Xe tự chế tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao do các cơ sở sản xuất, cá nhân tự phát thiết kế, không bảo đảm các chỉ số an toàn, phương tiện không qua đăng kiểm… Hiện, Công an các đơn vị, địa phương tập trung tuần tra, xử lý các vi phạm liên quan đến loại phương tiện này. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần có giải pháp bền vững, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.
Nguy cơ mất an toàn giao thông
Chị Trần Minh Khuê, chủ cửa hàng bán phụ kiện điện thoại tại khu vực ngã tư phố Lạch Tray-An Đà (quận Ngô Quyền) cho biết: Hằng ngày, chị chứng kiến nhiều xe mô tô kéo theo thùng tự chế, rồi xe xích lô máy chở những thanh sắt, nhôm dài cồng kềnh dài khoảng 7-8m đi trên đường, rất dễ xảy ra va chạm, gây mất an toàn với các phương tiện khác tham gia giao thông. Hơn nữa, vào giờ cao điểm các loại xe tự chế trên còn gây ùn tắc giao thông.
Gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng người điều khiển xe cũ nát, không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, xe sản xuất, lắp ráp trái quy định, thậm chí kéo xe thùng tự chế chở đồ cồng kềnh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho chính người sử dụng và người đi đường.
Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (Công an quận Hồng Bàng) cho biết: Qua rà soát nhanh, trên địa bàn quận có 16 xe thương binh tự chế, 113 xe điện tự chế, 7 mô tô tự chế thành xe 3 bánh, 1 xe 3 bánh dùng cho người khuyết tật và 11 xe xích lô tự chế. Do đặc điểm nhỏ gọn hơn các loại xe tải, có khả năng len lỏi vào các ngõ, ngách nên xe tự chế, xe lôi, xích lô máy xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, giá thuê vận chuyển của các loại xe tự chế cũng khá “mềm“, dao động từ 300-500 nghìn đồng/lượt, tuỳ theo chiều dài quãng đường nên nhiều người dân thường tìm đến phương tiện này. Xe tự chế chở đủ các loại hàng hoá cồng kềnh như bàn, ghế, giường, tủ, đệm đến các loại đồ quá khổ như sắt, thép, nhôm, kính…
Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương thông tin thêm, qua 10 ngày thực hiện kế hoạch của Công an thành phố về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, xe sản xuất, lắp ráp trái quy định”, Công an quận phát hiện, xử lý 2 trường hợp vi phạm. Đội Cảnh sát giao thông, trật tự phối hợp Công an các phường thông báo, vận động các cá nhân, tổ chức có xe tự chế không sử dụng, điều khiển phương tiện loại phương tiện này để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận. Nếu cố tình tham gia giao thông, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Cần giải pháp quyết liệt, bền vững
Theo kế hoạch, Công an các đơn vị, địa phương tập trung xử lý đối với người điều khiển xe cơ giới không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; xe sản xuất, lắp ráp trái quy định từ ngày 15/3 đến hết ngày 14/12, trên phạm vi tất cả tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã và đường đô thị trên địa bàn thành phố. Lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó kiên quyết tịch thu phương tiện là xe tự chế theo điểm b khoản 3 điều 17 Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Đối với xe thay đổi kết cấu, sẽ yêu cầu các tổ chức, cá nhân buộc phải khôi phục lại hình dáng, kích thước, tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện ra lưu thông, góp phần bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, từ thực tế xử lý 18 trường hợp vi phạm trên địa bàn quận, Trung tá Nguyễn Đức Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an quận Hải An băn khoăn: Phần đông người sử dụng, điều khiển các loại xe tự chế có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có cả thương binh, bệnh binh, lấy việc vận chuyển thuê các loại hàng hoá bằng phương tiện tự chế để mưu sinh. Bên cạnh đó, trong tình huống người điều khiển phương tiện vi phạm, lực lượng làm nhiệm vụ áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện nhưng Công an quận cũng “bí” chỗ để xe vi phạm.
Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, xe sản xuất, lắp ráp trái quy định” là cần thiết, nhằm răn đe, giáo dục, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của một bộ phận người sử dụng, điều khiển phương tiện xe tự chế khi tham gia giao thông.
Đại tá Bùi Trung Thành, Phó giám đốc Công an thành phố cho rằng: Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, giải quyết nguy cơ gây mất an toàn giao thông từ loại phương tiện trên, cùng với lực lượng Công an, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương nơi có các phương tiện hoạt động cần vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân trên địa bàn không mua bán, sản xuất, sử dụng xe không bảo đảm tiêu chuẩn, xe sản xuất, lắp ráp trái quy định để tham gia giao thông. Đồng thời, thành phố, chính quyền địa phương có chính sách phù hợp hỗ trợ chủ xe có hoàn cảnh khó khăn, người lao động thu nhập thấp, người khuyết tật, thương binh, bệnh binh… chuyển đổi ngành nghề, vay vốn mua sắm phương tiện khác bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông./.
Bài và Ảnh: Lê Oanh