Sáng 12/4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng các đối tác đã công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022.
Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI – The Vietnam Provincial Governance and Public Administration Performance Index): Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển – Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009 và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Trung ương và địa phương.
Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) tham gia hỗ trợ kỹ thuật nền tảng công nghệ cho việc thu thập dữ liệu theo thời gian thực từ năm 2015 đến nay. Chỉ số PAPI đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh dựa trên trải nghiệm và đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương. Chỉ số PAPI là công cụ theo dõi, giám sát năng lực điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền địa phương; giúp các cấp chính quyền địa phương có những căn cứ điều chỉnh và cải thiện hiệu quả công tác, phục vụ người dân tốt hơn.
Chỉ số PAPI đo lường, so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương. Chỉ số PAPI đánh giá trên 8 tiêu chí gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.
Theo đó, điểm tổng hợp Chỉ số PAPI năm 2022 của thành phố Hải Phòng đạt 43,6035/80 điểm xếp trong nhóm cao nhất gồm 15 tỉnh, thành phố. Chỉ số PAPI các tỉnh, thành phố xếp hạng theo 04 nhóm (cao nhất, trung bình cao, trung bình thấp, thấp nhất), không xếp hạng số thứ tự.
Điểm các chỉ số thành phần cụ thể như sau:
– Tham gia của người dân ở cấp cơ sở: 5,39/10 điểm, thuộc nhóm trung bình cao,
– Công khai, minh bạch: 5,74/10 điểm, thuộc nhóm cao nhất
– Trách nhiệm giải trình với người dân: 4,50/10 điểm, thuộc nhóm cao nhất
– Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công: 6,89/10 điểm, thuộc nhóm trung bình
– Thủ tục hành chính công: 7,11/10 điểm, thuộc nhóm trung bình thấp
– Cung ứng dịch vụ công: 7,56/10 điểm, thuộc nhóm trung bình cao.
– Quản trị môi trường: 3,37/10 điểm, thuộc nhóm trung bình thấp
– Quản trị điện tử: 3,03/10 điểm, thuộc nhóm trung bình cao
So với năm 2021, chỉ số PAPI của thành phố năm 2022 giảm 0,4015 điểm, tuy nhiên vẫn xếp trong nhóm cao nhất gồm 15 tỉnh, thành phố. Sự tăng giảm cụ thể như sau:
Theo bảng số liệu trên, chỉ số thành phần tăng gồm: Tham gia của người dân cấp cơ sở; Trách nhiệm giải trình với người dân, Quản trị điện tử; trong đó chỉ số thành phần Tham gia của người dân cấp cơ sở tăng nhiều nhất (tăng 9,9%). Đây đều là các chỉ số thành phần bị giảm điểm của năm 2021, đã được cải thiện theo chiều tăng điểm năm 2022; chỉ số thành phần Quản trị điện tử bị giảm nhiều nhất trong năm 2021 đã tăng điểm trong năm 2022. Các chỉ số thành phần giảm điểm gồm: Công khai, minh bạch; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường, trong đó chỉ số thành phần Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công bị giảm nhiều nhất (giảm 7,2%).
Hoàng Tùng
Tài liệu đính kèm: PAPI 2022