Sa môn Thích Trí Hải, pháp danh Thanh Thao, thuộc Sơn môn Tế Xuyên, thế danh Đoàn Thanh Tảo, sinh ngày 19.5.1906 tại làng Quần Phương Trung, xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, trong một gia đình làm nghề nông, kính tín Tam Bảo. Năm 12 tuổi, Ngài học chữ Nho ở trường làng (tại chùa Phúc Sơn khi đó). Do nhân duyên, Ngài được gần gũi chư tăng, cùng theo các khóa lễ cúng, tụng niệm. Sớm hiểu nghĩa kinh sách và yêu thích cảnh chùa, Ngài có quyện vọng theo các chư tăng tu đạo. Năm 17 tuổi, Hòa thượng xuất gia tại chùa Mai Xá, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. 20 tuổi, Ngài thụ giới Tỳ Khiêu tại giới đàn chùa Mai Xá. Năm 1930, Ngài trụ trì chùa Phú Đa, xã Yên Lập, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Một năm sau, Ngài trở về trụ trì chùa Mai Xá. Năm 1934, Ngài trụ trì chùa Quán Sứ ( Hà Nội), tập trung nhiều thời gian, tâm sức cho việc thành lập Hội Bắc kỳ Phật giáo, ngày 6/11/1934. Giai đoạn 1935 đến 1950, Ngài tích cực tham gia vào việc xây dựng chùa, mở trường Phật học, hoạt động báo chí, sáng tác và dịch thuật, đặt quan hệ ngoại giao quốc tế, làm từ thiện cứu trợ đồng bào trong nạn đói 1945. Năm 1951, Ngài tham gia thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Từ Đàm ( Huế) và được bầu làm Phó Hội chủ. Năm 1952, Ngài tham gia thành lập Giáo hội Tăng già Việt Nam tại chùa Quán Sứ ( Hà Nội) và được bầu làm Trị sự trưởng. Năm 1954, đất nước bị chia cắt, Hòa thượng quyết tâm ở lại miền Bắc với những người đồng đạo, đồng bào của mình, rồi về Hải Phòng tu đạo ở chùa Phật giáo, nay là chùa Nam Hải, phường An Biên, quận Lê Chân, cho đến khi viên tịch, ngày 30 tháng 6 năm 1979.
Nhớ về những công lao, đóng góp của Sa môn Thích Trí Hải đối với Đạo pháp và dân tộc, người ta không thể không nói đến vai trò tiên phong của Ngài trong phong trào Chấn hưng Phật giáo vào những năm đầu thế kỷ XX. Phong trào chấn hưng Phật giáo mà Hòa thượng tham gia, chính là tập hợp các lực lượng Phật giáo vào trong một tổ chức thống nhất để trở thành một sức mạnh to lớn trong việc hoằng pháp lợi sinh. Bên cạnh đó, Sa môn Thích Trí Hải đã có những đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, giáo dục, đào tạo tăng ni, xây dựng cơ sở vật chất thờ tự, viết sách báo và dịch kinh sách, cùng nhiều hoạt động xã hội từ thiện. Ngài đã để lại hơn 40 tác phẩm và hàng trăm bài báo, thuộc các thể loại sáng tác, khảo cứu, lý luận phê bình, triết học, văn học, văn hóa, lịch sử, giáo dục… Nhân gian Phật giáo, Phật giáo Việt Nam, Gia đình giáo dục… cùng nhiều tác phẩm sáng tác và dịch thuật khác của Ngài không chỉ có ý nghĩa đối với các tăng ni, Phật tử trong quá trình tu tập, phụng sự đạo pháp và dân tộc mà còn có ý nghĩa thiết thực và sâu sắc đối với nhân sinh.
Ghi nhận và tri ân những đóng góp của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải đối với dân tộc và Phật giáo Việt Nam, vừa qua, thành phố Hải Phòng đã quyết định đặt tên một con phố tại quận Lê Chân theo đạo hiệu của Hòa thượng- Phố Thích Trí Hải. Con phố nhắc nhớ những người dân qua đây về tấm gương đạo hạnh của Đại lão hòa thượng Thích Trí Hải, những di sản và bài học ý nghĩa mà Sa môn Thích Trí Hải để lại cho đời.
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More