Y tế

COVID-19 tới 6h sáng 26/8: Thế giới trên 24 triệu người nhiễm, Mỹ vượt 180.000 ca tử vong

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 221.808 ca mắc COVID-19 và 5.444 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm virus vượt qua ngưỡng 24 triệu người.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 26/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 24.024.958 ca, trong đó có 822.120 người thiệt mạng.

Các nước cũng ghi nhận 16.577.153 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 61.671 và 6.625.534 ca đang điều trị tích cực.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (66.873 ca), Brazil (42.778 ca) và Mỹ (36.516 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.153 ca), tiếp theo là Brazil (1.129 ca) và Ấn Độ (1.066 ca).

Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Brussels, Bỉ ngày 12/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN.

WHO: Tốc độ lây lan của dịch có dấu hiệu chậm lại tại một số khu vực

Mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành trên khắp thế giới, số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho thấy tốc độ lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này có dấu hiệu chậm lại tại một số khu vực, đặc biệt là tại các nước ở châu Mỹ.

WHO cho biết ngoài khu vực Đông Nam Á và Đông Địa Trung Hải, tất cả những khu vực còn lại đều ghi nhận sự sụt giảm số ca nhiễm mới. Châu Mỹ tiếp tục là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với số ca mắc và tử vong mới được ghi nhận tại đây trong tuần qua chiếm lần lượt 50% và 62% tổng số ca mắc và tử vong trên thế giới. Tuy nhiên, khu vực này lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất về số ca mắc lẫn ca tử vong mới, với mức giảm lần lượt 11% và 17% so với tuần trước đó, một phần do tốc độ lây lan chậm lại tại Mỹ và Brazil – hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới. Trong khi đó, tại châu Âu, nơi số ca mắc mới liên tục tăng trong những tuần gần đây, tốc độ lây lan của dịch bệnh đã suy giảm nhẹ, giảm 1% so với tuần trước đó. Số ca tử vong mới tại châu Âu cũng tiếp tục đi xuống, giảm 12% so với tuần trước đó.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, bang Telangana, Ấn Độ, ngày 22/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN.

Mỹ: Trên 180.000 người đã tử vong vì COVID-19

Tính đến 6h sáng 26/8, số người tử vong tại Mỹ vì dịch COVID-19 đã lên tới 182.258 người, trong khi tổng số ca nhiễm virus đang tiến đến mốc 6 triệu người, với 5.951.746 ca nhiễm.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 25/8 đã cập nhật hướng dẫn cách ly mới trong đó dỡ bỏ khuyến cáo trực tiếp về cách ly tại nhà trong 14 ngày sau khi trở về từ các chuyến đi quốc tế hoặc tới những khu vực có số ca nhiễm virus cao. Thay vào đó, hướng dẫn mới cho rằng những người có nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 trong các chuyến đi nên ngừng đi lại trong 14 ngày kể từ lần cuối tiếp xúc. Với những người tham gia vào các hoạt động có nguy cơ cao, CDC khuyến cáo thêm họ nên ở trong nhà càng nhiều càng tốt trong 14 ngày và cân nhắc làm xét nghiệm.

Mỹ Latinh: Con trai Tổng thống Brazil nhiễm virus

Thượng nghị sĩ Flavio Bolsonaro, con trai của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, ngày 25/8 đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông Flavio không xuất hiện các triệu chứng và hiện đang làm việc tại nhà ở Thủ đô Brasilia.

TNS Flavio Bolsonaro, con trai Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ảnh: CNN.

CNN cho biết, con trai Tổng thống Brazil đang sử dụng thuốc điều trị hydroxychloroquine. Trong khi đó, ông Bolsonaro tiếp tục ủng hộ loại thuốc chống sốt rét gây tranh cãi và được khoa học chứng minh là không có hiệu quả trong điều trị COVID-19. Tổng thống Brazil đã xét nghiệm dương tính với virus vào ngày 7/7. Hôm 25/7 ông thông báo qua Twitter rằng đã có kết quả xét nghiệm âm tính.

Brazil hiện ghi nhận 3.669.995 ca nhiễm, trong đó có 116.580 ca tử vong.

Cũng tại khu vực Mỹ Latinh, Mexico hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 tại châu Mỹ với 563.705 ca mắc, trong đó có 60.800 ca tử vong, đứng thứ 6 thế giới về số ca mắc và thứ 3 thế giới về số ca tử vong. Trong ngày 24/8, Mexico đã khai giảng năm học mới 2020-2021, với hình thức học qua truyền hình nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan. Tuy nhiên, theo ước tính, khoảng 10,2 triệu học sinh sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận mô hình học này do kinh tế gia đình eo hẹp.

Trong khi đó, Bộ Y tế Chile thông báo ghi nhận thêm 1.903 ca mắc và 64 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc và tử vong do dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này lên lần lượt 399.568 và 10.916 ca. Với số ca mắc mới có xu hướng giảm, Chính phủ Chile đã bắt đầu từng bước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm tái khởi động nền kinh tế.

Kiểm tra thân nhiệt cho khách du lịch nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Piraeus, Hy Lạp ngày 20/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN.

Châu Âu: Nhiều quốc gia ghi nhận ca tái nhiễm

Tại châu Âu, một số quốc gia như Bỉ và Hà Lan đã ghi nhận thêm trường hợp tái nhiễm virus SARS-CoV-2. Cụ thể, 1 bệnh nhân Hà Lan là người cao tuổi bị suy giảm miễn dịch và 1 bệnh nhân ở Bỉ đã được xác nhận tái nhiễm virus này. Hiện Bỉ đã ghi nhận tổng cộng 82.092 ca mắc, trong đó có 9.996 ca tử vong, trong khi số ca mắc và tử vong tại Hà Lan lần lượt là 67.543 ca và 6.207 ca.

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha ngày 25/8 thông báo quân đội sẽ được huy động để hỗ trợ các chính quyền địa phương đối phó với sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian gần đây. Theo đó, chính phủ trung ương sẽ triển khai 2.000 binh sĩ tới những khu vực chịu trách nhiệm chăm sóc y tế để hỗ trợ truy vết các ca mắc.

Mặc dù số ca mắc tại Tây Ban Nha đã tăng mạnh kể từ khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, song số ca tử vong vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh dịch. Hiện nước này có hơn 400.000 ca mắc, cao nhất Tây Âu, với gần 29.000 ca tử vong.

Người dân xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Parc Manceau, Le Mans, Pháp ngày 21/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN.

Tại Đức, theo số liệu công bố ngày 25/8 của Cơ quan Thống kê Đức (Destatis), nền kinh tế nước này đã suy giảm ở mức kỷ lục 9,7% trong quý II do tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và xuất khẩu đều giảm mạnh trong thời gian dịch COVID-19 lên đỉnh điểm.

Destatis đánh giá khủng hoảng kinh tế Đức ở thời điểm này còn trầm trọng hơn khủng hoảng tài chính diễn ra cách đây hơn một thập kỷ, khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này suy giảm 4,7 trong quý I/2009. Các dữ liệu mới cho thấy sự suy giảm mạnh nhất nhất kể từ năm 1970, khi Đức bắt đầu tính GDP hằng quý.

Quốc hội Đức đã tạm ngừng việc “hãm phanh nợ” trong năm nay nhằm tạo điều kiện để chính phủ tập trung tài chính cho việc ứng phó với khủng hoảng, thúc đẩy chi tiêu tài khóa, thực hiện cân bằng ngân sách khi khoản nợ mới được ghi nhận mức kỷ lục là 217,8 tỷ euro (gần 260 tỉ USD). Cũng theo Destatis, thâm hụt ngân sách của Đức trong 6 tháng đầu năm lên tới 51,6 tỷ euro (60,9 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2020, tương đương 3,2% tổng sản lượng của nền kinh tế tính theo tiêu chuẩn Hiệp ước Maastricht của Liên minh châu Âu.

Châu Á: Trên 66.000 ca nhiễm/ngày ở Ấn Độ

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương, với Ấn Độ ghi nhận tổng số ca mắc đã lên tới 3.231.754 ca, trong khi số ca tử vong là 59.612 ca.

Đo thân nhiệt một phụ nữ ở Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN.

Cùng ngày, Hàn Quốc ghi nhận thêm 280 ca, trong đó có 264 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca tại quốc gia Đông Á này lên 17.945 ca. Đặc biệt, riêng thủ đô Seoul đã ghi nhận thêm 134 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca tại thành phố này lên 3.120 ca. Kể từ khi Seoul ghi nhận 146 ca mới vào ngày 15/8, các ca nhiễm mới hầu như liên tục duy trì ở mức 3 con số mỗi ngày. Học sinh ở thủ đô Seoul và các vùng phụ cận được thông báo sẽ quay trở lại với hình thức học từ xa trong bối cảnh dịch bệnh tại nước này đang bùng phát trở lại.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 20/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN.

Ngày 25/8, giới chức Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ nới lỏng một số biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 từ ngày 28/8, theo đó cho phép mở cửa trở lại một số cơ sở như rạp chiếu phim, thẩm mỹ viện và các nhà hàng được kéo dài thời gian cho khách hàng ăn tại chỗ. Chính quyền Hong Kong sẽ cho phép các trung tâm thể thao ngoài trời được mở cửa trở lại và dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc đối với hoạt động thể thao ngoài trời cũng như tại các công viên nhỏ ở nông thôn. Các nhà hàng cũng được mở cửa đến 9h tối cho khách hàng ăn tại chỗ thay vì phải mua mang về từ sau 6h tối như trước đây.

Hong Kong đã ghi nhận sự tăng vọt các ca lây nhiễm trong cộng đồng từ đầu tháng 7, tuy nhiên số ca mắc bệnh theo ngày đã giảm từ mức 3 con số xuống mức 2 con số trong vài tuần gần đây.

Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 19/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN.

Tại Trung Quốc, Bệnh viện Tây Trung Quốc thuộc Đại học Tứ Xuyên cho biết vaccine protein tái tổ hợp do đơn vị này phát triển đã được Cục Quản lý dược phẩm quốc gia Trung Quốc cấp giấy phép đưa vào nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc “bật đèn xanh” tiến hành thử nghiệm trên người đối với một vaccine phòng COVID-19 được nuôi cấy trong tế bào côn trùng. Theo các nhà khoa học, vaccine này được thiết kế để kích hoạt các kháng thể chống lại các khu vực hoạt động cụ thể trên protein hình gai của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 23/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trên xe buýt tại Addis Ababa, Ethiopia, ngày 24/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN.
Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Ekurhuleni, Nam Phi, ngày 8/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN.

Philippines: Lực lượng an ninh và người nghèo sẽ nhận vaccine COVID-19 đầu tiên

Theo tờ Straits Times, Tổng thống Philippines Duterte ngày 25/8 cho biết ông muốn các hộ gia đình thu nhập thấp, thuộc chương trình phát tiền mặt của chính phủ (có tên Pantawid), sẽ là những người đầu tiên được nhận vaccine phòng COVID-19, mà các nước trên thế giới đang chạy đua phát triển.

Trước đó, hồi đầu tháng này, Tổng thống Duterte, 75 tuổi, cho biết ông sẵn sàng trở thành người đầu tiên tiêm thử vaccine COVID-19 của Nga, tuy nhiên các chuyên gia y tế khẳng định ông không đủ điều kiện tham gia thử nghiệm do tuổi tác.

Nhân viên hàng không mặc trang phục bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 khi làm việc tại sân bay ở Manila, Philippines, ngày 4/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN.

Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng

Nội các Thái Lan ngày 25/8 đã thông qua việc gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng cho tới ngày 30/9 nhằm kiểm soát dịch COVID-19. Đây là lần thứ 5 Thái Lan gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp kể từ khi ban hành hồi tháng 3 vừa qua. Trước đó, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) cũng đã đồng ý với việc gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và nhấn mạnh rằng sắc lệnh này sẽ không được sử dụng để chống lại các cuộc biểu tình chính trị.

Chính phủ Thái Lan sẽ tăng cường các gói cứu trợ cho doanh nghiệp nhằm đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: EPA-EFE.

Về tình hình dịch bệnh, Thái Lan ngày 25/8 ghi nhận thêm 5 ca mắc mới, nhưng đều là những công dân hồi hương và đã được cách ly. Đến nay, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 3.402 ca bệnh (465 ca được phát hiện trong khu cách ly), trong đó có 58 bệnh nhân tử vong.

Singapore: Ca nhiễm mới thấp nhất trong 5 tháng

Bộ Y tế Singapore xác nhận ngày 25/8 nước này ghi nhận 31 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 56.435. Đây là mức nhiễm mới trong ngày thấp nhất trong hơn 5 tháng qua tại Singapore, kể từ ngày 22/3, với 23 ca nhiễm mới.

Trong khi đó, ngày 24/8, Tổng thống Singapore Halima Yacob tuyên bố đảm bảo việc làm sẽ là ưu tiên của nước này trong những năm tới. Bà Halima Yacob cho biết đại dịch COVID-19 đã gia tăng sức ép về vấn đề việc làm tại Singapore. Bà cho rằng để duy trì tạo thêm việc làm, nước này cần gấp rút chuyển đổi nền kinh tế và tìm kiếm cách thức mới để đảm bảo sinh kế cho người dân.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch tại Singapore. Ảnh: Straits Times.

Ngày 25/8, Bộ Y tế Malaysia thông báo ghi nhận thêm 11 ca mới mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tại quốc gia Đông Nam Á này lên 9.285 ca.

Hành khách đeo khẩu trang tại một trạm xe bus ở Kuala Lumpur ngày 11/8. Ảnh: Reuters.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Y tế Noor Hisham Abdullah cho biết hai trong số ca mới là “nhập khẩu” và 9 ca còn lại là lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, đã có thêm 6 ca bình phục, nâng tổng số bệnh nhân bình phục và được xuất viện lên 8.971 ca, chiếm 96,6% tổng số ca mắc. Trong số 189 bệnh nhân đang được điều trị có 8 ca đang được chăm sóc đặc biệt. Hiện số ca tử vong do dịch COVID-19 tại Malaysia vẫn là 125 ca.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn tin: Báo Tin tức

Tin khác

Thanh niên phóng xe máy vào cao tốc Hà Nội-Hải Phòng khai đi theo Google Maps

Hà Mạnh H trình bày, sáng 17/11 điều khiển xe máy đi từ thị trấn…

17/11/2024

Khám sức khoẻ lái xe không bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn

Ngày 16.11, Bộ Y tế ban hành thông tư Quy định về tiêu chuẩn sức…

17/11/2024

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy

Sáng 17/11, Đảng ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy) long…

17/11/2024

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Cầu truyền hình trực tiếp Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Chương trình cầu truyền hình trực tiếp Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết…

16/11/2024

Doanh nghiệp sắp được mua đất nông nghiệp làm dự án nhà ở?

Chính phủ đề xuất NĐT thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi…

16/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More