Con cứ nghĩ, năm nào cũng được thong dong về quê ăn Tết là hạnh phúc lớn lắm rồi. Về quê, dù chỉ vài ngày ngắn ngủi, nhưng phải về, về để nghe, để nhìn bà con rôm rả đi chợ Tết, gói bánh, gánh nước đầy lu, chà gạo đầy khạp…, niềm tin cho ngày Tết đủ đầy. Về để nghe sắp nhỏ nôn nao 3 ngày Tết, xúng xính áo quần mới tinh đi khoe nhau khắp thôn xóm. Về để coi mẹ còng lưng gói bánh, nhận lại khạp dưa cải cho đều; coi cha chà lại bộ lư, quét dọn bàn thờ tiên tổ, chị gái lụi cụi nướng bánh bông lan, sên mứt dừa… Bữa cơm quây quần ngày Tết luôn ấm áp, rộn tiếng cười vui , trọn vẹn niềm hạnh phúc…
Trong những cơn gió chướng ào ạt thổi, không khí xuân sang nhộn nhịp dần lên từng ngày, con và tất cả những người con đang lưu lạc tha hương nơi đất khách thật sự chỉ muốn về nhà ngay, không muốn ở lại thành phố này chút nào nữa.
Từ ngày bé xíu đến hết trung học phổ thông, luôn có một định hình trong đầu như một con đường mòn: “Một ngày có ba bữa sáng, trưa, tối, dù đi học hay đi chơi thì cũng không được quên về nhà ăn cơm”. Suốt những năm tháng ở nhà, chưa bao giờ con để cha mẹ không phải lo lắng cả, lúc nhỏ lo khác, lúc lớn lại lo khác. Đến lúc con biết suy nghĩ một chút, thì con lại ở xa cha, xa mẹ đến cả trăm cây số. Trong những bữa ăn ngày trước ở nhà, vẫn nhớ là mẹ vẫn thường mắng con ăn chậm mà nói nhiều. Không biết bao nhiêu lần con vùng vằng, giận dỗi vì điều đó, nhưng bây giờ xa nhà, muốn nghe một lời mắng cũng không thể được nữa. Để rồi giờ đây, khi sống một mình rồi, lại nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ cơm nhà, nhớ da diết… Những bữa ăn côi cút, thiếu lời mắng yêu của mẹ cứ thấy chống chếnh thế nào. Nhiều khi bưng dĩa cơm phần ăn vội ven đường hay chén cơm tự nấu với đứa bạn, nước mắt con lại chực trào ra.
Cơm nhà! Trong cuộc sống của kẻ làm việc xa nhà, hai từ kia đã trở nên xa xỉ với con. Cũng đã mấy năm xa nhà rồi, con thèm lắm một bữa cơm nhà, bữa cơm sum họp gia đình. Chẳng cần gì những món ăn cao sang, chỉ cần một bữa cơm có mẹ, có chị hai và có rau luộc, trứng chiên là vui và ngon lắm rồi. Vẫn nhớ những khi húp sùm sụp bát cơm chan nước luộc ăn với rau, trứng, đơn giản thôi, sao mà ngon đến thế. Hai chị em vừa ăn vừa trêu đùa nhau, còn mẹ ăn chậm rãi rồi nhìn chúng con mà mỉm cười. Sẽ chẳng còn những gánh nặng, lo âu ngoài cuộc sống. Sẽ chẳng còn những bon chen, toan tính trên con đường công danh đầy xô bồ, sẽ tha hồ được kể cho mẹ những câu chuyện trong ngày, những ấm ức gặp phải, rồi sà vào lòng mẹ mà khóc…
Cơm nhà! Là ngày con còn ở nhà, hai chị em hào hứng vui mừng khi bố gọi điện là sẽ ghé về nhà ăn cơm trong đợt công tác. Dù đã khuya nhưng cả hai vẫn cố đợi, để gia đình cùng được đầy đủ ăn bữa cơm gia đình ít ỏi trong cả năm dài dằng dặc. Quá hiếm hoi cho những hạnh phúc ấy, nên con biết nó có ý nghĩa lớn lao đến nhường nào.
Chiều của những ngày cuối năm, cận Tết của kẻ ly hương chốn người sao lạc lõng, côi cút quá. Đang cắm cúi vào chiếc máy tính cho cả núi công việc còn dang dở, hàng loạt báo cáo chưa xong, chợt có chuông báo tin nhắn từ chiếc điện thoại để trên bàn, với tay mở ra đọc thì là của đứa bạn cùng phòng: “Tối mày ăn món gì? Chiều nay được về sớm, tao đi chợ, mua đồ về nấu ăn cho đỡ ngán“. Ngập ngừng, vội nhắn lại: “Mày mua rau muống về luộc, thêm ít trứng về chiên”.
Những món ăn đơn giản ấy đã bao lâu rồi chưa ăn. Nhớ nhà, thèm những món ăn bình dị, dân dã trên mâm cơm đạm bạc mà ấm tình thương gia đình.
Ngày cuối năm, rất thèm bữa cơm nhà…
Nguyễn Hồng Minh
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More