Đến thời điểm này, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng đạt được sự đồng bộ trong các khâu thu gom, vận chuyển và xử lý phù hợp quy định pháp luật trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn. Để có kết quả này, thời gian qua, công ty chủ động nghiên cứu, cải tiến phương tiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cải tiến phương tiện thu gom, xử lý
Hiện, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng thực hiện quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trên địa bàn các quận: Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền và Hải An, huyện An Dương và 10 xã huyện Kiến Thụy. Tổng lượng rác thu gom 1.000 tấn/ngày. Công ty tham gia xử lý 1.300 tấn rác thải/ngày của 7 quận và các huyện: An Dương, Thủy Nguyên, Cát Hải và Kiến Thụy. Cùng với đó, công ty tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải y tế, nguy hại, xây dựng, cảng biển… Khối lượng công việc lớn, song công ty luôn bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Trưởng Ban Truyền thông Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng Phạm Thanh Hà cho biết, theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ ngày 01/01/2025, người dân phải thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, công ty chủ động nghiên cứu, thiết kế phương tiện phù hợp từng loại chất thải rắn sinh hoạt được phân loại. Các xe rác đẩy tay được bố trí lắp đặt thành 3 thùng, với 3 màu sắc riêng biệt, tương ứng từng loại rác thải sinh hoạt sau phân loại. Thùng màu vàng thu gom rác không tái chế, màu xanh rác hữu cơ và màu trắng rác tái chế. Bên cạnh đó, quanh xe đẩy tay trang bị thêm các móc treo, dự phòng trường hợp lượng rác lớn, công nhân phân loại rác vào túi tương ứng. Các phương tiện vận chuyển cũng đáp ứng yêu cầu. Hiện công ty có hơn 100 xe ô tô chuyên dụng thực hiện vận chuyển riêng biệt từng loại rác. Tất cả xe được dán decal truyền thông để nhận biết xe vận chuyển riêng từng loại rác. Rác thải sau phân loại khi về khu xử lý đều được xử lý, tái chế, tái sử dụng hiệu quả. Hiện, từ nguồn rác thải hữu cơ được phân loại tại nguồn, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đang thực hiện tái chế gần 100 tấn rác hữu cơ mỗi ngày thành các sản phẩm phân mùn vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các loại rác thải nhựa, rác thải cồng kềnh cũng được phân loại tốt hơn để tái chế, tái sử dụng thành nguyên liệu xây dựng, vật liệu san lấp.
Bà Trần Thị Minh, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng cho biết, bà và một số người được tham quan hoạt động tái chế, xử lý rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát (quận Hải An) do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị quản lý, vận hành. Điều này giúp người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa, sự cần thiết công tác phân loại CTRSH tại nguồn cũng như trách nhiệm bảo vệ môi trường chung ở khu dân cư.
Đẩy mạnh truyền thông
Từ năm 2016, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Nhật Bản. Giai đoạn 2016-2024, công ty tập trung tuyên truyền, hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn đối với các nhà hàng, khách sạn, đơn vị, tổ chức, bệnh viện, trường học, cơ sở tôn giáo… Trọng điểm tại các quận: Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An và huyện An Dương. Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ tháng 6/2024, đơn vị triển khai giai đoạn 2 phân loại CTRSH tại nguồn. Theo đó, công ty phối hợp chặt chẽ các UBND phường, tổ dân phố duy trì tuyên truyền thường xuyên, giám sát người dân phân loại rác theo mô hình các “Tổ dân phố kiểu mẫu phân loại rác thải tại nguồn“. Công ty phối hợp bí thư, tổ trưởng dân phố, khu dân cư, các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các hộ thực hiện phân loại CTRSH. Khi thu gom, nhân viên môi trường gõ kẻng, người dân các ngõ, khu dân cư mang CTRSH phân loại ra đổ vào các ngăn của từng thùng rác. Quá trình thực hiện, bí thư, tổ trưởng dân phố cùng giám sát, nhắc nhở kịp thời để các hộ, cá nhân thực hiện nghiêm việc phân loại trước khi đổ rác.
Với các tổ dân phố đạt tỷ lệ hộ dân phân loại rác tốt, theo đúng 3 nhóm rác sẽ được chứng nhận là “Tổ dân phố kiểu mẫu phân loại rác thải tại nguồn” và bàn giao UBND phường để tiếp tục phối hợp các tổ dân phố duy trì thường xuyên, giám sát và tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác phân loại rác thải tại nguồn. Đến hết ngày 18/11, có 262 tổ dân phố tại 4 quận trung tâm và huyện An Dương đạt “Tổ dân phố kiểu mẫu phân loại rác thải“. Dự kiến, đến hết năm 2024, có 468 tổ dân phố đạt “Tổ dân phố kiểu mẫu phân loại rác thải“. Với sự chủ động, sáng tạo trong cải tiến trang thiết bị và đẩy mạnh truyền thông, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng đang từng bước thay đổi căn bản nhận thức, hình thành thói quen của người dân về phân loại CTRSH tại nguồn. Đây là yếu tố quan trọng để thành phố tổ chức thực hiện phân loại rác bảo đảm lộ trình theo quy định pháp luật.
Bài và ảnh: BẢO CHÂU