Trên mạng xã hội, tài khoản Trung Tâm Sát Hạch Số 1 đăng tải công khai: “Nhận làm giấy phép lái xe tất cả các hạng A1, A2, A3, B1, B2, C, D, E, F, FC“.
Tài khoản này ngang nhiên thông tin: “Có người thi hộ, không cần có mặt trong phần thi lý thuyết và thực hành. Gửi hồ sơ và giấy phép lái xe về tận nhà từ 7-10 ngày“.
Hay tài khoản Thùy Trang-GPLX ngang nhiên thông tin trên mạng xã hội, làm bằng lái xe máy trọn gói A1 giá chỉ còn 999 nghìn đồng. Tài khoản này thông tin hỗ trợ gói “bao đậu” lý thuyết và thực hành, “bao check” mã QRcode của Bộ Công an. Thủ tục đăng ký đơn giản chỉ cần 1 tấm ảnh 3×4 và thông tin đăng ký.
Chia sẻ thông tin về việc sử dụng giấy phép lái xe giả, Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, thời gian qua, trên các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook… xuất hiện công khai các dịch vụ chuyên cung cấp, làm giả các loại giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp như: Giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ…
Từ đầu năm 2023 đến nay, thông qua công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm về giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện 10 trường hợp có hành vi sử dụng giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp (4 vụ sử dụng giấy phép lái xe giả; 2 vụ sử dụng phù hiệu giả; 2 vụ sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký xe giả; 1 vụ sử dụng tem kiểm định giả; 1 vụ sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ giả).
Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Tháp đã lập hồ sơ ban đầu và chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các địa phương tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất mức độ vi phạm hành vi sử dụng giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp có thể bị xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính như sau:
Theo quy định tại Điều 341 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể phạt đến 7 năm tù và phạt tiền 50 triệu đồng tùy theo tính chất mức độ.
Theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30.12.2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, ngày 28.12.2021 của Chính phủ), mức tiền phạt tối đa lên đến 12 triệu đồng từng loại giấy tờ giả, ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Do vậy, người dân không được mua bán, sử dụng giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không tiếp tay cho các đối tượng làm giả giấy tờ; đồng thời tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, tích cực tố giác các hành vi mua bán, sử dụng giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Xuyên Đông
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More