Xã hội

Công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chợ trên địa bàn quận Ngô Quyền: Chưa được quan tâm đúng mức

Cuối tháng 1-2021, Công an thành phố kiểm tra công tác PCCC tại chợ Ga thuộc quận Ngô Quyền. Kết quả kiểm tra, mặc dù là chợ hạng 1, ở giữa trung tâm thành phố với khoảng 500 hộ đang kinh doanh buôn bán, thu hút nhiều người dân đến mua sắm, nhưng chợ này chưa đạt chuẩn về PCCC. Trong chợ, thiếu biển chỉ dẫn, quy hoạch lối thoát nạn, thoát hiểm chưa phù hợp. Nhiều tiểu thương kinh doanh bày hàng hóa lấn chiếm lối đi chung, chưa tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn PCCC, tiềm ẩn nguy cháy nổ cao.

Không chỉ chợ Ga, nhiều chợ trên địa bàn quận Ngô Quyền cũng trong tình trạng tương tự. Chợ Máy Chai trên đường Ngô Quyền, thuộc phường Máy Chai là 1 trong 9 chợ hạng 3 trên địa bàn quận Ngô Quyền. Chợ có diện tích không lớn nhưng tập trung hơn 130 hộ tiểu thương kinh doanh. Ngoài mặt hàng buôn bán chính là thủy hải sản, chợ kinh doanh nhiều loại mặt hàng như: hàng mã, hàng khô, đồ nhựa… Đây là các mặt hàng dễ cháy khi tiếp xúc với lửa. Trong khi đó, chợ xây dựng từ lâu chưa được đầu tư cải tạo nên xuống cấp; hệ thống ô, bạt dù, dây diện mắc ngang dọc, thiết bị điện cũ không bảo đảm an toàn, nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Trong chợ thiếu nội quy an toàn về PCCC, biển tiêu lệnh, bình bột chữa cháy… Chợ chỉ có 1 lối ra vào, nếu sự cố cháy nổ xảy ra việc thoát hiểm, tiếp cận để khoanh vùng, dập lửa sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo Trưởng Phòng Kinh tế quận Ngô Quyền Vũ Văn Hạnh, trên địa bàn quận hiện có 1 chợ hạng 1 là chợ Ga và 9 chợ hạng 3 ở địa bàn 9/12 phường gồm: chợ Lương Văn Can (phường Máy Tơ), chợ Đà Nẵng (phường Lạc Viên), chợ Cầu Tre (phường Cầu Tre), chợ Vạn Mỹ (phường Vạn Mỹ), chợ Máy Chai (phường Máy Chai), chợ Đoàn Kết (phường Lạch Tray), chợ Đông Khê (phường Đông Khê), chợ Đằng Giang (phường Đằng Giang) và chợ Đồng Quốc Bình (phường Đồng Quốc Bình). Đặc thù ở nội thành, vị trí các chợ xen trong khu dân cư đông đúc, sát nhà dân. Do các chợ hình thành từ lâu, đến nay xuống cấp, khó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về PCCC theo quy định. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định về PCCC của nhiều tiểu thương kinh doanh tại các chợ chưa tốt. Bà con tự do đun nấu, thắp hương, đốt vàng mã trong chợ; lắp đặt, đấu nối dây điện không an toàn. Rất ít tiểu thương chủ động trang bị bình bột chữa cháy để ứng phó kịp thời khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Ngô Quyền kiểm tra định kỳ chất lượng phương tiện phục vụ PCCC tại chợ Ga.

Theo Đội trưởng Đội PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Ngô Quyền, hiện nay cơ sở hạ tầng các chợ xuống cấp, đây là khó khăn rất lớn để các chợ bảo đảm các quy chuẩn về PCCC theo quy định. Do vậy, Ban quản lý, chính quyền địa phương được giao trách nhiệm quản lý các chợ cần nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác PCCC, chủ động phòng ngừa là chính. Trong đó, cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp hộ kinh doanh treo, trưng bày hàng hóa lấn chiếm khoảng không, lối đi chung, không để ảnh hưởng đến việc thoát nạn, chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Ban quản lý chợ cùng các hộ kinh doanh chú ý cải tạo đường dây điện, thay thế các thiết bị điện cũ, hỏng, kém chất lượng để bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, Ban quản lý các chợ quan tâm thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn; đầu tư, mua bổ sung thay thế các phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác PCCC tại chỗ không còn giá trị sử dụng. Đặc biệt, Ban quản lý các chợ cần tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn các hộ kinh doanh kỹ năng cơ bản, một số biện pháp phòng ngừa cháy nổ, chủ động trang bị bình bột chữa cháy.

Trưởng Ban quản lý chợ Ga Trịnh Quốc Khánh cho biết, sau kiểm tra của Công an thành phố về công tác PCCC tại chợ tháng 1-2021, Ban quản lý chợ nhận thức rõ hạn chế, nhanh chóng có giải pháp khắc phục. Trong đó, Ban quản lý chợ kiện toàn và duy trì Đội PCCC ở cơ sở gồm 15 thành viên. Ban quản lý chợ mở thêm một cổng thoát hiểm phía đường Nguyễn Khuyến. Như vậy, đến thời điểm hiện tại chợ có 3 lối thoát hiểm. Bên trong chợ bố trí 10 trụ nước, 29 họng nước, 3 bể nước ngầm, 1 bể treo dự trữ nước để phục vụ công tác chữa cháy; lắp đặt thêm hệ thống đèn báo sự cố tự động. Ban quản lý chợ phân chia các dụng cụ, phương tiện chữa cháy ra nhiều vị trí trong chợ để thuận tiện cho việc sử dụng khi có sự cố, đồng thời vận động các hộ kinh doanh chủ động trang bị bình bột chữa cháy, đến nay các hộ trang bị được 197 bình bột. 100% các hộ kinh doanh tại chợ ký cam kết thực hiện các quy định về PCCC. Ban quản lý chợ tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời nguy cơ cháy nổ.

Về lâu dài, Ban quản lý các chợ đề xuất quận Ngô Quyền quan tâm bố trí kinh phí đầu tư, cải tạo xây dựng các chợ xuống cấp để bảo đảm thực hiện các yêu cầu theo quy định về PCCC. Đối với một số chợ quá xuống cấp, kinh doanh không hiệu quả, quận xem xét có hướng chuyển đổi, thu hút đầu tư xây dựng trung tâm thương mại hoặc công viên cây xanh./.

Bài và Ảnh: Bùi Lan

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Phòng An ninh kinh tế Công an thành phố: Nỗ lực đảm bảo ANTT, ATGT khu vực Ga Hải Phòng

Ga Hải Phòng là nhàga loại I của ngành đường sắt Việt Nam, là đầu…

18/05/2024

Bộ Y tế nói gì về đề xuất thí điểm thuốc lá nung nóng của Bộ Công Thương?

Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc…

18/05/2024

Chương trình Famtrip và Tọa đàm hỗ trợ phát triển Du lịch học đường

Ngày 17/5, tại KCN sinh thái Nam Cầu Kiền (huyện Thuỷ Nguyên), Sở Du lịch…

17/05/2024

Khai mạc giải Thể hình, Sport Physique Cúp Hoa Phượng Đỏ-Hải Phòng mở rộng năm 2024

Tối 17/5, tại quảng trường Nhà hát thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao…

17/05/2024

Khai mạc Hội chợ Xúc tiến thương mại ngành Công Thương Hải Phòng 2024

Chiều 17/5, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp, Sở Công Thương…

17/05/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More