Xã hội

COVID-19 tới 6h sáng 19/9: Thêm trên 360.000 ca nhiễm mới; Mỹ hơn 10.000 ca tử vong/tuần

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 360 ca mắc COVID-19 và 5.441 ca tử vong. Làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta đã cướp đi 10.000 sinh mạng ở Mỹ trong một tuần qua.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 19/9 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 228.744.404 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.697.787 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 361.591 và 5.413 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 205.362.408 người, 18.684.209 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 100.133 ca nguy kịch.

Giáo viên kiểm tra thân nhiệt của học sinh nhằm phòng dịch COVID-19 tại một trường học ở Peshawar, Pakistan ngày 16/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 41.156 ca nhiễm mới; tiếp theo là Ấn Độ (31.121 ca) và Anh (30.144 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới với 799 người chết; tiếp theo là Mỹ (578 ca) và Iran (355 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 42.841.063 người, trong đó có 691.291 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 33.447.010 ca nhiễm, bao gồm 444.869 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.102.536 ca bệnh và 589.744 ca tử vong.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Selongor, Malaysia, ngày 12/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN.

Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, hiện đã lên tới 73.849.487 ca. Châu Âu đứng thứ hai với 57.473.575 ca nhiễm. Con số này ở khu vực Bắc Mỹ là hơn 51 triệu ca trong khi ở Nam Mỹ là hơn 37 triệu ca. Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn nhưng số ca nhiễm cũng đã lên tới hơn 8,2 triệu ca và châu Đại Dương có hơn 200.000 ca nhiễm.

Xét theo số ca tử vong, châu Âu đứng đầu với 1.201.834 ca, tiếp đến là Nam Mỹ với 1.145.510 ca. Con số này ở châu Á và Bắc Mỹ là hơn 1 triệu ca.

Mỹ: Trên 10.000 ca tử vong mới trong một tuần

Theo kênh ABC News, làn sóng lây. nhiễm tăng mạnh do biến thể Delta trong mùa hè đã gây tổn thất nặng nề cho nước Mỹ. Thống kê của trường Đại học John Hopkins cho thấy, trên 672.000 người Mỹ đã tử vong do COVID-19. Hơn 10.000 người đã tử vong trong một tuần tính đến ngày 17/9.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại California, Mỹ ngày 19/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN.

Trong một diễn biến khác, Nhà Trắng thông báo sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu vào tuần tới nhằm tìm cách đẩy mạnh các nỗ lực tiêm chủng cho thế giới. Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 22/9, cùng thời điểm diễn ra hội nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Theo Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki, tại hội nghị, Mỹ sẽ kêu gọi các nước đưa ra “tham vọng lớn hơn” về một loạt chủ đề như nỗ lực tiêm chủng cho thế giới, tăng nguồn cung cấp oxy và các thiết bị bảo hộ y tế.

Tờ Washington Post dẫn nguồn tin cho biết Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang có kế hoạch mua thêm hàng trăm triệu liều vaccine để hỗ trợ các nước và tại hội nghị có thể sẽ hối thúc các nước khác cũng làm điều tương tự.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 16/9/2021. Ảnh: Reuters.

Những thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh Mỹ đang chịu áp lực phải giúp đẩy nhanh độ phủ tiêm chủng toàn cầu. Đến nay Mỹ đã hỗ trợ cho các nước 140 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và sẽ phấn đấu để có thể hỗ trợ khoảng 500 triệu liều trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên, giới chuyên gia mong muốn Chính quyền Tổng thống Biden không chỉ đẩy mạnh hỗ trợ vaccine mà còn thúc đẩy tăng cường sản xuất vaccine trên toàn cầu.

Italy kiểm soát được làn sóng lây nhiễm thứ tư

Các chuyên gia y tế Italy ngày 17/9 tuyên bố nước này đã kiểm soát được làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư sau khi tỷ lệ lây nhiễm giảm mạnh trong 2 tuần qua.

Ông Silvio Brusaferro, Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) nhấn mạnh số ca lây nhiễm tại Italy được duy trì ở mức thấp nhờ các chiến dịch tiêm vaccine. Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy Chỉ số lây nhiễm (RT) của Italy đã giảm xuống 0,85 trong 14 ngày (25/8-7/9), từ 0,92 của tuần trước đó. Chỉ số RT dưới 1 có nghĩa là tỷ lệ lây nhiễm đang giảm.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Seriate, Bergamo, Italy. Ảnh: AFP/ TTXVN.

Tiến sĩ Nino Cartabellotta, người đứng đầu tổ chức y học Gimbe của Italy nhất trí rằng dữ liệu cho thấy làn sóng lây nhiễm thứ tư ở nước này đã được ngăn chặn. Tuy nhiên, ông Cartabellotta cảnh báo rằng xu hướng giảm số ca lây nhiễm có thể không kéo dài, đồng thời nói thêm: “Với mùa Thu đến và việc mở cửa trở lại trường học cho 9,4 triệu người, ngoài những trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm dù chỉ một liều vaccine, có một nguy cơ tái bùng phát tình trạng lây nhiễm và gia tăng số ca nhập viện do COVID-19“.

Anh điều chỉnh các biện pháp phòng dịch với du lịch nước ngoài

Anh đã công bố những biện pháp mới liên quan đến du lịch nước ngoài, nhằm khôi phục hơn nữa cuộc sống theo trạng thái bình thường mới sau quãng thời gian dài phải áp dụng nhiều hạn chế bởi dịch bệnh COVID-19.

Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho biết sẽ bỏ hệ thống phân loại danh sách các nước “đỏ, xanh, vàng” theo nguy cơ về dịch bệnh COVID-19. Thay vào đó sẽ chỉ có 2 danh sách đơn giản hơn là những điểm đến có “nguy cơ cao” và “nguy cơ thấp”. Việc xét nghiệm COVID-19 bắt buộc cũng được hủy bỏ với những khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ, giúp họ giảm bớt chi phí đáng kể này.

Ngoài ra, có 8 nước được bỏ khỏi danh sách “đỏ” COVID-19 trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan hay điểm đến du lịch được yêu thích Maldives. Những khách du lịch trở về Anh từ các địa điểm này sẽ không còn phải chịu quy định cách ly. Dự kiến, những điều chỉnh trên sẽ được áp dụng từ ngày 4/10.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 4/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN.

Thêm bằng chứng virus SARS-CoV-2 truyền từ dơi sang người

Các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu để tìm hiểu xem virus SARS-CoV-2 đến từ đâu và tiến hóa như thế nào. Trong một bài viết trên tờ The Daily News (của bang Texas, Mỹ) số ra ngày 14/9, giáo sư Norbert Herzog và giáo sư David Niesel của Đại học Y Texas Medical Branch khẳng định rất có thể virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ loài dơi và đã lây nhiễm sang con người. Sau đó, chúng đã có một sự thích nghi di truyền và gây ra đại dịch COVID-19.

“Họ hàng” gần nhất của chủng virus SARS-CoV-2 được các nhà khoa học phát hiện chính là virus tìm thấy ở loài dơi móng ngựa và một họ hàng gần khác đã được phát hiện trên loài tê tê, một loài thú có vảy ăn kiến. Virus này thuộc một tập hợp con của coronavirus, mang tên sarbecovirus, có thể lây nhiễm sang động vật có vú rất dễ dàng. “Tổ tiên” của SARS-CoV-2 tồn tại trên loài dơi từ cách đây hàng trăm năm và đã phát triển khả năng nhiễm sang các loài động vật có vú. Điều này giải thích tại sao SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao như vậy.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Jerusalem, ngày 15/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN.

Là một virus RNA (tức là có RNA là vật liệu di truyền), SARS-CoV-2 biến đổi theo thời gian. Vì khả năng sao chép bằng chứng đã đọc vào bộ gene của chúng diễn ra không thường xuyên, nên tỷ lệ biến đổi của chúng thấp hơn so với các virus khác, như virus cúm. Các đột biến xuất hiện ngẫu nhiên và những đột biến có tác động không có lợi cho sự phát triển của virus sẽ chết, trong khi các đột biến trung tính và có lợi cho virus sẽ sống sót và lây lan.

Hệ miễn dịch của con người phản ứng với sự lây nhiễm, vaccine, việc sử dụng thuốc kháng virus và các biện pháp trị liệu khác cũng như các nhân tố môi trường đều gây sức ép lên virus và khiến chúng phải thích nghi. Sự thay đổi ban đầu là ở protein gai, giúp virus bám vào tế bào dễ dàng hơn. Sự thay đổi này khiến virus có thể dễ lây lan hơn nhưng không hẳn là làm cho bệnh tình nặng hơn.

Nhật Bản cho phép điều trị bằng “hỗn hợp kháng thể” tại nhà

Chính quyền tỉnh Osaka, miền Tây Nhật Bản cho biết sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng phương pháp điều trị “hỗn hợp kháng thể” cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà. Tuyên bố được đưa ra không lâu sau khi cùng ngày Bộ Y tế Nhật Bản thông báo cho phép áp dụng biện pháp điều trị này với các bệnh nhân tự cách ly tại nhà.

Biện pháp điều trị dùng “hỗn hợp kháng thể” được Nhật Bản phê chuẩn hồi tháng trước, theo đó bệnh nhân được truyền tĩnh mạch đồng thời 2 loại thuốc để khống chế virus SARS-CoV-2. Khi đó, biện pháp này chỉ được giới hạn áp dụng cho bệnh nhân nằm viện hoặc điều trị ngoại trú.

Bộ Y tế cho biết để điều trị tại nhà bằng phương pháp này, phải có hệ thống giám sát tình trạng của bệnh nhân trong vòng 24 giờ sau khi được truyền tĩnh mạch.

Trong khi đó, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa quyết định tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường cho những người đã tiêm đủ hai mũi và dự định sẽ thực hiện kế hoạch này sớm nhất là cuối năm nay.

Hiện nay, chương trình tiêm chủng của Nhật Bản chủ yếu sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hai hãng Pfizer Inc. và Moderna Inc. Tuy nhiên, ngày 23/8, MHLW bắt đầu cho phép sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca Plc để tiêm cho những người từ 40 tuổi trở lên.

Vaccine không ảnh hưởng đến chu kỳ hay khả năng sinh sản của phụ nữ

Cơ quan quản lý dược phẩm và sản phẩm Chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) khẳng định không có mối liên hệ giữa vaccine ngừa COVID-19 với những vấn đề liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

MHRA đã nhận được hơn 30.000 báo cáo về các vấn đề liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Các tác dụng phụ này bao gồm kỳ kinh dài hơn bình thường, chậm kinh, hoặc chảy máu âm đạo. Số liều vaccine đã tiêm cho phụ nữ là 47 triệu liều. MHRA cho rằng rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng rất phổ biến, gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, và số lượng phụ nữ bị ảnh hưởng rất ít. Một số phụ nữ cũng bị thay đổi kỳ kinh sau khi nhiễm COVID-19, hoặc nhiễm bệnh với những triệu chứng kéo dài. Cơ quan này khẳng định vaccine phòng COVID-19 không liên quan đến rối loạn chu kỳ của phụ nữ.

Tại một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 trường học ở Toronto, Canada ngày 13/4/2021. Ảnh: Getty Images/TTXVN.

Trước thông tin này, giới khoa học Anh khuyến cáo cần nghiên cứu rõ những hiện tượng như thay đổi chu kỳ kinh nguyệt và chảy máu âm đạo sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 để trấn an phụ nữ. Trong một bài viết trên tạp chí y khoa BMJ, Tiến sĩ Victoria Male từ Đại học Hoàng gia London, cho biết phản ứng miễn dịch của cơ thể có khả năng nguyên nhân gây ra những hiện tượng trên chứ không phải do vaccine. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy vaccine ngừa COVID-19 ảnh hưởng tới việc mang thai hoặc khả năng sinh sản của phụ nữ.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Male cho rằng cần thực hiện các nghiên cứu về các trường hợp được báo cáo liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sau tiêm để chống lại các thông tin sai lệch về vaccine.

Bà cho biết nhiều phụ nữ trẻ chần chừ không muốn tiêm vaccine phần lớn do những thông tin sai lầm rằng vaccine ngừa COVID-19 có thể ảnh hưởng tới khả năng mang thai của họ trong tương lai. Tiến sĩ Male cho rằng việc không điều tra kỹ lưỡng các trường hợp thay đổi chu kỳ kinh nguyệt sau tiêm có thể làm tăng thêm những lo ngại này.

Campuchia cân nhắc tiêm mũi vaccine thứ 4

Ngày 18/9, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có 7 ca tử vong và 648 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó có 160 ca nhập cảnh. Tính đến hôm nay, nước này ghi nhận tổng cộng 103.482 bệnh nhân COVID-19, trong đó 96.767 người đã khỏi bệnh và 2.096 người tử vong.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết giới chức y tế đang cân nhắc tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ tư cho người dân, dựa vào nghiên cứu và diễn biến của dịch bệnh trong nước.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 vào ngày 10/2, đến nay hơn 70% dân số khoảng 16 triệu người của Campuchia đã được tiêm. Cụ thể, tính đến ngày 17/9, đã có 9.815.350 người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) tại Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 8.819.139 người đã hoàn thành 2 mũi tiêm. Trong khi đó, 1.725.316 thanh thiếu niên từ 12 đến dưới 18 tuổi và 67.477 trẻ từ 6-12 tuổi tại nước này đã được tiêm phòng COVID-19.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại một điểm tiêm chủng ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 17/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN.

Thủ tướng Hun Sen cho biết nước này sẽ có ít nhất 9 triệu liều vaccine để tiêm mũi tăng cường thứ 3 cho người dân và tính đến ngày 16/9, Campuchia đã tiêm mũi tăng cường thứ ba cho trên 800.000 người.

Trong một diễn biến khác, ngày 17/9, Giám đốc Sở Giáo dục, thanh niên và thể thao Phnom Penh Hem Sinareth cho biết 23 học sinh đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi đa số các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thành phố mở cửa trở lại hai ngày trước đó.

Để ngăn dịch bệnh lây lan, 5 trường đã đóng cửa các lớp học có học sinh mắc COVID-19. Các học sinh này được chuyển đến điều trị tại trung tâm y tế ở Sân vận động quốc gia và học sinh các lớp có ca dương tính được yêu cầu theo dõi sức khỏe tại nhà. Trong khi đó, các lớp khác không có ca mắc COVID-19 vẫn dạy và học bình thường, nhưng học sinh cần hạn chế ra ngoài, phải đeo khẩu trang và rửa tay diệt khuẩn thường xuyên.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Subang, bang Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN.

Malaysia: Ca hồi phục vượt ca nhiễm

Mặc dù số ca nhiễm mới tại Malaysia vẫn ở mức cao, với trên 17.500 ca trong ngày 18/9, nhưng số ca phục hồi tại nước này tiếp tục vượt cao hơn, với trên 22.700 ca cùng ngày. Hiện nay, tổng số ca hồi phục tại Malaysia đã lên tới 1.823.245 trường hợp. 1.165 bệnh nhân đang được điêu trị ở phòng chăm sóc đặc biệt, trong đó 689 ca cần trợ thở.

Bất chấp số ca nhiễm mới vẫn chưa giảm mạnh, Malaysia đã chuyển sang chiến lược “sống chung” với dịch bệnh. Từ ngày 17/9, thêm nhiều lĩnh vực kinh tế tại Malaysia đã được phép hoạt động trở lại, kể cả ở những bang đang trong giai đoạn I của Kế hoạch phục hồi quốc gia.

Kế hoạch phục hồi quốc gia của Malaysia gồm 4 giai đoạn với giai đoạn IV là giai đoạn cuối cùng. Đến thời điểm hiện tại chỉ còn lại 2 bang là Kedah và Johor đang ở giai đoạn I. Trong khi đó đã có 10 bang và vùng lãnh thổ liên bang được chuyển sang giai đoạn II và 3 bang đang ở giai đoạn III và 1 vùng lãnh thổ liên bang ở giai đoạn IV. Malaysia có 13 bang và 3 vùng lãnh thổ liên bang, trong đó thủ đô Kuala Lumpur, Putrajaya và Lubuan được coi là vùng lãnh thổ liên bang.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 15/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN.

Lào: Ca nhiễm mới cao nhất từ đầu dịch

Ngày 18/9, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 466 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 383 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đây là số lượng ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày được ghi nhận tại Lào kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Bộ trên thông báo số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại nước này được ghi nhận tại nhiều tỉnh thành, trong đó thủ đô Viêng Chăn có số ca tăng đột biến cao nhất từ trước tới nay với 264 ca. Nghiêm trọng nhất là ổ dịch tại một nhà máy may mặc ở thủ đô Viêng Chăn khi có tới 247 công nhân đã cho kết quả dương tính trong 24 giờ qua.

Trong khi đó, tình hình dịch tại các tỉnh khác của Lào vẫn diễn biến phức tạp, đáng chú ý, trong 24 giờ qua, ngoài các tỉnh ở Trung và Nam Lào vẫn ghi nhận số ca nhiễm cộng đồng cao trong thời gian qua như Champasak, Savannakhet, Khammuan…, tỉnh Luang Prabang, Bắc Lào, cũng ghi nhận số ca tăng đột biến với 30 ca trong cộng đồng. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào hiện là 18.813 ca, trong đó có 16 người tử vong.

Cảnh vắng vẻ trên một đường phố ở thủ đô Viêng Chăn, Lào, ngày 12/9/2021 sau khi chính phủ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN.

Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp phòng dịch, Chính phủ Lào cũng thông báo sẽ tiêm cho các học sinh lớp 12 (17 tuổi) để đảm bảo an toàn cho các em trong các kỳ thi quan trọng sắp tới. Đây có lẽ là một ngoại lệ vì trước đó, giới chức nước này thông báo sẽ chỉ tập trung tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi trong năm 2022, sau khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng đáng kể trong nhóm dân số từ 18 tuổi trở lên.

Thái Lan cân nhắc nới lỏng thêm để thích ứng lâu dài với dịch bệnh

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đang lên kế hoạch chấm dứt những biện pháp hạn chế đối với một số hoạt động, coi đó là một phần trong mục tiêu sống chung với COVID-19.

Chính phủ Thái Lan đã đề ra các biện pháp “bong bóng và niêm phong” cũng như những kế hoạch “hộp cát” để làm phương tiện cho phép công chúng cùng tồn tại với COVID-19. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động theo các biện pháp y tế công cộng cho đến khi tình hình được cải thiện.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Bangkok, Thái Lan ngày 17/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN.

Các nhà chức trách Thái Lan hiện đang cân nhắc đề xuất mở cửa trở lại 5 tỉnh trong tháng tới. Thủ đô Bangkok được dự kiến mở cửa từ 15/10, trong khi các tỉnh Chon Buri, Phetchaburi, Prachuap Khiri Khan và Chiang Mai sẽ mở cửa sớm hơn từ 1/10. Đề xuất này dự kiến sẽ được trình lên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) vào ngày 24/9 và Trung tâm Xử lý Tình hình Kinh tế (CESA) vào ngày 29/9.

Tuy nhiên, Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang hôm 17/9 khẳng định thành phố này sẽ chưa mở cửa trở lại cho đến khi đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% dân số để đảm bảo có đủ khả năng miễn dịch.

Học sinh đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN.

Singapore đảm bảo an toàn cho học sinh trong kỳ thi cuối cấp

Theo thông báo ngày 18/9 của Bộ Giáo dục Singapore, các trường tiểu học của nước này sẽ chuyển sang học trực tuyến trong vòng 10 ngày. Quyết định này nhằm đảm bảo an toàn cho kỳ thi quốc gia của các em học sinh lớp 6 trong bối cảnh Singapore ghi nhận 935 ca nhiễm COVID-19 trong ngày 17/9, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.

Cụ thể, học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 sẽ học trực tuyến trong thời gian từ ngày 27/9 đến ngày 6/10. Trong khi đó, các em học sinh lớp 6, cuối cấp, sẽ nghỉ học một số ngày từ ngày 25/9 trước khi bước vào kỳ thi cuối cấp. Mục đích của biện pháp này là nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm tại trường học và giảm số học sinh phải cách ly.

Bộ trưởng Giáo dục Chan Chun Sing nêu rõ: “Trong lúc kỳ thi cuối cấp tiểu học quốc gia (PSLE) đang đến gần, chúng tôi sẽ thực hiện thêm các biện pháp để bảo vệ học sinh, đối tượng vẫn chưa được phép tiêm vaccine, để các em và phụ huynh học sinh yên tâm”.

Việc số ca nhiễm tăng trở lại sau khi nới lỏng một số biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 đã buộc Singapore tạm dừng mở cửa thêm nữa. Hiện hơn 80% dân số Singapore đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo kế hoạch, nước này sẽ tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi từ đầu năm 2022.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn tin: Báo Tin tức

Tin khác

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

Thiệt hại 1,5ha rừng do cháy rừng tại núi Mã Chàng, xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên)

Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…

20/12/2024

Tổng kết và trao giải Báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” năm 2024

Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…

20/12/2024

Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ thông xe đường Đỗ Mười kéo dài

Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…

20/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More