Tiến tới các hoạt động hưởng ứng Truyền thống ngành Dân số Việt Nam (26/12/1961-26/12/2021). Phóng viên Chuyên đề An Ninh Hải Phòng đã có cuộc phỏng vấn với bà Trần Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ
PV: Thưa Chi cục trưởng, trước hết xin bà cho biết những bước tiến đáng ghi nhận của thành phố chúng ta về công tác DS-KHHGĐ trong nhiều năm qua?
Bà Trần Thị Thu Hằng: Công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình ở nước ta được Đảng, nhà nước và chính phủ quan tâm tiến hành từ năm 1961 với Quyết định số 216/CP ngày 26/12/1961 của Chính phủ về sinh đẻ có hướng dẫn. Trải qua những giai đoạn lịch sử của đất nước, việc thực hiện các chỉ tiêu về dân số kết quả còn hạn chế. Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/1/1993 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 7 về “chính sách DS-KHHGĐ” được ban hành đã đề ra hệ thống các quan điểm, mục tiêu, giải pháp hết sức đúng đắn, khoa học, huy động toàn hệ thống chính trị cùng đông đảo quần chúng nhân dân đồng lòng hưởng ứng tích cực tham gia công tác DS-KHHGĐ. Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo bước ngoặt thành công trong công tác DS-KHHGĐ ở nước ta. Chúng ta đã đạt được mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu đề ra và khống chế thành công tốc độ tăng quy mô dân số, cải thiện đáng kể chất lượng dân số, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Để khẳng định quan điểm “Dân số và công tác dân số có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc”, ngày 25/10/2017, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, đó là có sự đánh giá toàn diện và định hướng những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đến năm 2030 của Đảng nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số.
Đối với thành phố Hải Phòng, trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố với việc ban hành kịp thời các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động, Kế hoạch thực hiện các Chỉ thị, Nghị Quyết của Trung ương về công tác DS-KHHGĐ; Sự phối hợp vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ từ thành phố đến cơ sở, kết quả công tác DS-KHHGĐ của thành phố ta trong những năm qua luôn đạt được các mục tiêu đề ra, hạn chế tốc độ gia tăng dân số, phát triển dân số tự nhiên của thành phố luôn ở mức dưới 1%, số con bình quân của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở mức 2 con, đạt mức sinh thay thế, Chúng ta đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với nhóm dân số trong độ tuổi lao động lớn, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tỷ số tử vong của bà mẹ, của trẻ sơ sinh, của trẻ em dưới 5 tuổi giảm mạnh, tuổi thọ trung bình của người dân thành phố là 74,7 tuổi cao hơn mức bình quân của toàn quốc là 73,6 tuổi.
PV: Để phát huy kết quả rất đáng ghi nhận trên, các đề án, mô hình thuộc Chương trình mục tiêu DS-KHHGĐ hiện nay của thành phố ta trong thowifgian tới sẽ được triển khai như thế nào?
Bà Trần Thị Thu Hằng: Thành phố Hải Phòng đã và đang triển khai 05 Đề án, Mô hình, đó là: Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, Đề án Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh, Mô hình Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, Mô hình Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển. Kết quả triển khai các Đề án, Mô hình đã đóng góp rất lớn vào thành công của chương trình DS-KHHGĐ thời gian qua, cụ thể: Đã từng bước khống chế được tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái, năm 2016: 112,4; năm 2017: 112,43, năm 2018: 112,31, năm 2019: 112,03, năm 2020: 112,0). Chất lượng dân số ngày càng được cải thiện: Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh ngày càng tăng (năm 2016: 13,33%; năm 2017: 33,08%, năm 2018: 50,50%, năm 2019: 60,00%, năm 2020: 65,00%), Tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh tăng đáng kể (năm 2016: 5,05%; năm 2017: 6,10%, năm 2018: 35,19%, năm 2019: 45,00%, năm 2020: 55,00%), kết quả đó góp phần giảm tỷ lệ trẻ em mắc các dị tật bẩm sinh. Cung cấp kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên/vị thành niên, học sinh trong các trường học và ngoài cộng đồng nhằm giảm tỷ lệ số TN/VTN có thai ngoài ý muốn (năm 2020: 0,003%), tư vấn, vận động thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết. Thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục để mọi người dân nhận thức được già hóa dân số vừa là kết quả của phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua vừa là thách thức đối với phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với NCT nhằm thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT (tuổi thọ trung bình của người dân thành phố là 74,7 tuổi). Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển góp phần ổn định mức sống và nâng cao chất lượng dân số vùng biển đảo và ven biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các đề án, mô hình thới gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn do từ năm 2021, không còn nguồn kinh phí Trung ương cấp cho chương trình Dân số; nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương bổ sung hạn chế nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, nội dung, chất lượng triển khai hoạt động công tác dân số từ thành phố đến cơ sở, khó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Các đề án, mô hình còn ở phạm vi hẹp, chưa được triển khai nhân rộng, bao phủ toàn cấp cơ sở.
PV: Xin bà cho biết thêm các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Dân số Việt Nam trên địa bàn thành phố?
Bà Trần Thị Thu Hằng: Năm 2021, trong khi thế sôi nổi của toàn bộ hệ thống dân số thi đua chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Dân số Việt Nam (26/12/1961-26/12/2021) với chủ đề “60 năm ngành Dân số-vì một Việt Nam phát triển bền vững”, ngày 24/3/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống ngành Dân số Việt Nam tại thành phố Hải Phòng, UBND thành phố chỉ đạo các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức đa dạng các hoạt động trong đó, tập trung vào một số nội dung chính: Tổ chức liên hoan Tuyên truyền viên dân số dưới hình thức sân khấu hóa để giới thiệu, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới, tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống ngành Dân số Việt Nam lồng ghép với hội nghị biểu dương các tập thể, cá nhân (cán bộ làm công tác dân số và cộng tác viên dân số) tiêu biểu có những đóng góp quan trọng, nổi bật đối với công tác DS-KHHGĐ của thành phố; tổ chức Lễ phát động gắn với diễu hành cổ động tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống ngành Dân số Việt Nam, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12; tăng cường các hoạt động truyền thông vận động, cung cấp thông tin đến cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, địa phương về công tác dân số trong tình hình mới.
Để hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Dân số Việt Nam thực sự lan rộng, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, công tác tuyên truyền là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu: Các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng các phóng sự, chuyên mục, đưa tin, bài tuyên truyền các thông điệp, hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống công tác DS-KHHGĐ. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông điện tử: trang fanpage, mạng xã hội, Internet nhằm hướng đến nhiều đối tượng nắm bắt, tăng cường sự chia sẻ thông tin, tạo hiệu ứng tuyên truyền rộng. Cơ quan Văn hoá thông tin tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực quan, bề nổi như: Tuyên truyền xe lưu động, kẻ vẽ panô, cắt treo băng rôn, khẩu hiệu tại trung tâm thành phố, quận, huyện, các xã, phường, thị trấn, khu dân cư, thôn xóm; phát tin, bài trên hệ thống phát thanh, truyền thanh để nhân dân nắm bắt thông tin nhanh chóng, chính xác, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.
Các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Dân số Việt Nam nhằm tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc đồng hành cùng sự nghiệp Dân số và Phát triển góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội, sự phát triển bền vững, phồn vinh của thành phố và đất nước.
Vũ Duyên
Hồi 18h11' ngày 31/10/2024 Trung tâm 114, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận tin…
Bệnh viện Kiến An vừa phẫu thuật nội soi ổ bụng cho bệnh nhân bị…
Nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an toàn thực…
Thực hiện Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 25/10/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố…
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Hải Phòng, trong 9…
Chiều 31/10, Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More