Chính trị

Công bố 4 Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường

Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra; xem xét, thông qua 1 Luật, 4 Nghị quyết với sự thống nhất cao.

Chiều 17/1, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì buổi họp báo công bố nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Ông Bùi Văn Cường cho biết, sau 4,5 ngày làm việc, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra ở Kỳ họp bất thường lần thứ nhất.

Tại kỳ họp này, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc.

Trên cơ sở đó, Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 Luật, 4 Nghị quyết với sự thống nhất cao.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội gồm 8 điều, đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển bền vững, thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới và bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới.

Nghị quyết đưa ra các chính sách hỗ trợ với quy mô, nguồn lực đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng và trúng đối tượng cần hỗ trợ.

Thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của giai đoạn 5 năm với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn sau.

Về chính sách tài khóa, bao gồm chính sách miễn, giảm thuế; tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng cho lĩnh vực y tế, phòng, chống dịch bệnh, an sinh xã hội, lao động, việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội; cho phép tăng bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 1-1,2% GDP/năm, không vượt quá 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023.

Về chính sách tiền tệ, bao gồm điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1%; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch trong trường hợp cần thiết; tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế,…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Ngoài ra, cho phép áp dụng các chính sách khác, gồm sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trong đó có 1.000 tỷ đồng trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; khoảng 5.000 tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ,… và cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù để thực hiện.

Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được ban hành gồm 4 điều, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong trung và dài hạn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, kết nối các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của Nhân dân, giúp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Dự án đầu tư khoảng 729km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng.

Quốc hội giao Chính phủ triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên của dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án…

Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ được ban hành gồm 10 điều nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ; phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu là thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường công bố các Nghị quyết được Quốc hội thông qua. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Ngoài những nội dung chính sách áp dụng tương tự như một số thành phố trực thuộc trung ương khác (gồm: quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý), Quốc hội quyết định thí điểm thêm 2 chính sách đặc thù, quan trọng khác về thu hút đầu tư để xã hội hóa việc nạo vét cửa Định An đến các cảng của thành phố Cần Thơ; ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào Trung tâm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản nhằm thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, tạo ra các động lực tăng trưởng mới, tăng tính kết nối tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh dịch vụ logistic, tăng tính cạnh tranh, thu hút lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ, để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội thành phố Cần Thơ.

Nghị quyết số 46/2022/QH15 ngày 11/1/2022 kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV được ban hành đã khẳng định các kết quả đạt được của kỳ họp, đồng thời, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; khẩn trương ban hành và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bảo đảm các giải pháp khả thi, hiệu quả; tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch đã được quyết định tại các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương ban hành, chủ động chỉ đạo quyết liệt tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023); tiếp tục theo dõi sát sao, chủ động nắm chắc, dự báo diễn biến của dịch; tuyệt đối không chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với biến thể Omicron và các biến thể mới.

Ngoài ra, Chính phủ, các địa phương khẩn trương hoàn thành việc tiêm vaccine phòng COVID-19 theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; đẩy nhanh lộ trình tiêm mũi tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên; nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp, khoa học để tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi; tập trung khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán bộ xét nghiệm COVID-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có) liên quan đến Công ty Việt Á; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp nào trái pháp luật./.

Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: VietnamPlus

Tin khác

Tiếp nhận “Kiến nghị phản ánh về an ninh trật tự” trên ứng dụng VNeID

Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…

10/01/2025

Sắp đón không khí lạnh mạnh tăng cường, dự báo thời tiết xấu

Cơ quan khí tượng dự báo không khí lạnh mạnh sắp tăng cường sẽ gây…

10/01/2025

Bộ không cấm các trường kiểm tra đánh giá năng lực vào lớp 6

Các trường THCS vẫn có thể đánh giá trực tiếp học sinh khi xét tuyển…

10/01/2025

10 kết quả nổi bật của thành phố Hải Phòng trong năm 2024

Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều khó khăn chung, nhưng…

10/01/2025

Tạm giữ hình sự đối tượng hành hung công an tại Hải Phòng

Cơ quan chức năng đã tạm giữ đối tượng hành hung cảnh sát giao thông…

10/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More