Ông Nguyễn Văn Vịnh – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược
phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chia sẻ với Tuổi Trẻ về sự phát triển của
TP Hải Phòng.
Một góc
Cảng Hải Phòng nhìn từ trên cao – Ảnh: NAM TRẦN
Ông
Nguyễn Văn Vịnh cho biết:
Hải Phòng không chỉ có vị trí, vai trò
đặc biệt trong phát triển kinh tế – xã hội của vùng Đông Bắc bộ, mà còn có tầm
lớn hơn vươn ra phía Bắc và cả nước. Hải Phòng là một trong năm thành phố trực
thuộc trung ương, là một trong những đô thị phát triển của cả nước.
Thành phố cần xem xét cơ chế, chính sách phù hợp để
tạo ra một thị trường đầu tư hạ tầng sinh lời cho cả nhà đầu tư, đảm bảo lợi
ích cộng đồng và Nhà nước, đảm bảo độ an toàn cho nhà đầu tư, tránh rủi ro thì
sẽ thu hút nhà đầu tư hiệu quả hơn.
Nơi đây là đầu mối về giao lưu, giao
thương trong nước và quốc tế, liên kết với vùng Tây Nam (Trung Quốc) qua tuyến
hành lang Vân Nam (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; tuyến Nam Ninh
(Trung Quốc) – Lạng Sơn- Hà Nội – Hải Phòng, tuyến ven biển… Do vậy, đây được
xem là cửa ngõ phía Bắc tiến ra thế giới của Việt Nam.
Với vị thế là đầu mối về kinh tế, nếu
liên kết tốt về phát triển hạ tầng giữa Hải Phòng và các địa phương khác, sẽ
tạo ra cơ hội để khai thác những phần lãnh thổ còn lại của phía Bắc. Lợi thế
của Hải Phòng là hạ tầng giao thông, khi ở đây có sự phát triển ở hầu hết các
loại hình hạ tầng giao thông kết nối, bao gồm đường sắt, đường biển, đường thủy
nội địa, hàng không, đường bộ.
* Hải
Phòng có rất nhiều lợi thế để phát triển, nhưng hệ thống hạ tầng hiện nay của
thành phố đã tương xứng với tiềm năng hay chưa?
Trong nhiều năm qua, hệ thống kết cấu hạ
tầng, trong đó có hạ tầng giao thông của cả nước và Hải Phòng đã được mở rộng
và phát triển. Nhưng để đáp ứng nhu cầu thì vẫn còn thiếu nhiều, vì những công
trình đầu tư lớn về hạ tầng như ở Hải Phòng cũng mới đang ở giai đoạn khởi động
hoặc đang đầu tư xây dựng.
Ví dụ như cảng biển Lạch Huyện là cảng
nước sâu cửa ngõ phía Bắc, vẫn đang làm và phải đến sau 2020 mới hoàn thiện.
Hay hệ thống đường kết nối hiện mới có đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, còn
đường kết nối sang Hạ Long đang trong giai đoạn xây dựng. Hệ thống kết nối ven
biển từ Hải Phòng đi Thanh Hóa, hệ thống Đường 10 vẫn chưa được đầu tư hoàn
chỉnh. Hệ thống đường sắt quá lạc hậu, tồn tại cả hàng trăm năm nay, nên kết
hợp tổ chức vận tải đa phương thức còn rất kém…
Nếu hạ tầng giao thông Hải Phòng được mở
rộng, tăng tính kết nối với các địa phương, vùng lân cận, đạt được tính đồng bộ
cao về hạ tầng của cả phía Bắc thì vị trí, vai trò của Hải Phòng sẽ được phát
huy tốt hơn, hiệu quả phát triển sẽ cao hơn.
* Hải
Phòng cần làm gì để huy động nguồn lực tư nhân cho đầu tư hạ tầng?
Cầu vượt
biển Đình Vũ – Cát Hải nối TP Hải Phòng với khu kinh tế mới Đình Vũ – Cát Hải –
Ảnh: NAM TRẦN
Cần phải điều chỉnh thể chế, chính sách,
và điều này thì vượt ra khỏi tầm của Hải Phòng. Hiện Chính phủ đang chuẩn bị
xây dựng Luật về đối tác công tư, kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ thể chế liên quan cho
nhiều địa phương.
Trước mắt, trong bối cảnh cần đầu tư cho
hạ tầng mà nguồn lực có hạn. Hải Phòng cần tận dụng tốt các cơ chế, quy định
nói chung về đầu tư phát triển hạ tầng và của thành phố để thu hút nguồn lực
như hỗ trợ dự án xã hội, giải phóng mặt bằng dứt điểm. Đồng thời, cần tạo cơ
chế để dự án đầu tư đảm bảo tính an toàn, tránh rủi ro và sử dụng nguồn lực nhà
nước, ngân sách địa phương hỗ trợ một cách thận trọng, hiệu quả.
* Hải
Phòng đã được hưởng cơ chế đặc thù về tài chính, theo ông, liệu đã đủ giúp
thành phố “cất cánh”?
Hải Phòng có vai trò rất quan trọng
trong toàn bộ sự phát triển của kinh tế phía Bắc và cả nước, nên nếu chỉ dựa
vào cơ chế đặc thù trên mà “cựa quậy” trong đó, thì sẽ khó để phát
triển.
Sự phát triển của Hải Phòng không chỉ
nằm trong không gian của địa phương này, mà cần có tầm nhìn với tư duy mở rộng
hơn, không gian lớn hơn, trên cơ sở đồng bộ thể chế, chính sách khác đi kèm. Cơ
chế đặc thù không phải là “đũa thần” giúp cho thành phố phát triển.
Do đó, Hải Phòng đừng hiểu rằng đây là
chính sách riêng cho mình, vì muốn phát triển được thì phải có sự phối hợp với
các địa phương lân cận, đảm bảo sự phát triển liên vùng và cả nước.
Trong chương trình phát triển cũng như
xây dựng hạ tầng, Hải Phòng cần tham khảo địa bàn và địa phương lân cận, trong
khuôn khổ đầu tư chung của cả nước và Bắc bộ. Để đạt hiệu quả, Hải Phòng cần
chú ý phối hợp ngay trong quá trình chính sách, đảm bảo làm sao cụ thể hóa
chương trình phát triển của thành phố với các tỉnh lân cận, cả vùng và cả nước.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng không chỉ dừng
lại ở hạ tầng giao thông. Do đó, để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ
tầng khác thì việc đồng bộ thể chế và chính sách cũng rất quan trọng. Chính
sách cần tạo ra sự thông thoáng, rõ ràng, công bằng, tránh rủi ro và giúp nhà
đầu tư sinh lời. Với mỗi dự án, các cơ chế cần phải minh bạch, ổn định, nhà đầu
tư tham gia đến đâu, bảo lãnh những gì, vai trò của nhà nước ra sao… để có
niềm tin và độ an toàn.
Hải Phòng là một trong năm thành phố
trực thuộc trung ương, có nguồn thu lớn nhưng với cơ chế hiện nay thì nguồn thu
để lại cho địa phương vẫn không thể đáp ứng cho nhu cầu phát triển về kết cấu
hạ tầng.
Các công trình phát triển hạ tầng của
Hải Phòng đều là những công trình lớn, làm đầu mối kết nối cả khu vực Bắc bộ,
cả nước. Nên nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, mà ngay cả ngân sách trung ương cũng
khó có thể đáp ứng. Do đó, việc thu hút nguồn lực bên ngoài là tất yếu và đây
cũng là thách thức lớn với thành phố.
Tuổi trẻ 22/3/2018