Theo kết quả nghiên cứu mới, có dấu hiệu cho thấy vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) có thể làm giảm khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 và hiệu quả bảo vệ mạnh trong ba tháng chỉ với một liều duy nhất.
Các nhà khoa học Anh vừa công bố kết quả nghiên cứu ngày 3/2, mở ra triển vọng mới trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Nghiên cứu sơ bộ của Đại học Oxford, đơn vị đồng sản xuất vắcxin nói trên, có thể giúp củng cố niềm tin vào chiến lược gây tranh cãi của Chính phủ Anh tăng thời gian chờ tiêm mũi thứ hai lên 12 tuần để đẩy nhanh tiến độ chương trình tiêm mũi đầu tiên. Theo khuyến nghị, hiện nay khoảng thời gian chờ giữa hai lần tiêm là bốn tuần.
Nghiên cứu cũng giúp các nhà khoa học tiến gần hơn đến việc giải đáp thắc mắc liệu vắcxin có thể ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 hay không. Hiện chưa rõ phát hiện này có thể liên quan đến hai loại vắcxin đang được sử dụng phổ biến của Pfizer và Moderna hay không.
Tại Mỹ, Tiến sỹ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, đã bác ý tưởng hoãn lần tiêm thứ hai. Vắcxin của Pfizer được yêu cầu tiêm hai mũi cách nhau 3 tuần, trong khi của Moderna là 4 tuần.
Mặc dù vậy, kết quả này dường như vẫn là tin vui đối với các nỗ lực khẩn cấp nhằm khống chế dịch bệnh, đồng thời mở ra hướng giải quyết tình trạng khan hiếm vắcxin và giúp nhiều người được tiếp cận vắcxin hơn.
Các hãng sản xuất vắcxin nói trên từng khẳng định các mũi tiêm đã được chứng minh có hiệu quả từ 70-95% ở các thử nghiệm lâm sàng. Hiện chưa rõ liệu các loại vắcxin này có thể khống chế khả năng lây lan của SARS-CoV-2, hay liệu người từng được tiêm vắcxin có thể mắc bệnh trở lại và lây cho người khác hay không. Từ đó, các chuyên gia cho rằng ngay cả người từng được tiêm vắcxin vẫn nên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với mọi người.
Để trả lời câu hỏi về khả năng lây nhiễm sau khi tiêm vắcxin, các tình nguyện viên trong nghiên cứu tại Anh đã được xét nghiệm dịch mũi họng. Kết quả cho thấy tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 giảm 67% đối với nhóm được tiêm vắcxin, kể cả những người có triệu chứng và không có triệu chứng.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng theo dõi khả năng người được tiêm vắcxin bị tái nhiễm mà không có triệu chứng. Theo đó, trong số các tình nguyện viên tham gia, có 16 người tái nhiễm sau khi tiêm vắcxin, còn con số này ở nhóm chưa được tiêm là 31 người.
Pfizer và Moderna đang nghiên cứu hiệu quả vắcxin đối với các ca nhiễm không triệu chứng. Đây cũng là hai hãng có vắcxin ngừa COVID-19 đang được sử dụng tại Mỹ. Trong khi đó, vắcxin của AstraZeneca đã được Anh và 27 nước Liên minh châu Âu (EU) cấp phép sử dụng.
Ông Mene Pangalos, Phó giám đốc chuyên trách nghiên cứu và phát triển sinh phẩm tại AstraZeneca, cho biết không có bệnh nhân nào mắc COVID-19 thể nặng hoặc được yêu cầu nhập viện trong vòng ba tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên và hiệu quả này có thể kéo dài tới 12 tuần./.
Minh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)
Vào khoảng 14 giờ 30 ngày 6/1, một đám cháy bùng phát tại khu vực…
Giành chức vô địch Asean Cup 2024 sau 2 trận chung kết thắng Thái Lan…
Đêm 5/1/2025, Công an quận Hồng Bàng tổ chức tuần tra vây ráp phòng chống…
Số liệu kết quả kinh doanh của 3 “ông lớn” ngành viễn thông Viettel, MobiFone,…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 5/1/2025 về chủ…
Chiều ngày 5/1, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có báo cáo…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More