn đề với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới, và một số dự án công trình quan trọng như dự án đường cao tốc Bắc – Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ… đã giải ngân vốn được đến đâu? Vì sao chưa giải ngân hết?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương để thúc đẩy đầu tư công.

Đánh giá cao tiến bộ trong công tác giải ngân so với cùng kỳ, tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, vẫn còn có một số bộ, ngành, địa phương chậm trễ. “Nếu không giải ngân hết thì cương quyết có chế tài kèm theo để xử lý vấn đề đến nơi đến chốn. Không thể nói mà không làm, không thể có tiền mà không tiêu được do chủ quan, tổ chức thực hiện kém” – Thủ tướng quán triệt.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay đã có 52/53 bộ, cơ quan Trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, phân bổ vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công và các nghị quyết của Quốc hội về NSNN năm 2020. Tuy vậy, chỉ có 38 bộ, cơ quan Trung ương và 43 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 5 bộ, cơ quan Trung ương và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án.

Tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (477.573 tỷ đồng).

Hiện nay, có 9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của 7 bộ, cơ quan Trung ương và 31 địa phương với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quán triệt: Nếu không giải ngân hết thì cương quyết có chế tài kèm theo để xử lý vấn đề đến nơi đến chốn. Không thể nói mà không làm, không thể có tiền mà không tiêu được do chủ quan, tổ chức thực hiện kém.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc ngày 16/7, sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các Đoàn công tác nêu trên, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến và đạt kết quả tích cực. Có 5 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 60%. Tuy nhiên có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 15%.

Phân tích các nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua tổng hợp báo cáo từ các Đoàn công tác, khó khăn lớn nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2020 đến nay là công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, cụ thể như vướng mắc chủ yếu của dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 ở công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án thành phần mà công tác này thuộc trách nhiệm của các địa phương (dự án đi qua 13 địa phương).

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang). Ước giải ngân đến ngày 31/8 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%).

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020, “trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt”.

Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để rút ngắn thời gian, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 đến hết ngày cuối cùng của năm 2020” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

TP. Hồ Chí Minh: 6 nhóm giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Khẳng định quyết tâm nâng cao chất lượng giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh – phát biểu tại Hội nghị giao ban điểm cầu trực tuyến tại TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, năm 2020, TP. Hồ Chí Minh sẽ phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%. Để làm được điều này, từ nay đến cuối năm nay, TP sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh – phát biểu tại Hội nghị giao ban điểm cầu trực tuyến tại TP. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện nghiêm Kết luận số 77 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 84 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Dự kiến đầu tháng 9/2020, TP. Hồ Chí Minh sẽ ban hành Chương trình hành động thực hiện trong 3 tháng cuối năm 2020 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tăng cường hỗ trợ DN, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế nhằm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh xây dựng gói hỗ trợ thứ hai để hỗ trợ DN trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, trước mắt là các DN tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, điểm nhấn của chính sách hỗ trợ ở các ngành nghề bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 như: du lịch lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vận tải và các dịch vụ liên quan đến du lịch,…

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư trong việc giải ngân, trường hợp tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu đề ra thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 và không chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan; Duy trì thường xuyên họp giao ban công tác giải ngân đầu tư công 2 tuần/lần.

Thứ ba, hưởng ứng đợt 3 phong trào thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp, TP đã giao các các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện đặt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý hồ sơ công việc so với quy trình cơ quan, đơn vị đang triển khai hiện nay, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện dự án, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng khâu thực hiện nhằm bảo đảm tiến độ thi công dự án. Đồng thời, phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; các dự án gặp vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân.

Thứ năm, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất…

Thứ sáu, định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra tình hình thực hiện công tác giải ngân, quyết toán dự án của các chủ đầu tư và công khai danh sách các cơ quan, đơn vị chậm giải ngân.

Để tạo điều kiện cho TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công, tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo, ban hành Thông báo kết luận về việc giải quyết các khó khăn vướng mắc đối với 12 dự án đầu tư trên địa bàn TP. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại 126 dự án chậm thực hiện do vướng quy định về xử lý phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý nằm xen cài trong các dự án, nhằm giúp TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước có cơ sở thực hiện.

Thu Phương – Minh Khuê

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cương quyết có chế tài nếu không giải ngân hết vốn đầu tư công
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác