Chính trị

Công tác chuẩn bị bầu cử tại Hải Phòng: Triển khai kịp thời, đúng quy trình, quy định

Thành phố Hải Phòng đang tích cực chuẩn bị các bước, quy trình, phần việc cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Để rõ hơn các nhiệm vụ và quá trình triển khai, phóng viên Báo Hải Phòng phỏng vấn đồng chí NGUYỄN THỊ THU, Giám đốc Sở Nội vụ chung quanh vấn đề trên.

– Đồng chí cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại thành phố được triển khai như thế nào?

– Bám sát Luật Bầu cử năm 2015 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được thành phố lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tích cực, bảo đảm đúng kế hoạch tiến độ, quy trình, quy định.

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động triển khai, ban hành nhiều văn bản như: Chỉ thị số 03-CT/TTg ngày 23-12-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử và Quyết định số 89-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo của Thành ủy về bầu cử; Thường trực HĐND thành phố ban hành Kế hoạch triển khai công tác bầu cử. UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về tổ chức cuộc bầu cử và Quyết định thành lập Ủy ban Bầu cử (UBBC) thành phố… Từ chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ quận, huyện đến xã, phường, thị trấn đều sớm thành lập Ban chỉ đạo của cấp ủy và ban hành ngay các chỉ thị, thông tri của Ban Thường vụ quận, huyện ủy; chỉ thị của UBND quận, huyện; thành lập UBBC cấp huyện, cấp xã…, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, kịp thời công tác bầu cử trên toàn thành phố.

Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác bầu cử với gần 2.000 đại biểu từ thành phố đến các quận, huyện, xã, phường, thị trấn tham gia. Đến nay, nhiều nội dung công việc được hoàn thành trước thời gian luật định như: thành lập UBBC thành phố sớm 20 ngày; thành lập UBBC cấp huyện, cấp xã sớm 11 ngày; dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND các cấp sớm 2 ngày; tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất sớm 9 ngày… Công tác thông tin tuyên truyền, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; chuẩn bị kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cuộc bầu cử cũng được các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện bảo đảm yêu cầu.

Sở Nội vụ, cơ quan Thường trực UBBC thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc các công việc liên quan đến hoạt động bầu cử. Các quy định, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn mới về bầu cử của Trung ương đều được Sở Nội vụ triển khai kịp thời tới các ngành, các cấp, địa phương. Những vướng mắc, khó khăn trong công tác bầu cử được Sở tổng hợp, giải đáp, hướng dẫn theo quy định để bảo đảm các nội dung công tác bầu cử được thực hiện đúng quy định.

Lãnh đạo Sở Nội vụ kiểm tra hồ sơ của các đại biểu ứng cử Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

– Đồng chí có thể thông tin những điểm mới trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026?

– Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, có một số điểm mới đáng chú ý sau:

Một là, cuộc bầu cử được thực hiện theo các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020).

Theo đó, đối với bầu cử đại biểu Quốc hội sẽ tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách (tối thiểu là 40%, tăng 5% so với trước đây); trong 500 đại biểu Quốc hội khóa 15 có ít nhất 200 đại biểu hoạt động chuyên trách (trước đây là 175 đại biểu).

Đối với bầu cử đại biểu HĐND các cấp: số lượng đại biểu HĐND các cấp được bầu nhiệm kỳ 2021-2026 giảm so với nhiệm kỳ 2016-2021. Cụ thể, HĐND thành phố là 67 đại biểu (giảm 2 đại biểu); HĐND quận, huyện tổng số là 496 đại biểu (giảm 28 đại biểu) và ở cấp xã, phường, thị trấn tổng số là 5.217 đại biểu (giảm 578 đại biểu). Đồng thời, điều chỉnh số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và cơ cấu Thường trực HĐND các cấp. Cụ thể, đối với cấp tỉnh có thể có từ 1-2 phó chủ tịch HĐND (trước đây quy định có 2 phó chủ tịch HĐND); Thường trực HĐND cấp tỉnh gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và ủy viên là trưởng các ban của HĐND (trước đây có cả chánh văn phòng HĐND); ở cấp huyện, HĐND chỉ có 1 phó chủ tịch (trước đây là 2); ở cấp xã, thường trực HĐND có thêm các ủy viên là trưởng các ban của HĐND cấp xã (trước đây thường trực HĐND xã chỉ gồm chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND).

Hai là, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Nội vụ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và UBND thành phố ban hành hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị, cuộc họp liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử bảo đảm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

– Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND diễn ra thành công tốt đẹp, nhiệm vụ cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới là gì?

– Để cuộc bầu cử diễn ra thành công trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, phát huy vai trò cơ quan Thường trực, Sở Nội vụ tập trung đôn đốc các cấp, ngành bám sát lịch công tác, kế hoạch của Ban Chỉ đạo của Thành ủy, UBBC thành phố và các mốc thời gian để triển khai các nội dung công việc bầu cử bảo đảm tiến độ. Quá trình triển khai bám sát Luật Bầu cử và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của thành phố để thực hiện đúng quy định pháp luật.

Phối hợp các sở, ngành, địa phương chuẩn bị tốt công tác nhân sự phục vụ bầu cử. Trong đó, việc chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy, tổ chức Đảng trong công tác cán bộ. Nhân sự giới thiệu là đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp phải là những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử dưới nhiều hình thức và tập trung cao thời điểm gần ngày bầu cử; thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình triển khai công tác bầu cử; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong suốt quá trình trước, trong và sau cuộc bầu cử. Căn cứ yêu cầu thực tế, Sở tham mưu UBBC thành phố kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử, ngày bầu cử tại các địa phương, nhất là cấp cơ sở để bảo đảm các nội dung phục vụ, chuẩn bị bầu cử được chu đáo, an toàn và đúng luật. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tổng hợp các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để giải đáp, hướng dẫn kịp thời và đăng tải trên chuyên trang về bầu cử tại Cổng thông tin điện tử của Sở.

– Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Văn Cường (Thực hiện). Ảnh: Trung Kiên

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Thống nhất các nội dung trình Kỳ họp thứ 22 (chuyên đề) HĐND thành phố khóa XVI

Sáng 28/12, Thường trực HĐND thành phố tổ chức họp thống nhất các nội dung…

28/12/2024

Sắp xếp 21 trụ sở sau sáp nhập tại Thủy Nguyên, Hải Phòng

Huyện Thủy Nguyên vừa thông tin trụ sở các đơn vị hành chính khi sắp…

27/12/2024

Bế mạc diễn tập thực chiến năm 2024

Sau 10 ngày diễn tập với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, chiều 27/12,…

27/12/2024

Công ty Cổ phần chứng khoán Hải Phòng bị xử phạt hơn 600 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt đối với…

27/12/2024

Tuyên tử hình 27 bị cáo trong đường dây ma túy do Oanh “Hà” cầm đầu

Vũ Hoàng Oanh là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp thực…

27/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More