Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen,” băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” được nhiều cử tri quan tâm.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 4/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Đây là nội dung quan trọng của kỳ họp, được phát thanh, truyền hình trực tiếp thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri trong cả nước.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là thành viên Chính phủ đầu tiên đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Phóng viên TTXVN ghi nhận một số ý kiến của cử tri Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Kạn và Bạc Liêu về nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Đánh giá cao không khí sôi nổi, dân chủ tại phiên chất vấn
Đa số cử tri đánh giá cao không khí sôi nổi, dân chủ, ý kiến rất thẳng thắn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Việc tường thuật trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn giúp cử tri kịp thời theo dõi, giám sát, nắm bắt được các thông tin về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Nhiều cử tri tại Bắc Kạn tán thành cao về việc Quốc hội đã lựa chọn vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội để chất vấn. Nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn rộng, liên quan tới vấn đề về ma túy, tội phạm giết người, tín dụng đen, tai nạn giao thông… Đây đều là những vấn đề “nóng,” được dư luận xã hội quan tâm.
Cử tri Lê Chí Tôn – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bạc Liêu nhận xé , phần điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rất hợp lý, đi vào đúng trọng tâm, trọng điểm. Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tô Lâm “giải quyết” thỏa đáng được vấn đề đại biểu nêu, đặc biệt đã đề ra được giải pháp căn cơ, đánh giá rõ trách nhiệm của ngành trong thời gian qua.
Đồng tình với nhận xét trên, cử tri Vũ Phương (quận Hải An, Hải Phòng) cho rằng, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thể hiện tinh thần cầu thị, trách nhiệm của người đứng đầu ngành đối với các nội dung đại biểu đưa ra cũng như nhân dân cả nước. Bộ trưởng đã trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, sát với thực tiễn.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Văn Thái, nguyên cán bộ ngành công an (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) cũng đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Quốc hội, của Chính phủ, sự nỗ lực trong thi hành nhiệm vụ của ngành Công an đối với công tác giữ gìn đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống, trấn áp các loại tội phạm trong thời gian qua.
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã khái quát cơ bản, cụ thể và khá đầy đủ các nội dung, vấn đề các đại biểu chất vấn, cử tri quan tâm, qua đó, khẳng định sự vào cuộc đầy trách nhiệm của toàn ngành công an trong công tác theo dõi nắm sát tình hình; triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống, đấu tranh trấn áp tội phạm gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Theo ông Nguyễn Văn Thái, với việc phát triển kinh tế-xã hội cũng như gia tăng dân số cơ học do thu hút nguồn lao động, cả nước nói chung, thành phố Hải Phòng nói riêng, vẫn còn nguy cơ và tiềm ẩn về mất an toàn, an ninh trật tự…
Từ thực tế này, ông Nguyễn Văn Thái đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tăng cường các đợt cao điểm trấn áp tội phạm; ngăn chặn các hoạt động tụ tập, gây rối an ninh trật tự.
Đặc biệt, đưa ra các biện pháp mạnh phòng ngừa, trấn áp các tội phạm có yếu tố nước ngoài; tội phạm hình sự, tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”; tập trung xóa bỏ các tụ điểm ma túy và cờ bạc, đặc biệt là các tụ điểm hoạt động có tính chất “bảo kê.”
Quyết liệt trấn áp, xử lý nghiêm tội phạm ma túy
Qua theo dõi phần chất vấn của các đại biểu và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, cử tri Lê Thị Mai, Bí thư Chi bộ 6, tổ 21, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) rất đồng tình với những kết quả Bộ Công an đã nỗ lực đạt được trong công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, từng bước đem lại niềm tin cho người dân. Từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy, nhất là ma túy đá rất phức tạp và manh động, gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Số vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn ngày càng gia tăng, tập trung ở các đô thị lớn và đang xâm nhập đến vùng nông thôn, vùng cao.
Theo cử tri Lê Thị Mai, có một số nguyên nhân chủ yếu như công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương chưa thực sự chặt chẽ, vẫn còn tình trạng có nơi, có lúc còn buông lỏng, mất cảnh giác. Đặc biệt là công tác quản lý, phòng chống tại các cửa khẩu, trên tuyến biển, tuyến hàng không còn nhiều lỗ hổng, hiệu quả công tác quản lý địa bàn, phát hiện tội phạm ma túy của lực lượng Công an còn nhiều hạn chế.
Cử tri Lê Thị Mai mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành và đặc biệt là Bộ Công an cần có giải pháp mạnh, quyết liệt, trấn áp, xử lý nghiêm tội phạm ma túy; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn ngay từ biên giới, cửa khẩu, đường biển, đường hàng không. Cùng với đó là tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân trong việc phát hiện và tố giác tội phạm ma túy.
Nội dung phòng chống tội phạm ma túy cũng được cử tri Vũ Phương (cựu chiến binh, ở quận Hải An, Hải Phòng) quan tâm theo dõi. Bên cạnh những thành tích đạt được trong công tác phòng chống tội phạm ma túy trong thời gian qua, ông Vũ Phương cho rằng vẫn còn những bất cập đang hiện hữu, đó là số ma túy được các đối tượng đưa vào Việt Nam ngày càng lớn, lên tới hàng trăm kg, thậm chí hàng tấn; việc xử lý tội phạm có lúc có nơi chưa triệt để, có hiện tượng “bảo kê,” bao che đối tượng của một số cán bộ công an biến chất ở cơ sở.
Ông Vũ Phương đề nghị sau kỳ họp này, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt hơn về lĩnh vực đấu tranh phòng chống, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm; trách nhiệm cao hơn của ngành công an trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội. Quốc hội, Chính phủ cần có thêm nhiều giải pháp chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương ứng phó đối với các loại tội phạm, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý. Công tác này phải duy trì từ cơ sở, ngăn chặn tội phạm từ cơ sở; tăng chế tài xử phạt đối với các tội danh…
Đề cập tới công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép chất ma túy, cử tri Hoàng Tuấn Sơn ở tổ 13, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn lo ngại về những dấu hiệu gần đây cho thấy Việt Nam có nguy cơ trở thành điểm trung chuyển ma túy trong khu vực. Liên tiếp các vụ án ma túy rất lớn đã bị phát hiện, trong đó có những đường dây vận chuyển xuyên quốc gia, số lượng lớn đến cực lớn.
Cử tri Hoàng Tuấn Sơn đánh giá cao công tác phòng, chống tội phạm, dự đoán, “đánh án” ma túy thành công trong thời gia vừa qua của lực lượng Công an, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trong cả nước.
Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy, cử tri Hoàng Tuấn Sơn cho rằng Nhà nước cần thiết lập nhiều biện pháp, chế tài hơn nữa để răn đe, xử lý nghiêm việc mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy là vấn đề hết sức khó khăn và nguy hiểm, cử tri mong muốn Bộ Công an sẽ có nhiều biện pháp phù hợp để ngăn chặn tình trạng này trong thời gian tới.
Cần phối hợp giải quyết vấn nạn “tín dụng đen”
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen,” băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” cũng được nhiều cử tri quan tâm.
Cử tri Nguyễn Anh Tuấn ở tổ 6 phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn cho rằng thời gian gần đây xảy ra hàng loạt các vụ án giết người với phương thức độc ác, mất nhân tính khiến dư luận trong cả nước phẫn nộ là một vấn đề nóng cần được Bộ Công an quan tâm.
Cử tri Nguyễn Anh Tuấn đồng tình viêc Bộ Công an liên tiếp xử lý các vụ án liên quan tới ma túy, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trong cả nước tuy nhiên đây là vấn đề nhức nhối trong xã hội, vẫn luôn cần được Bộ Công an quan tâm rất nhiều trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, việc các băng nhóm tội phạm có tổ chức, băng nhóm “tín dụng đen” ngang nhiên hoạt động dưới hình thức chơi họ, cho vay nặng lãi, thậm chí là sử dụng mạng xã hội để quảng bá cho hoạt động của mình khiến cử tri hết sức lo lắng.
Cử tri Bắc Kạn mong muốn Bộ Công an ngoài việc đấu tranh với loại tội phạm này còn phải chú ý tới vấn đề an ninh mạng, có biện pháp quản lý các nội dung được đưa lên mạng xã hội cho hiệu quả.
Theo cử tri Trương Anh Tú (Luật sư, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), thời gian qua, tuy lực lượng Công an đã chủ động ra quân, đấu tranh triệt phá nhưng trên nhiều địa bàn vẫn tồn tại các đường dây, băng nhóm cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê hoạt động tinh vi núp bóng công ty, nghiệp đoàn.
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, nguyên nhân sâu xa của việc người dân vướng vào “tín dụng đen” là do một bộ phận người dân không biết được phương thức, thủ đoạn hoạt động của các hình thức cho vay hoặc có biết nhưng vì nhu cầu cấp bách cần có tiền để xử lý giải quyết nhu cầu cá nhân nên vẫn chấp nhận vay nợ. Nhiều người thua cờ bạc nên đã đi vay nợ với lãi suất cao để tiếp tục đánh bạc, hy vọng gỡ lại, rồi lâm vào tình trạng không thể chi trả.
Ngoài ra, quy định của pháp luật chưa đủ nghiêm, đủ mạnh để xử lý, ngăn chặn và giải quyết các vấn đề liên quan phát sinh từ cho vay lãi suất cao. Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tín dụng, ngân hàng còn bất cập, nhất là đối với công ty tín dụng… Ngành công an cần phối hợp cùng các cơ quan liên quan giải quyết tới cùng vấn nạn “tín dụng đen”, duy trì đấu tranh triệt để, liên tục, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi.”
Đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa xâm hại phụ nữ, trẻ em
Theo cử tri Nguyễn Văn Thuyết, thạc sỹ, giáo viên trường Trung học phổ thông Bạc Liêu (thành phố Bạc Liêu), tình trạng xâm hại phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam gần đây đáng báo động, cần lên án những hành vi lệch lạc, bệnh hoạn, nhất là hành vi phản giáo dục như thầy giáo xâm hại học sinh… Xã hội cần lên án mạnh mẽ vấn đề này, hệ thống pháp luật cần xử lý nghiêm khắc theo các quy định, chế tài đã có.
Cử tri Nguyễn Văn Thuyết đề nghị, để hạn chế tình trạng này, hệ thống cơ quan Nhà nước, chính quyền, nhà trường, phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ.
Trước mắt, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho trẻ em, học sinh biết cách phòng ngừa; nhà trường, những nơi công cộng cần lắp đặt camera giám sát, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời.
Điều quan trọng nhất là phải nhắc nhở, hướng dẫn cho học sinh, trẻ em biết cách phòng trách, bảo vệ chính mình trong mọi tình huống./.