Print Thứ Sáu, 26/07/2019 08:22

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm có khoảng 500 tỷ sản phẩm nhựa như túi ni lông, chai, đồ hộp… được tiêu thụ trên thế giới, khối lượng trên đủ để trải quanh trái đất bốn lần, đồng thời dự báo đến năm 2050 rác thải nhựa trên biển sẽ nhiều hơn cá. Cũng theo các chuyên gia môi trường, chất thải nhựa do con người xả thải và phải mất hàng trăm năm mới có thể bị phân huỷ. Các hạt vi nhựa thâm nhập vào các nguồn thực phẩm và cuối cùng là nằm trên bàn ăn của… con người.

Theo Thạc sỹ Dương Thị Phương Anh-Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường thì Việt Nam nằm trong tốp 20 quốc gia ven biển có lượng rác thải lớn ra biển, trong đó có chất thải nhựa. Nhiều quốc gia chưa có nền kinh tế phát triển như Ethiopia, Kenya, Uganda, Rawnda, Botswana… cũng đã có quy định để kiểm soát chất thải nhựa tại nguồn. Bởi vậy, Việt Nam cũng cần có những chính sách nghiêm khắc hơn để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung được đánh giá là khu vực bờ biển có nhiều loại chất thải trôi nổi, trong đó có chất thải nhựa. Cùng với các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm từ chất thải nhựa từ khâu nghiên cứu đánh giá thực trạng phát sinh đến kiểm soát, quản lý, xử lý chất thải nhựa thì công tác truyên truyền, nâng cao nhận thức tới từng người dân cũng được chú trọng.

Không đứng ngoài những vấn đề nóng của toàn xã hội quan tâm, trong những ngày qua, hàng chục ngàn công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố cũng háo hức, nhiệt thành tham gia các hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung và cuộc thi phòng chống rác thải nhựa do Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng phát động nói riêng.

Theo bà Phạm Thị Hằng-Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế, cùng với hoạt động góp phần giúp doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống cho người lao động thì tạo sân chơi cho công nhân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là để góp phần nâng cao nhận thức cho một bộ phận đông đảo, quan trọng trong xã hội.

Qua thống kê, tại các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện có tới hơn 120.000 người lao động, trong đó có khoảng 30% là lao động nhập cư. Với mức thu nhập trung bình từ 6-7 triệu đồng/tháng như hiện nay thì việc chi tiêu của người lao động cũng còn không ít khó khăn. Trong khi đó, những sản phẩm nhựa từ đồ gia dụng như tủ quần áo, chai lọ, hộp đựng thực phẩm đến túi ni lông được sử dụng phổ biến và đặc biệt là khá rẻ, tiện lợi.

Nắm bắt được thực trạng trên, nhân sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28-7-2019*28-7-2019, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó bám sát chủ đề chính là “Vì thành phố Cảng xanh-Vì Công đoàn vững mạnh”. Đối với các hoạt động bảo vệ môi trường thì phát động thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông”, kêu đoàn viên công đoàn, công nhân lao động và gia đình, người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa và túi ni lông sử dụng một lần”.

Nói đi đôi với làm, bên cạnh các hoạt động tình nguyện dọn dẹp vệ sinh tại khu vực văn phòng, nhà xưởng, xung quanh khu công nghiệp, cán bộ, công nhân lao động các khu công nghiệp như Tràng Duệ, Đồ Sơn, Đình Vũ, VSIP, Nam Cầu Kiền… còn tham gia thi vẽ tranh, thiết kế thời trang bằng bằng vật liệu tái chế, vật liệu thân thiện với môi trường để chuyển tải những thông điệp thiết thực, gần gũi, dễ hiểu tới người xem, người nghe.

Kết quả nằm ngoài dự kiến của Ban tổ chức, chỉ sau một tuần đã có hàng trăm bức tranh, ảnh, công trình với chủ đề về bảo vệ môi trường nói chung và chống rác thải nhựa nói riêng được gửi về. Không có sự dàn dựng, sắp đặt công phu, không quá viển vông, cao sang, những bức tranh, ảnh, công trình bảo vệ môi trường của cán bộ, người lao động các doanh nghiệp đều rất đỗi bình dị, gần gũi, gắn với những hoạt động làm việc, sinh hoạt thường ngày.

Đó là góc cây xanh nho nhỏ ngay tại nhà máy của Công ty TNHH Toyota Boshuku như làm dịu đi những âm thanh chát chúa, hơi nóng hầm hập của những cỗ máy khổng lồ; là hình ảnh chị lao công gồng mình đẩy chiếc xe chở rác, xung quanh lủng lẳng là túi ni lông, bức ảnh của công đoàn Công ty IKO Thompson; là một ngày đi tình nguyện nhặt rác, dọn sạch bãi biển của người lao động Công ty Synztech Việt Nam; là ngày mà cả các người bạn  nước ngoài cũng trình diễn thời trang làm từ những chiếc chai lọ, túi ni lông, rồi lá chuối, lá dừa của Công ty CP Khu công nghiệp Đình Vũ…

Những việc làm, hành động tuy nhỏ nhưng hứa hẹn sẽ như mưa dầm thấm đất, dần làm thay đổi nhận thức của người lao động đối với môi trường, thay vì gia tăng thêm áp lực sẽ là giảm tải, giảm thiểu ô nhiễm, thân thiện với môi trường.

Mới đây thôi, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 họp tại Osaka, Nhật Bản, nguyên thủ các quốc gia đã làm nóng nghị trường khi thảo luận những giải pháp ngăn chặn ô nhiễm chất thải nhựa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển-đại dương và tiến tới khuôn khổ toàn cầu ngăn ngừa rác thải nhựa biển. Đồng thời, Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 sẽ không sử dụng đồ nhựa một lần.

Điều đó cho thấy, hoạt động bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa đã phản ánh sự nắm bắt trúng, đúng những vấn đề nóng mà xã hội, quốc gia và thế giới quan tâm của các cấp công đoàn, người lao động thành phố Cảng.

Kim Oanh

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Công nhân lao động thành phố Cảng chung tay bảo vệ môi trường
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác