Đã nửa năm, nhóm nhân lực cơ hữu của Khoa Bệnh nhiệt đới cơ sở An Đồng, BV Việt Tiệp (Hải Phòng) không về nhà. Khi số ca COVID-19 ngày một tăng, nhiều bệnh viện phải huy động, cắt cử nhân lực tăng cường cho khu điều trị, thậm chí sẽ ở lại xuyên Tết.
Hầu hết bệnh nhân nhiễm COVID-19 đều chung tâm trạng lo lắng về sức khỏe của mình khi vào viện. Họ hầu như không có người nhà bên cạnh nên tất thảy mọi việc từ việc chăm sóc bản thân đến điều trị đều trông cậy hết vào lực lượng y tế trong Khoa.
Suốt 8 tiếng, thậm chí nhiều giờ hơn nữa, những bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân trong khu điều trị F0 ở Hải Phòng mặc đồ bảo hộ kín mít từ trên xuống dưới, đeo nhiều lớp khẩu trang và găng tay vừa đảm nhiệm công việc chuyên môn, vừa chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân vừa trò chuyện an ủi, động viên người bệnh vững vàng tâm lý, phối hợp chữa trị.
Không có lúc nghỉ
Đều đặn mỗi ngày vào 6 giờ sáng, cả kíp trực ngày tại Khoa Bệnh nhiệt đới cơ sở 2 BV Việt Tiệp, Hải Phòng lại có mặt phòng trực, mặc đồ bảo hộ phòng dịch, chuẩn bị bước vào công việc của ngày trực.
Cả Khoa chỉ có 6 nhân lực cơ hữu, còn lại 70 nhân lực y tế được tăng cường từ các khoa khác trong Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 1 sang. Theo kế hoạch, mỗi khoa sẽ cử 1 bác sỹ, điều dưỡng vào khu điều trị F0 hỗ trợ cho nhân lực Khoa Bệnh nhiệt đới, thời gian luân phiên 1 tháng.
Là người đầu tiên của Khoa Xương-Cơ-Khớp BV Việt Tiệp được điều động tăng cường vào khu điều trị F0 tại cơ sở 2 bên An Đồng, điều dưỡng Nguyễn Thị Quyên cho biết: Tôi mới vào tăng cường từ ngày 5/1/2022. Trước khi đi cũng đã hình dung công việc phải làm ở đây nhưng không ngờ, công việc lại nhiều tới mức không có thời gian mà nghỉ. Đến điện thoại của gia đình gọi tới có việc báo cũng chỉ vâng, dạ rồi cúp máy, không nói thêm được câu gì.
Công việc của chị tại Khoa Bệnh nhiệt đới bắt đầu từ 6 giờ đến 14 giờ, nhiệm vụ chăm sóc F0, thực hiện y lệnh của bác sỹ.
Khi hết ca trực, chị lại tiếp tục công việc hành chính của Khoa. Tương đối áp lực. Theo kế hoạch, mỗi bác sỹ, điều dưỡng sẽ vào tăng cường 1 tháng rồi ra, Khoa lại cử người khác vào thay.
Nói tới cuộc tăng cường xuyên Tết không về nhà cùng các con và gia đình, điều dưỡng Quyên chỉ cười: “Trước khi vào tăng cường, tôi cũng đã dặn dò chồng con và nhờ hai bên nội, ngoại giúp đỡ việc nhà. Thường thì sắp Tết, mọi việc nội trợ sẽ là mình lo. Giờ vào đây rồi, làm gì có Tết nữa đâu. Tết này, ông xã ở nhà chăm lo hết“.
Cũng là người đầu tiên của Khoa Răng-Hàm-Mặt cơ sở 1 vào tăng cường điều trị F0 cho cơ sở 2, bác sỹ Nguyễn Thị Vân Anh cho biết công việc ở đây không có khái niệm thời gian.
Khi chưa sang khu điều trị F0, chị còn thời gian chăm sóc cho gia đình, nhưng từ hôm sang khu điều trị này, ngoài thời gian thăm khám, xử lý các tình huống bệnh cho các F0 theo lịch phân công, thời gian còn lại làm hồ sơ bệnh án.
Tất cả nhân lực y tế ở đây đều phải làm việc với tinh thần căng mình hết sức có thể, nếu mệt quá thì tranh thủ nghỉ, còn không thì làm việc liên tục.
Bác sĩ Vân Anh được tăng cường sang khu điều trị này từ ngày 1/1/2022, thời gian là 1 tháng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ phải tiếp tục cách ly tại bệnh viện 1 tuần nên không thể về ăn Tết cùng gia đình được.
“Trước khi vào đây, tôi cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần không nghĩ gì đến Tết nữa. Tất cả những gì liên quan đến Tết hay con cái đều nhờ ông bà và chồng ở nhà lo. Vào đây, chỉ tập trung cho công việc điều trị chăm sóc bệnh nhân. Khi biết tin tôi được điều động vào đây, gia đình hai bên đều ủng hộ, động viên và dặn dò giữ gìn sức khỏe. Nhờ đó, tôi cũng thấy thêm vững tin, tập trung cho công việc“, bác sĩ Vân Anh tâm sự.
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 của địa bàn ngày một tăng và tình hình nhân lực hiện có của đơn vị, BVĐK Kiến An đã lập kế hoạch điều động hơn 300 nhân lực (40 bác sỹ, 162 điều dưỡng và hơn 60 nhân viên phục vụ) vào khu điều trị F0. Theo đó, bệnh viện đã lập 5 kíp trực, mỗi kíp 5-6 người gồm ít nhất 2 bác sỹ, 3 điều dưỡng. Thời gian luân phiên mỗi kíp 2 tuần.
Nằm trong danh sách tăng cường vào điều trị F0 tại khoa Truyền nhiễm 2 BVĐK Kiến An, bác sỹ Nguyễn Thị Giang, 36 tuổi khoa Thận nhân tạo cho biết: “Mình vào Khoa từ ngày 30/12/2021 với nhiệm vụ tiếp nhận thăm khám, xử lý tình trạng bệnh của F0. Đây là bệnh viện tuyến 2 của thành phố, nơi thu dung và điều trị các F0 có bệnh lý nền, nhóm nguy cơ cao từ tuyến dưới (tuyến quận, huyện) chuyển lên. Ở đợt dịch tháng 5/2021, tôi có tham gia đoàn chi viện cho TPHCM nên cũng có nhiều kinh nghiệm trong xử trí bệnh, điều trị cho F0 lần này. Theo kế hoạch, ngày 9/1/2022, kíp 2 sẽ ra ngoài và tiếp tục cách ly thêm 1 tuần rồi về nhà đón Tết“.
Vào đây không nghĩ gì tới Tết
Thuộc nhóm “lính” cơ hữu – nhân lực Khoa Bệnh nhiệt đới cơ sở 2, BV Việt Tiệp Hải Phòng, 6 bác sỹ và điều dưỡng của Khoa kể từ tháng 5 tới giờ gần như chưa về thăm nhà 1 lần.
Có chồng làm cảnh sát biển thường xuyên xa nhà, 2 con đang tuổi đi học, nhưng vì nhiệm vụ chống dịch nên điều dưỡng Vũ Thị Sinh đã 4 tháng nay không về nhà. Biết công việc của mẹ rất bận nên các con chị không dám gọi nhiều.
Lâu không thấy mẹ gọi, các con chị chỉ dám nhắn tin nhắc hỏi “Sao mẹ đi lâu thế? Tết này mẹ có về không?“. Đọc tin con mà chị Sinh chỉ biết ngồi khóc.
“Tết năm nay, bọn trẻ sẽ ăn Tết bên ông bà rồi. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà cũng nhờ gửi hết ông bà lo giúp. Cũng may, con cái cũng lớn, tự lo cho bản thân được nên mình cũng yên tâm ở trong này công tác. Giờ, chúng tôi chỉ mong sao dịch sớm ổn định, bệnh nhân mau khỏe để về với gia đình và chúng tôi cũng được về nhà“, điều dưỡng Sinh trải lòng.
Nhắc tới ngày đoàn viên, điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Vân Anh, Khoa Bệnh nhiệt đới cố kìm nén cảm xúc nhớ con, nhớ nhà: “Bọn mình là lực lượng cơ hữu, việc điều trị F0 chính là nhiệm vụ của Khoa nên không có chuyện đi luân phiên thời gian rồi về như nhóm tăng cường. Khi đã xác định tham gia chống dịch, ai cũng đều xác định chỉ khi nào dịch ổn thì mới có thể về nhà. Vì thế, khi vào đây, mọi người đều phải sắp xếp công việc cá nhân, gia đình để dành trọn thời gian chống dịch, điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Lúc vào ca, ai cũng quay cuồng với công việc. Đến khi được nghỉ ngơi, chợt nhớ đến con thơ ở nhà, lại trào nước mắt. Thực sự không dám nhắc tới chữ nhớ nhà, phải tự dặn lòng mình cố gắng và cố gắng vượt qua, giữ gìn sức khỏe cùng đồng nghiệp chiến đấu, sớm đẩy lùi dịch bệnh còn về với con và gia đình“.
Buổi sáng luôn là thời gian bận rộn nhất đối với những người làm việc tại khu điều trị F0. Đối với nhóm điều dưỡng, sáng nào vào ca trực cũng phải đến từng giường bệnh, kiểm tra và phân ra mức độ bệnh của mỗi F0, lấy dấu hiệu sinh tồn, thực hiện các y lệnh của bác sĩ từ lấy máu, lấy mẫu phẩm xét nghiệm, phát thuốc v.v… đến tập cho bệnh nhân nằm sấp, nằm nghiêng để bệnh nhân dễ thở hơn. Sau đó đem thức ăn, nước uống cho bệnh nhân, đồng thời kiêm luôn việc vệ sinh cá nhân giúp bệnh nhân.
Đối với các bệnh nhân nặng phải thở máy, điều dưỡng phải làm toàn diện hơn, tắm rửa, xoay trở, hút đờm, cho uống thuốc, làm siêu âm hay các thủ thuật phụ giúp các bác sĩ. Rồi động viên, an ủi các bệnh nhân vì hầu hết bệnh nhân nhiễm COVID-19 đều lo lắng về bệnh của mình khi không có người thân bên cạnh.
Công việc một ngày cứ diễn ra liên tục và liên tục, gần như không ngừng nghỉ, thậm chí có hôm bận từ sáng sớm đến 15 giờ xong việc mới sực nhớ ra sáng nay ai cũng đều bỏ bữa chưa ăn.
Ở lại Khoa suốt từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Tiến sĩ, bác sỹ Vũ Hải Vinh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, cơ sở An Đồng trầm tĩnh cho biết: “Công việc chống dịch thực sự không có khái niệm ngày đêm và giờ giấc. Chuyện kip trực làm việc không kịp ăn sáng hay ăn trưa muộn là chuyện bình thường. Công việc của đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng tại đây vô cùng vất vả vì vừa phải lo điều trị bệnh nhân, vừa thay gia đình người bệnh chăm sóc bệnh nhân. Người bệnh gần như không chủ động được bất cứ sinh hoạt nào cho cá nhân họ nên tất cả mọi việc đều phụ thuộc hết vào lực lượng y tế. Bởi thế, nhân lực của Khoa luôn thiếu. Đặc thù đây là tuyến cuối điều trị F0 của toàn thành phố nên vào đây đều là những bệnh nhân chuyển nặng, nguy kịch. Vì thế, công việc của chúng tôi vô cùng áp lực“.
Theo TS, bác sỹ Vũ Hải Vinh, hiện Bệnh viện Việt Tiệp dành 40% số giường tương đương với 560 giường cho bệnh nhân COVID-19, 1/3 tổng số nhân lực ở tất cả các phòng, khoa của Bệnh viện sẵn sàng tăng cường để lên đường chống dịch bất kỳ lúc nào.
“Với đặc thù công việc chống dịch liên tục không kể ngày đêm, đã rất lâu chúng tôi không còn phân biệt ngày thường hay ngày nghỉ, thậm chí đến cả ngày lễ, ngày Tết cũng không. Trước tình hình dịch còn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, dù Tết truyền thống đang cận kề nhưng nhóm nhận nhiệm vụ sang đây tăng cường chống dịch cũng đều xác định sẽ ăn Tết tại đơn vị tuyến đầu chống dịch, không về nhà“, bác sĩ Hải Vinh bày tỏ.
Bệnh viện cũng đã kêu gọi thêm nhân lực từ các phòng chức năng, không nhất thiết phải nhân viên y tế sang hỗ trợ để chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn, giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế, tập trung vào chữa trị.
Ngành Y tế Hải Phòng huy động tối thiểu 40% giường bệnh kế hoạch của các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố với tổng số giường 3.412 để điều trị cho tầng 2 và tầng 3 (trong đó số giường điều trị tầng 2 là 1.739; tầng 3 là 1.673 giường bệnh).
Bài & Ảnh: Minh Lý, Thế Nam