Print Thứ sáu, 19/05/2023 22:30 Gốc

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những mối nguy hại tác động tới trẻ em là tình trạng phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ trên môi trường mạng; trong đó chính bố mẹ lại là người chia sẻ thông tin, hình ảnh con trẻ.

Nội dung khiêu dâm có ở khắp nơi

Bà Đinh Thị Như Hoa, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo thống kê, tỉ lệ trẻ sử dụng Internet ở độ tuổi từ 12-17 tuổi rất cao, chiếm 93% ở thành thị và 88% ở nông thôn.

Trong đó, trẻ em gái sử dụng Internet chiếm tới 89%. Đặc biệt, trẻ tiếp cận mạng qua phương tiện là điện thoại thông minh chiếm 98%.

Theo báo cáo của UNICEF năm 2022, 23% trẻ em cho biết đôi khi các em vô tình thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm quảng cáo trên mạng.

Theo bà Hoa, trên thực tế, nội dung khiêu dâm có ở khắp nơi, vì vậy việc chặn các website khiêu dâm là không đủ và không hiệu quả. Trẻ em cần một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả chặn lọc nội dung trên mạng, giúp các em không bị “phơi nhiễm” trước thông tin xấu, độc.

Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng việt nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).

Các công cụ hiện tại chỉ giới hạn trong xử lý hình ảnh và văn bản, còn việc xử lý video đòi hỏi công nghệ phức tạp, hầu như không có công cụ chặn lọc nào. Vì vậy, phụ huynh cần cân nhắc cho trẻ xem video từ trên mạng, đồng thời sử dụng công cụ chọn lọc nội dung để bảo vệ tối đa trẻ trên môi trường mạng.

Theo đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong số những mối nguy hại tác động tới trẻ em là tình trạng phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ trên môi trường mạng.

Chính bố mẹ lại là người chia sẻ thông tin, hình ảnh con trẻ một cách vô tư, không kiểm soát lên mạng xã hội, các diễn đàn… Điều này có thể dẫn tới nhiều ảnh hưởng tiêu cực với trẻ em“, bà Hoa cảnh báo.

Kiên quyết “dẹp” thông tin xấu, độc

Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai thực hiện rà soát, phát hiện và ngăn chặn nhiều trường hợp đăng tải các hình ảnh, video có nội dung xâm hại hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em.

Cụ thể, Bộ đã xử lý 18/55 nhóm trên mạng xã hội đăng tải các hình ảnh, video có nội dung xâm hại hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em.

Tổng số thành viên của 55 nhóm này lên đến gần 10 triệu thành viên. Đáng nói, 30% thành viên trong số nhóm trên là trẻ em, 40% là thanh thiếu niên và chỉ 30% là người trưởng thành.

Mối nguy hại trên Internet tác động tới trẻ em. Ảnh: Chụp màn hình.

Để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của trẻ em, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa nội dung kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về tỉ lệ chiếu phim dành cho trẻ em.

Bộ cũng đã tiến hành thanh tra về nội dung này tại một số đài phát thanh và truyền hình địa phương. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh các đài thực hiện tăng cường thời lượng và phát sóng đủ tỉ lệ chiếu phim cho trẻ em đúng quy định.

Bà Hoa cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục yêu cầu các cơ quan báo chí tăng cường xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chương trình và thời lượng tuyên truyền về trẻ em. Đặc biệt đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, Bộ sẽ kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có các giải pháp khuyến cáo. Hướng dẫn các thuê bao về cách thức quản lý truy cập thông tin trên mạng đối với trẻ em. Thực hiện nghiêm việc ngăn chặn các nội dung thông tin trên mạng không phù hợp với trẻ em theo quy định của pháp luật.

Lương Hạnh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Con bị tấn công trên mạng, bố mẹ lại là người chia sẻ thông tin
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác