Sáng 24/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Bùi Đức Quang, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố và các Sở, ngành, đơn vị liên quan.
Triển khai tốt Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
5 năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động và hoạt động công đoàn được Chính phủ quan tâm giải quyết kịp thời. Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động thuộc vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, trong đó tập trung vào nội dung bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Tại các cuộc làm việc và gặp gỡ, nhiều đề xuất của Công đoàn và công nhân lao động liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập, điều kiện làm việc, nhà ở, nhà trẻ, trường học, các thiết chế phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động, an ninh-an toàn nơi làm việc và nơi ở, việc đóng bảo hiểm xã hội, vấn đề an toàn vệ sinh lao động, bữa ăn ca, học tập nâng cao tay nghề, đảm bảo việc làm bền vững, chăm sóc sức khỏe công nhân lao động, nhất là công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, ghi nhận, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc, phối hợp với Công đoàn và người sử dụng lao động giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động; tạo động lực tinh thần mạnh mẽ, khích lệ công nhân lao động hăng hái thi đua, lao động sản xuất, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Nổi bật, sau 5 năm, số công nhân lao động có việc làm tăng 26%, trong đó số có việc làm bền vững, thu nhập cao tăng đều các năm; mức sống của công nhân có tiến bộ, mức lương tối thiểu vùng tăng 1,3 lần, thu nhập bình quân tăng 35% góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho người lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức công đoàn đã tổ chức tuyển sinh học nghề ước tính 346.042 người, tăng 48% so với giai đoạn 5 năm 2011-2015.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg năm 2017 về giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; Phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” tại Quyết định 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017, giao Tổng Liên đoàn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện. Đến nay có 40 địa phương bố trí đất để Tổng Liên đoàn nghiên cứu đầu tư, xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Với sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền các cấp và doanh nghiệp, từ năm 2016-2020 đã có gần 22 triệu lượt đoàn viên, người lao động được hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán với tổng số tiền ước tính 11.626 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 13.802 nhà Mái ấm công đoàn với số tiền gần 420 tỷ đồng. Chương trình “Phúc lợi đoàn viên công đoàn và người lao động” tiếp tục tạo sự lan tỏa, đến nay Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn đã ký được 1.571 thỏa thuận hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp, tổng số đoàn viên được hưởng lợi ước khoảng hơn 6,1 triệu lượt người, số tiền trên 1.996 tỷ đồng. Đã có thêm 9.606 công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca lên bằng hoặc cao hơn 15 nghìn đồng.
Đặc biệt, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã quyết định cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn; có văn bản về miễn đóng đoàn phí đối với đoàn viên công đoàn có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở; hỗ trợ người lao động từ nguồn tài chính công đoàn cơ sở và ủng hộ của người sử dụng lao động với tổng số tiền hơn 416 tỷ đồng, chiếm 63,39% tổng số chi của cả hệ thống tổ chức Công đoàn. Đối với người lao động phải cách ly, công đoàn cơ sở đã tham gia ý kiến với doanh nghiệp thực hiện chi trả 70% lương, hoặc áp dụng tính ngày nghỉ phép năm để đảm bảo thu nhập của người lao động không thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật.
Công nhân lao động Hải Phòng được hưởng nhiều lợi ích từ Quy chế phối hợp
Trong những năm qua, thành phố Hải Phòng đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề. Mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 50.000 lượt lao động. Đặc biệt, khu vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài đã tạo việc làm mới cho hàng vạn lao động.
Thu nhập của của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp địa phương đạt bình quân 6,9 triệu đồng/người/tháng (tăng trên 900.000 đồng so với năm 2016). Thu nhập của người lao động tại một số đơn vị và doanh nghiệp trung ương trên địa bàn, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài có mức thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
5 năm qua, 323.192 lượt công nhân lao động được học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp; hơn 36.000 lượt công nhân lao động được nâng cao trình độ học vấn; hơn 150.000 lượt đoàn viên, công nhân lao động được học tập, nâng cao hiểu biết về chính trị, pháp luật; đã tổ chức thành công 52 cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi với gần 100 nghìn đoàn viên, công nhân lao động tham gia. Các cấp công đoàn thành phố có 28.319 giải pháp, sáng kiến làm lợi 478 tỷ đồng, đăng ký thực hiện 291 công trình, sản phẩm sáng tạo với tổng giá trị trên 24.000 tỷ đồng, nhiều công trình hoàn thành trước thời gian, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, tiết kiệm và làm lợi hàng chục tỷ đồng
Hàng năm, Liên đoàn Lao động thành phố đã tập trung, chỉ đạo các cấp công đoàn thành phố phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân viên chức lao động. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp công đoàn thành phố đã trao tặng hàng trăm ngàn suất quà, trợ cấp, tặng chuyến xe, vé xe cho công nhân lao động với tổng giá trị gần 350 tỷ đồng; UBND thành phố hỗ trợ 11,7 tỷ đồng trợ cấp Tết và tặng quà Tết cho công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn; Quỹ Mái ấm công đoàn thành phố hỗ trợ xây mới 278 nhà với tổng kinh phí 8,655 tỷ đồng và sửa chữa 86 nhà với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Việc tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố với cán bộ công đoàn và công nhân lao động hàng năm đã kịp thời giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn trong đời sống, việc làm, qua đó tạo niềm tin, tâm thế phấn khởi trong công nhân viên chức lao động.
Tiếp tục đổi mới phương thức, cách làm, chăm lo ngày càng tốt hơn cho người lao động
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, năm 2020 tuy dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và nhiều hoạt động khác nhưng kinh tế vĩ mô cả nước ổn định, lạm phát thấp, bảo đảm đời sống người lao động. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, các vùng khó khăn, thiên tai đều nhận được sự hỗ trợ của nhà nước. Nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo hỗ trợ người lao động, nhân dân bảo đảm cuộc sống. Thủ tướng Chính phủ khẳng định Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn luôn sát cánh cùng người lao động. Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của giai cấp công nhân trong xây dựng và phát triển đất nước, công nhân ngày một có ý thức về nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng để làm việc tốt hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh, chăm lo bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đóng vai trò quan trọng, Thủ tướng cũng khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn các cấp cần tiếp tục đổi mới phương thức, cách làm, chăm lo ngày càng tốt hơn cho người lao động, xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải có tri thức, kỹ năng cao, có lòng tự tôn dân tộc, sáng tạo. Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn và chính quyền các cấp phải chăm lo cho công nhân lao động tốt nhất trong dịp Tết Nguyên đán đã cận kề.
V.H.N