Print Thứ Năm, 04/07/2019 10:02

Trước diễn biến của cơn bão số 2, các đơn vị chức năng và Công an các huyện, thành phố của tỉnh Thái Bình, Ninh Bình và Nam Định đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị thông tin liên lạc… sẵn sàng tham gia phòng, chống và ứng cứu khi có bão lụt.


Công an Thái Bình

Trước diễn biến của cơn bão số 2, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng đã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 8h ngày 3-7; kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh, trú an toàn; tổ chức lực lượng hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu, tránh trú trước khi bão đổ bộ.

Cùng với đó, di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản, các hộ dân sinh sống ven sông, ven biển, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn vào nơi an toàn; chỉ đạo chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cảng, nhà xưởng, xí nghiệp… đảm bảo an toàn trong bão. 

Theo thống kê, đến sáng 3-7, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có hơn 1.000 phương tiện vào nơi tránh trú bão an toàn tại các bến bãi. Số tàu thuyền của ngư dân Thái Bình neo đậu ở các tỉnh là 95 phương tiện/467 người. Trong đó tất cả đều đã liên lạc được với gia đình và không có phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm…

Cán bộ, chiến sĩ Công an giúp dân sơ tán nhà cửa. 

Để ứng phó bão số 2, Công an tỉnh Thái Bình đã thành lập trung tâm chỉ huy trực 24/24 giờ, theo dõi cập nhật thường xuyên thông tin về tình hình bão, kịp thời thông báo, cảnh báo, báo động và đề xuất xử lý các tình huống phức tạp các sự cố xảy ra, đồng thời điều động lực lượng, phương tiện ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp. 

Bắt đầu từ chiều 3-7, Công an tỉnh đã trực chiến theo quy định, trong đó huy động lực lượng Cảnh sát cơ động với trên 50 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng đợi lệnh, lên đường làm nhiệm vụ khi có yêu cầu. Tăng cường quân số cho lực lượng Cảnh sát giao thông, các huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải.

Phòng Cảnh sát giao thông huy động cán bộ, chiến sĩ và phương tiện như xe cẩu, cưa điện để giải tỏa giao thông đề phòng khi bão vào làm đổ cây cối gây ách tắc giao thông; tăng cường tuần tra liên tục trên các tuyến sông, nghiêm cấm các đò ngang hoạt động trước khi bão vào, cấm tàu thuyền neo đậu tại các cửa sông và khu vực cầu cống. 

Công an các đơn vị, huyện, thành phố đã bố trí các tổ thường trực tại các điểm xung yếu, bố trí đầu xe gồm chở quân, xe tải, bán tải phục vụ di dân, xe cứu thương, xe cứu hộ. Tổ chức đủ trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn, áo phao, đèn cứu hộ, đèn pin đặc chủng, máy phát điện, nhà bạt cùng cơ số thuốc, lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn…

Hiện tại, Công an các huyện, thành phố đã bố trí đủ lực lượng, phương tiện, lên phương án cụ thể cho công tác bảo đảm an ninh trật tự, tổ chức di dân tại những vùng nguy hiểm trước khi bão vào bờ.

Công an tỉnh Ninh Bình

Ngày 3-7, thực hiện Công điện số 05 của Văn phòng Bộ Công an và Công điện số 01 của Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Ninh Bình, Công an tỉnh Ninh Bình đã có Công điện hỏa tốc số 18 yêu cầu bắt đầu từ 19h ngày 3-7, các đơn vị bố trí trực 100% quân số, thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình cơn bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra đáp ứng phương châm “bốn tại chỗ”. Trọng tâm là bảo vệ an toàn cơ sở vật chất, doanh trại, kho tàng, hồ trơ tài liệu, không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản.

Trong đó, chủ động lập danh sách, phân công Đội xung kích PCTT & TKCN Công an tỉnh tăng cường cho Công an các huyện, thành phố khi có yêu cầu; Công an các huyện, thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng ở địa phương tổ chức tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện các sự cố về đê điều, hồ đập trên địa bàn, đặc biệt là các điểm xung yếu; hỗ trợ nhân dân trên địa bàn di dời tài sản, thu hoạch hoa màu khi có yêu cầu. 

Căn cứ chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN Công an tỉnh và UBND huyện, thành phố để rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai của đơn vị; tập trung nắm tình hình tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, tham mưu xử lý các hành vi vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường… 

Công an các huyện Kim Sơn, Nho Quan, Gia Viễn sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai phương án sơ tán dân tại các vùng thấp, trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập sâu, chia cắt, lũ quét đến nơi an toàn… 

Ngoài ra, Công an huyện Kim Sơn phối hợp với lực lượng Đồn Biên phòng Kim Sơn và Hải đội Biên phòng 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi neo đậu, tránh trú của tàu thuyền…

Công an tỉnh Nam Định

Thực hiện Công điện khẩn số 04/CĐ-UBND ngày 3-7-2019 của UBND tỉnh Nam Định về công tác phòng, chống bão số 2, Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Công an tỉnh Nam Định đã nhanh chóng họp, triển khai kế hoạch phòng, chống tới mọi cán bộ, chiến sĩ; duy trì nghiêm các chế độ trực theo quy định; thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cơ sở sẵn sàng phòng, chống bão.

Các đồng chí trong Ban Giám đốc Công an tỉnh tổ chức đi kiểm tra công tác phòng, chống bão của các đơn vị, địa phương, nhất là các huyện ven biển như Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu. Công an tỉnh Nam Định chỉ đạo Công an các huyện, thành phố cử cán bộ xuống cơ sở phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hướng dẫn nhân dân phòng chống bão, bảo vệ hoa màu, tài sản. 

Tại các huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, lực lượng Công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng kêu gọi tàu thuyền, yêu cầu hàng nghìn hộ dân đang làm ăn sinh sống ở khu vực nguy hiểm ven đê, và các ngư dân đang hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các khu vực cửa sông, bãi ven biển di dời vào nơi tránh trú bão an toàn.

Từ 14h ngày 3-7, Công an tỉnh Nam Định huy động quân số 100% ứng trực 24/24 giờ tại đơn vị, chủ động triển khai các phương án bảo vệ tài sản, phương tiện, hồ sơ, tài liệu của đơn vị, đảm bảo an toàn nơi giam giữ. 

Đội xung kích phòng chống lụt, bão gồm 150 đồng chí chia làm 3 tổ thường trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão; đồng thời huy động các mũi xung kích tập trung xuống các địa điểm xung yếu, phối hợp với Công an các huyện, chính quyền địa phương khẩn trương giúp dân chằng, chống nhà cửa, di dời nhân dân, nhất là phụ nữ, trẻ em và người già, đảm bảo an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng cho nhân dân trong các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt. 

Các đơn vị chức năng và Công an các huyện, thành phố trong tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh, xăng dầu, lương thực, thực phẩm và nước uống sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ tham gia phòng, chống và ứng cứu khi có bão lụt theo phương án điều động của Công an tỉnh và Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Nam Định.

LC – Minh Hiền – Văn Thông

Nguồn: Báo CAND

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Công an các địa phương chủ động ứng phó với cơn bão số 2
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác