Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 9/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cuối năm 2020 sẽ có Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; trong đó đề xuất người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền trẻ em.
Cuối năm 2020 sẽ có Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng
Trả lời chất vấn của đại biểu về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tháng 4/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chính phủ đã đồng ý về nội dung, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cân nhắc thêm về thẩm quyền ban hành.
“Chúng tôi trong tuần này sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền ban hành và chắc chắn rằng trong năm 2020, Bộ quy tắc ứng xử này sẽ được ký ban hành”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Cụ thể về nội dung, Bộ Quy tắc ứng xử đề xuất người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền trẻ em. Cụ thể là yêu cầu người sử dụng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ mạng sẽ hướng dẫn giáo dục trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng một đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn từ 2010-2025.
Đề án đã đưa ra những giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề như: tạo được một đầu mối duy nhất trên không gian mạng để tiếp nhận các phản ánh về nội dung xâm hại trẻ em; ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để phát hiện sớm và chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Đồng thời, đề án trang bị bộ kỹ năng số cơ bản bao gồm: giáo dục nhận thức về môi trường mạng, kỹ năng để tự bảo vệ mình, nhận diện nguy cơ trên môi trường mạng và có hành động thích hợp.
“Hiện nay, đề án này đã được trình Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn sẽ được ký trong năm 2020”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sàn giao dịch điện tử để người dân có thể bán được nông sản đã sẵn sàng
Về chuyển đổi số cho người dân vùng miền núi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong đề án chuyển đổi số của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều lệ số cho vùng sâu, vùng xa được coi là ưu tiên.
“Vì sao lại như vậy? Tóm lại, với chuyển đổi số, chỗ nào càng khó khăn, chỗ đó chuyển đổi số càng phát huy hiệu quả. Cho nên, chuyển đổi số nên bắt đầu từ nơi khó”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lý giải.
Về hạ tầng viễn thông, Bộ đã chỉ đạo để cho tất cả người dân vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa phải có sóng 3G, 4G, 5G có thể truy cập được internet. Về hạ tầng thanh toán điện tử, trong năm nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho thí điểm Mobile Money để cho người dân vùng sâu, vùng xa không có thẻ ngân hàng có thể thực hiện thanh toán điện tử được.
Đối với người dân vùng sâu, vùng xa có khó khăn, không có máy điện thoại thông minh, hiện nay, một chương trình hợp tác giữa nhà sản xuất Việt Nam và nhà mạng Việt Nam đã có để hỗ trợ bán với giá điện thoại thông minh, giá khoảng 600-700 nghìn đồng để hỗ trợ người dân.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong chuyển đổi số cho người dân vùng miền núi, ưu tiên đầu tiên là giáo dục, đặc biệt là giáo dục trực tuyến để cho con em ở vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được chất lượng cao và những giáo viên giỏi nhất. Tiếp theo là vấn đề y tế, người dân vùng sâu, vùng xa rất ít bác sĩ. Do vậy, hệ thống khám, chữa bệnh từ xa sẽ được triển khai cho người dân.
Về thương mại điện tử, hiện nay, sàn giao dịch để người dân có thể bán được nông sản của mình đã sẵn sàng để cho người dân có thể bán được giá cao. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai thí điểm một số xã thông minh vùng sâu, vùng xa. Cuối năm 2020, Bộ sẽ tổ chức sơ kết triển khai thí điểm xã thông minh, sau đó nhân rộng.
Chuyển đổi số quốc gia
Về chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngay sau khi đề án chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ triển khai rất quyết liệt. “Ba việc chúng tôi nghĩ cần phải làm trước, làm nhanh là: công tác lập kế hoạch; nâng cao nhận thức và phát triển các nền tảng cho chuyển đổi số”, Bộ trưởng nêu rõ.
Về công tác kế hoạch, ngay trong tháng 6/2020, Bộ đã ban hành một khung về nội dung chuyển đổi số dựa trên khung, các bộ, các địa phương sẽ xây dựng đề án chuyển đổi số của mình.
Hiện nay, 20 bộ, ngành và địa phương đã ban hành chương trình số của mình, một số địa phương rất nhanh, rất sớm như Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế, thậm chí có một số địa phương, Tỉnh ủy đã ra nghị quyết chuyên đề.
Về nâng cao nhận thức, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan báo chí thành lập một chuyên mục về chuyển đổi số; đã cho xuất bản bộ cẩm nang về chuyển đổi số cả phiên bản giấy và phiên bản điện tử dưới dạng những câu hỏi cơ bản, đơn giản, dễ hiểu.
“Chúng tôi nghĩ rằng một trong những cách để nâng cao nhận thức, tức là thí điểm một số chỗ, một số tỉnh, một số xã. Vì khi làm thí điểm thành công, trên cơ sở đó sẽ nhân rộng rất nhanh”, Bộ trưởng phân tích.
Thời gian qua, Bộ đã triển khai thí điểm chuyển đổi số trên 10 xã, đặc biệt là tập trung cho các xã miền núi Ví dụ tại Bắc Kạn, việc đưa công nghệ số để quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại, thu nhập của người dân trong hợp tác xã đã tăng từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng thành 3 đến 3,5 triệu/tháng.
Tại xã Yên Mô, Ninh Bình, việc ứng dụng phần mềm y tế từ xa để hỗ trợ khám và tư vấn chăm sóc sức khỏe đã giúp tiết kiệm thời gian đi lại và người dân có thể tiếp cận được bác sĩ trên toàn quốc.
Về phát triển các nền tảng cho chuyển đổi số, Bộ trưởng cho biết một trong những giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh, giảm chi phí và tăng hiệu quả phát triển các nền tảng số là nền tảng số “made in Việt Nam”.
Hiện nay một nền tảng số ra đời, hàng triệu người dân và hàng ngàn doanh nghiệp có thể chuyển đổi số được. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam triển khai xây dựng làm chủ có nền tảng số đất nước.
“Gần đây, cứ mỗi thứ sáu hàng tuần, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ra mắt các nền tảng “made in Việt Nam” với mục tiêu kép là vừa thúc đẩy chuyển đổi số, vừa phát triển doanh nghiệp số Việt Nam. Đến nay, trên 30 nền tảng số đã được ra mắt”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số; đo đạc công bố xếp hạng các địa phương và các tỉnh, cấp bộ…/.
Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…
Chiều 10.1, Ban Tổ chức hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần…
Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More