Sáng 29-3, một ngày sau khi hàng trăm người lao động Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng (Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam) trên địa bàn phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng ngừng việc tập thể, ban lãnh đạo, công đoàn doanh nghiệp tổ chức đối thoại với người lao động, giải đáp một số vấn đề liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Tại cuộc đối thoại, phần lớn ý kiến người lao động đề nghị ban lãnh đạo doanh nghiệp giải quyết chế độ liên quan đến tiền lương; có phương án cụ thể chi trả tiền lương năm 2018 cũng như tạm ứng lương tháng 2, 3-2019. Đồng thời, thanh toán chế độ liên quan đến BHXH cho người lao động như chế độ ốm đau, thai sản; trang bị bảo hộ lao động; việc làm sau khi doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất…. Tiếp thu và giải trình các ý kiến của người lao động, ông Trương Hoàng Cao, Tổng giám đốc công ty chia sẻ khó khăn hiện tại của doanh nghiệp như mất cân đối tài chính, thiếu việc làm, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Ban lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn người lao động chia sẻ khó khăn và khẳng định sẽ ưu tiên hàng đầu giải quyết quyền lợi cho người lao động. Trước mắt, trong tháng 4, 5-2019, công ty giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản của người lao động từ tháng 6-2017 đến hết năm 2018; công ty tạm ứng lương tháng 2-2019 cho người lao động trước ngày 5-4 với mức bình quân 3 triệu đồng/người. Về trang thiết bị bảo hộ lao động, công ty kiểm tra, rà soát tại thực tế các bộ phận để trang bị cho người lao động trong thời gian sớm nhất.
Quang cảnh cuộc đối thoại.
Sau gần 2 giờ đối thoại, nhiều người lao động bức xúc vì một số kiến nghị chưa được lãnh đạo công ty giải thích thỏa đáng. Trong đó, doanh nghiệp chưa đưa ra phương án chi trả lương năm 2018 và tạm ứng lương tháng 3-2019. Anh Nguyễn Duy Kỷ, thuyền trưởng tàu lai dắt cho biết, gắn bó với công ty gần 30 năm nay, tôi mong muốn doanh nghiệp sớm tạm ứng lương tháng 2, 3-2019 cho người lao động, mức ứng lương phải đạt 2/3 số lương được lĩnh để bảo đảm cuộc sống công nhân. Đồng thời, công ty thông báo rõ số tiền nợ lương của người lao động là bao nhiêu (từng tháng, cả năm). Trường hợp doanh nghiệp không bố trí được việc làm cho công nhân thì giải quyết chế độ theo quy định pháp luật lao động để người lao động tìm công việc khác, ổn định cuộc sống.
Theo phản ánh từ phía người lao động, ngừng việc tập thể ngày 28-3 xuất phát từ 3 nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là vì doanh nghiệp vi phạm chế độ tiền lương cho người lao động. Cụ thể, từ tháng 2-2018 đến tháng 1-2019, công ty mới chỉ tạm ứng một phần lương cho người lao động. Từ tháng 2-2019 đến nay, người lao động chưa nhận được một khoản tạm ứng, thanh toán nào từ phía doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động, nhiều người lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần, khi không được bảo đảm thu nhập hằng tháng. Nguyên nhân thứ hai là do doanh nghiệp nợ BHXH nên từ tháng 6-2017 đến nay, người lao động chưa được thanh toán chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật. Một nguyên nhân khác là mặc dù doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực công nghiệp nặng, song, nhiều người lao động phản ánh, từ năm 2018 đến nay, họ không được trang bị bảo hộ lao động, nhiều người vì lo ngại mất an toàn tính mạng, tài sản phải tự trang bị thiết bị bảo hộ lao động…
Được biết, tình trạng nợ lương, nợ BHXH kéo theo người lao động bức xúc ngừng việc tập thể diễn ra nhiều lần tại Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng. Để bảo đảm quyền lợi người lao động, các cơ quan chức năng, các cấp công đoàn thành phố tập trung phối hợp giải quyết, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm chế độ, chính sách theo quy định pháp luật; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người lao động, động viên người lao động quay trở lại làm việc.
Mai Dung – Lê Hạnh – Báo Hải Phòng