Print Thứ Sáu, 21/04/2023 14:45 Gốc

Tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, các đại biểu tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Pháp luật băn khoăn với quy định về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Sáng 21.4, tại TP. Hải Phòng, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật đã khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 14.

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng Lê Tiến Châu; đại diện Thường trực các Ủy ban Xã hội, Kinh tế, Tài chính-Ngân sách, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng và một số Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam…

Quang cảnh phiên họp.

Đòi hỏi các cơ quan tập trung cao độ

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thực hiện chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban, để chuẩn bị cho Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ Năm tới đây, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 14 để thẩm tra chính thức dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, vừa qua, Chính phủ đã tích cực, khẩn trương tiến hành các quy trình để tiến hành sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014. Trước đó, tại Phiên họp thứ 21 (tháng 3.2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật này. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã tiếp thu hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình chính thức Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, đây là dự án Luật lớn, khó và quan trọng, có nội dung liên quan đến nhiều quy định trong luật khác, nhất là dự án Luật Đất đai (sửa đổi) về chính sách sử dụng đất liên quan đến nhà ở, đồng thời liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích người dân, hoạt động doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản. Do đó, mong muốn tại phiên họp này sẽ nhận được nhiều ý kiến sâu sắc để hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật để trình Quốc hội với chất lượng tốt nhất, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, văn bản có ý nghĩa quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp các đơn vị hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, khối lượng công việc liên quan đến nội dung này rất lớn, đòi hỏi các cơ quan liên quan, trong đó có Ủy ban Pháp luật, phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ.

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu.

Phát biểu chào mừng tại phiên họp, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định, các nội dung thẩm tra tại Phiên họp đều là những văn bản quan trọng, tác động sâu rộng toàn diện đến tình hình chính trị, kinh tế-xã hội, đời sống của người dân và càng quan trọng với Hải Phòng. Bởi thành phố là đô thị loại 1, diện tích và dân số lớn, có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, kinh tế phát triển nhanh, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nên nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến nhà ở cho người dân mà hành lang pháp lý hiện nay chưa được điều chỉnh, giải quyết một cách thấu đáo.

TP. Hải Phòng cũng đang nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền danh sách đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030 theo tinh thần Kết luận số 48 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Do vậy, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng bày tỏ tin tưởng, Phiên họp của Ủy ban Pháp luật sẽ hoàn thành tốt đẹp, có chất lượng, hiệu quả, góp phần ban hành ban hai văn bản quan trọng nêu trên.

Loại đất được xây dựng nhà ở thương mại đã phù hợp với thực tiễn?

Tại Phiên họp, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày Tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) mới nhất; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương trình bày Báo cáo kết quả nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật về dự án Luật này.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày Tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tiếp đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến đối với phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của dự án luật; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh (từ Điều 25 đến Điều 31); loại đất được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại (Điều 38); cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (Chương V); nhà lưu trú cho công nhân…

Về các loại đất được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, bên cạnh hai loại đất được làm dự án nhà ở thương mại (có quyền sử dụng đất ở, có quyền sử dụng đất ở và đất khác), khoản 4 Điều 38 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung 2 trường hợp làm dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng các loại đất quy định tại các điểm a, b hoặc điểm c khoản này theo quy định của pháp luật đất đai. Đây là một chính sách mới được bổ sung nên các đại biểu đề nghị, cần đánh giá tác động để bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương trình bày Báo cáo kết quả nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu.

Cơ bản tán thành với các quy định về nhà ở xã hội tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), song các đại biểu băn khoăn với quy định tại Điều 75 về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Bởi, tại điểm b, khoản 1, Điều 75 quy định người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cũng như cán bộ, công chức, viên chức để được mua, thuê mua nhà ở xã hội, thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (trừ thuộc hộ nghèo, cận nghèo). Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho các đối tượng này trong tiếp cận với nhà ở xã hội, vì để duy trì được cuộc sống, đa số công nhân, người lao động, công chức, viên chức đều phải có mức lương thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Mức đóng thuế thu nhập của họ không cao, chỉ vài chục nghìn đồng/tháng, trong khi, giá mua, cho thuê nhà ở xã hội hiện hành là một áp lực lớn với mức thu nhập hiện nay của công nhân, công chức, viên chức.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận các ý kiến đóng góp, đã tập trung vào những vấn đề lớn toàn diện của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, cần rà soát trình tự, thủ tục phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương bảo đảm phân cấp phân quyền mạnh mẽ, rành mạnh, rõ ràng về trách nhiệm, đặc biệt phải phân cấp dứt điểm để các bộ, ngành, địa phương rõ trách nhiệm, tránh tình trạng phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền, kéo dài thủ tục thực hiện. Tiếp tục nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế, nhất là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Tin và ảnh: Phương Thủy

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Công chức, viên chức, công nhân sẽ khó tiếp cận nhà ở xã hội nếu đưa tiêu chí về thu nhập
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác