Print Thứ Tư, 11/03/2020 18:49 Gốc

Virus Corona chủng mới gây dịch Covid-19 đã làm bộc lộ ra vấn đề cốt lõi mà trước đây ít ai chú ý: Thế giới đã lệ thuộc quá nhiều vào “công xưởng thế giới” Trung Quốc gần hai thập kỷ nay.

Từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO vào cuối năm 2001, các nước phương Tây đã chuyển các công việc sản xuất nặng nhọc, tốn nhiều lao động và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sang Trung Hoa lục địa. Một lợi thế lớn khác đối với giới sản xuất kinh doanh phương Tây là Trung Quốc có lực lượng lao động khổng lồ hàng trăm triệu người nên giá nhân công ở đây là cực thấp.

Các cảng biển quốc tế vắng bóng tàu vì lưu lượng hàng hóa từ Trung Quốc xuất sang Mỹ và các nước sụt giảm nghiêm trọng do tình hình dịch bệnh. Ảnh chụp màn hình New York Times.

Không phải là giới lãnh đạo Trung Quốc không nhìn thấy điều đó, nhưng đầu thập niên 2000, nước này vẫn còn nghèo, phải chấp nhận đánh đổi môi trường và tận dụng ưu thế nhân công giá rẻ để phát triển kinh tế. Từ đó trở đi, từ chiếc điện thoại, máy tính, đến cái áo cái quần, đôi giày cho đến vật dụng gia đình thông dụng ở các nước đều là hàng “made in China” với giá rất rẻ so với hàng sản xuất chính quốc.

Trung Quốc được lợi lớn là tiếp nhận được những phát minh mới trong lĩnh vực công nghệ thông qua sự chuyển giao tự nguyện và bị bắt buộc (có cả đánh cắp) của các nước phương Tây, giúp nước này chuyển mình tạo nên những bước tiến thần kỳ về công nghệ và sản xuất trong hai thập kỷ qua.

Trung Quốc cung ứng lượng hàng hóa lớn cỡ nào cho thế giới?

Hằng năm, Trung Quốc đều đặn cung ứng cho thị trường thế giới một khối lượng hàng hóa khổng lồ trị giá hơn 2.000 tỉ USD (năm 2019 là 2.465 tỉ USD, số liệu của World Top Exports). Cho đến khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán vào cuối tháng 12.2019, các nước phương Tây đã ngớ người ra khi nhận ra rằng mình đã quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Lời phát biểu chịu nhiều chỉ trích của diễn viên điện ảnh Thành Long hóa ra lại đúng: “Nếu Trung Quốc hắt hơi, cả thế thế giới sẽ rung chuyển“. Rung chuyển vì chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn bởi “nhà máy của thế giới” gặp sự cố bất ngờ ngoài mọi dự liệu ban đầu.

Các sân bay quốc tế vắng vẻ vì nhiều hãng hàng không dân dụng hủy bay đến Trung Quốc; các hãng công nghệ cũng đình chỉ việc cử nhân sự sang do sợ bị lây nhiễm. Ảnh chụp màn hình New York Times.

Nhưng dịch Covid-19 đã giúp cho thế giới nhận ra rằng không thể cứ lệ thuộc vào hàng hóa “made in China” mãi. Câu ngạn ngữ Tây phương “Không bao giờ để tất cả trứng vào chung một rổ” là hoàn toàn chính xác trong trường hợp này, phải có nguồn cung ứng thứ hai có quy mô gần bằng Trung Quốc để tránh sự quá lệ thuộc vào nước này như đã và đang diễn ra. Sự lệ thuộc quá mức vào nguồn cung duy nhất rất nguy hiểm, trong trường xảy ra thiên tai, dịch bệnh, xung đột chính trị và chiến tranh thì các quốc gia bị lệ thuộc sẽ lãnh hậu quả nặng nề.

Ngày 6.10.1973, cuộc chiến ở Trung Đông giữa khối Ả Rập và Israel bùng nổ. Để trừng phạt việc Mỹ và châu Âu đứng về phía Israel, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ – OPEC của khối Ả Rập đã cấm vận dầu mỏ, ngưng xuất khẩu loại hàng chiến lược này sang Mỹ và châu Âu từ tháng 10.1973 đến tháng 3.1974. Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng vì thiếu nguồn năng lượng cực kỳ quan trọng này. Người Mỹ đã “sáng mắt ra” sau bài học nhớ đời này, nên từ đó họ tích cực tìm kiếm trữ lượng dầu ở nội địa để không còn phải lệ thuộc vào nguồn cung ở “thùng thuốc súng” Trung Đông nữa. Giờ đây, Mỹ đứng thứ 2 trong 10 nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Người Nhật cũng không quên bài học đau đớn khi quá lệ thuộc vào nguồn đất hiếm của Trung Quốc. Tháng 9.2010, sau vụ va chạm giữa lực lượng Tuần duyên Nhật và tàu cá Trung Quốc ở vùng biển gần đảo Senkaku, Trung Quốc lập tức cắt giảm lượng đất hiếm thành phẩm xuất sang Nhật, làm ngành công nghiệp điện tử của nước này lao đao vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu sống còn. Từ đó, người Nhật tích cực đi tìm nguồn cung mới, họ đã đầu tư vào một số nước có trữ lượng đất hiếm lớn, trong đó có Việt Nam.

Tìm nguồn cung thay thế Trung Quốc ở đâu?

Muốn là một chuyện, làm lại là chuyện khác vì không phải điều dễ dàng để tìm được một nguồn cung có quy mô cực lớn như Trung Quốc. Nhưng, người Mỹ đã tìm ra đáp án. Không phải ngẫu nhiên mà trong những năm gần đây mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Ấn Độ ngày càng nồng ấm. Người Mỹ đã nhìn thấy tiềm năng triển vọng của Ấn Độ để thay thế vai trò “nhà cung cấp chủ lực” của Trung Quốc. Đất nước đông dân thứ hai trên thế giới (1,3 tỉ người) này cũng có lực lượng lao động hàng trăm triệu người và lại khá trẻ so với Trung Quốc đã qua thời kỳ “độ tuổi vàng” của dân số. Một ưu điểm nữa, tiếng Anh phổ biến ở Ấn nên thuận lợi trong giao tiếp và đào đạo nhân lực cho các nhà đầu tư Mỹ. Thứ ba, thể chế chính trị của Ấn Độ phù hợp với người Mỹ hơn nhiều so với Bắc Kinh. Tất cả những ưu điểm và thuận lợi đó đã nâng cao giá trị của Ấn Độ trong giới đầu tư của Mỹ cũng như các nước phương Tây.

Cuộc chiến năm 1973 giữa khối Ả Rập và Israel (ảnh trên) đã làm kinh tế Mỹ lao đao vì thiếu dầu mỏ, xe cộ phải xếp hàng đổ xăng theo định lượng quy định. Ảnh chụp màn hình Live Science-The Nation.

Dù vậy, không phải ngày một ngày hai mà Ấn Độ trở thành một “công xưởng thế giới” thứ hai. Nó đòi hỏi thời gian để Ấn Độ chuẩn bị các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, đào tạo lực lượng lao động đông nhưng trình độ không đồng đều, các trở ngại về những vấn đề tôn giáo và rào cản về giai cấp xã hội. Ấn Độ phải hình thành được một mạng lưới các cơ sở sản xuất vệ tinh cung ứng đầy đủ các nguyên phụ liệu cho những nhà máy của giới đầu tư nước ngoài. Và, phải mất thêm thế gian để các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư ở Trung Quốc chuyển dời nhà máy sang Ấn Độ.

Ấn Độ đang có lợi thế lớn là cuộc thương chiến Mỹ – Trung đã làm giới đầu tư e ngại khi muốn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Các nghiên cứu thị trường của báo South China Morning Post cho thấy, ngay cả những chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung Quốc cũng tỏ ra bi quan về tương lai của họ, một số đã dời cơ sở sản xuất sản xuất sang các nước Đông Nam Á – trong đó có Việt Nam, để tránh những đòn đánh bằng thuế quan của Mỹ lên hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Cuộc thương chiến chưa đến hồi kết thúc, ai biết được là sẽ còn bao nhiêu đòn đánh hiểm của phía Mỹ sẽ tung ra trong thời gian tới?

Người Ấn hiện nắm giữ nhiều ưu thế trong bối cảnh Trung Quốc đang lao đao vì dịch bệnh và thế giới đã “tỉnh ngộ“, muốn thoát khỏi sự lệ thuộc quá lớn vào nước này. Vấn đề chỉ là liệu Ấn Độ có nắm bắt được thời cơ để vươn lên hay không mà thôi.

Triển vọng cho Việt Nam

Việt Nam với dân số 95 triệu có lực lượng lao động trẻ, với ưu điểm nhanh nhạy và kỹ năng tiếp thu kiến thức chuyên môn khá tốt cũng là một điểm đến hứa hẹn của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Một số hãng lớn đã chuyển dần các nhà máy lắp ráp smartphone sang Việt Nam. Đi trước tất cả là đại gia Hàn Quốc Samsung, năm 2014 hãng này đã đầu tư 2,3 tỉ USD để xây dựng một nhà máy ở Việt Nam, hiện nay một số dòng smartphone Samsung đã ghi là “made in Vietnam”.

Trong thời gian tới, Google sẽ chuyển dần một số khâu sản xuất dòng smartphone Pixel 3A từ Trung Quốc sang Việt Nam. Từ trước khi xảy ra dịch, các hãng Mỹ HP và Dell đã chuyển các nhà máy sản xuất máy chủ (server) từ Trung Quốc sang các nước và vùng lãnh thổ khác, các dòng laptop thì chuyển sang sản xuất ở Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan và Philippines để né thuế suất của chính phủ Mỹ. Apple và Foxconn cũng đang nghiên cứu phương án di dời một số cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo đánh giá của tờ báo tài chính Mỹ The Economist, ưu thế lớn nhất của lao động Việt Nam là chi phí lương bổng chỉ bằng một nửa của Trung Quốc và có độ tuổi bình quân trẻ hơn đến 7 tuổi. Đây là những yếu tố quan trọng vì mang lại thêm lợi nhuận và khả năng làm việc lâu dài cho giới đầu tư.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Covid-19 chỉ ra sự lệ thuộc của thế giới vào ‘công xưởng’ Trung Quốc
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác