Bị bố mẹ mắng vì cắt tóc, bị phản bội trong tình yêu… là vài trong số vô vàn nguyên nhân dẫn đến những vụ tự tử của nhiều học sinh. Những suy nghĩ tiêu cực của tuổi mới lớn nếu không được gia đình, nhà trường phát hiện kịp thời, định hướng đúng đắn có thể phát sinh thành bi kịch.
Bồng bột, tiêu cực từ suy nghĩ đến hành động
Thật xót xa, đau đớn khi nhiều em học sinh ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” tìm đến cái chết vì những ý nghĩ tiêu cực do áp lực thi cử, điều tiếng dư luận… Thay vì chia sẻ, tâm sự với người lớn các em chọn cách tự giải quyết dù chưa lường trước hậu quả. Bị áp lực tinh thần trước kỳ thi tuyển sinh vào 10, em Trương Tấn Lộc (học sinh lớp 9, Trường THCS Hoàng Diệu, quận Lê Chân) tâm sự: “Nỗi lo không đỗ vào trường công lập ám ảnh em trong từng giấc mơ. Nghĩ đến tình huống, trượt trường do bố mẹ chọn, người thân trách mắng, xấu hổ với bạn bè, thầy cô, hàng xóm… chắc em bỏ nhà đi bụi”.
Học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Thủy Nguyên) chia sẻ thắc mắc, khó khăn trước kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Ảnh MINH PHƯƠNG
Chính những ý nghĩ tiêu cực, hành động thiếu suy nghĩ của các em là nguồn cơn của những câu chuyện đau lòng. Giữa tháng 3-2017, em T.V.Đ (học sinh lớp 11, Trường THPT Tiên Lãng cho bạn mượn chiếc xe máy loại 50 phân khối của mình. Sau đó, chiếc xe bị cảnh sát giao thông giam giữ do bạn em lái xe vi phạm an toàn giao thông. Trong lúc chờ xác nhận từ phía nhà trường, có thể do lo sợ bố mẹ mắng, thầy cô trách phạt, nghĩ quẩn nên em T.V.Đ uống thuốc diệt chuột tự tử.
Gần 1 năm qua, nhiều người dân sinh sống tại xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy chưa hết bàng hoàng khi kể lại câu chuyện về cái chết thương tâm của nữ sinh ngoan hiền, xinh đẹp tên Nguyễn Thị T.A. Em T.A là học sinh lớp 12A8 (Trường THPT Kiến Thụy), vì mâu thuẫn trong mối quan hệ tình ái với 2 thanh niên cùng huyện, cảm thấy uất ức, bị sỉ nhục, T.A uống thuốc diệt cỏ tự kết liễu cuộc đời khi em vừa tròn 18 tuổi, để lại nỗi đau khôn tả cho người thân và niềm tiếc thương cho bạn bè cùng trang lứa.
Gần đây nhất, ngày 16-3 vừa qua, người dân phát hiện xác một nữ giới trôi trên sông thuộc địa bàn xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đã trình báo chính quyền địa phương. Nạn nhân là em Đ.D.L sinh 2003, ở xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, học sinh lớp 9 một trường THCS trong xã. Theo thông tin ban đầu, ngày 15-3, em L tự ý cắt ngắn tóc của mình, khi về nhà, bố mẹ quát mắng. Có thể trong lúc bực tức, em đã nhảy cầu quyên sinh.
Kịp thời nắm bắt diễn biến tâm lý
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Chính (Giám đốc Trung tâm truyền thông sức khỏe thành phố), xuất phát từ mong muốn giải thoát bản thân, trừng phạt những người chung quanh hoặc khiến bạn bè, thầy cô, gia đình hối tiếc, day dứt… nên các em hành động bồng bột, thiếu suy nghĩ. Khi nhận thấy các con có những dấu hiệu như mệt mỏi, chán nản, hay nói từ ngữ như: không muốn sống, không chịu nổi, muốn chết… hoặc tự cô lập bản thân, ngại giao tiếp với những người chung quanh, cha mẹ là những người đầu tiên nên gần gũi, hỏi han, chia sẻ, ở góc độ người bạn đồng trang lứa, không nên áp đặt suy nghĩ của người lớn khiến các em sợ hãi.
Thầy giáo Doãn Hoàng Trung, Bí thư Đoàn thanh niên Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Thủy Nguyên cho rằng, song song với việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức; nhà trường coi trọng công tác giáo dục tâm lý, tích cực tăng cường tổ chức những buổi hoạt động ngoại khóa, tham gia các hoạt động tập thể, nói chuyện chuyên đề, tư vấn tuyển sinh, fanpgage riêng… tạo cơ hội giao lưu, sân chơi chung để các em mở lòng chia sẻ nguyện vọng, cũng như giải đáp thắc mắc để các em tự tin, trưởng thành từ suy nghĩ đến hành động. Còn cô Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo viên Trường THCS Lê Lợi, quận Hải An chia sẻ: “Tôi nhận thấy ở độ tuổi từ 12-16 tuổi, học sinh thường rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì, các em nhạy cảm với lời khen, chê, phát sinh tình cảm với người khác phái…Vì thế để kịp thời nắm bắt diễn biến tâm lý phức tạp, ý nghĩ tiêu cực phát sinh, bên cạnh việc khai thác thông tin từ cán bộ lớp, tôi lập thêm những tài khoản facebook khác nhau để có thể theo dõi thường xuyên, lắng nghe vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, định hướng cho học trò trước những cám dỗ trong cuộc sống.
Để giúp học sinh vững vàng hơn trong cuộc sống nhà trường cần tăng cường các hoạt động giáo dục tâm lý, trang bị sinh kỹ năng sống, ứng xử tích cực, nâng cao khả năng tự kiểm soát hành vi của bản thân cho học sinh. Quan trọng hơn cả, mỗi bậc cha mẹ hãy quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần cho các em đúng mức để các em không cảm thấy áp lực lạc lõng, dẫn tới hành vi dại dột.
Báo Hải Phòng 09/05/2018