Print Thứ Ba, 26/03/2019 12:03

Hoán đổi công năng sử dụng, cơi nới diện tích, chồng tăng chiều cao nhưng không thiết kế, tính toán kỹ lưỡng, khiến kết cấu nhà xưởng không còn vững chắc, mất an toàn đối với những người xây dựng, sửa chữa cũng như trực tiếp làm việc bên trong sau khi hoàn thành.

Khi cải tạo nhà xưởng, cần có phương án bổ sung bảo đảm kết cấu, hệ thống chịu lực. (ảnh minh họa) 

Sập đổ công trình do kết cấu không bảo đảm

Sáng ngày 15-3 vừa qua, bức tường nhà xưởng dài 30m, cao 12,5m của Công ty TNHH Bohsing ở Khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnhVĩnh Long bị sập trong quá trình sửa chữa, làm 5 công nhân tử vong tại chỗ, 1 người tử vong tại bệnh viện, 2 người bị thương.

Tại Hải Phòng, cũng từng xảy ra nhiều vụ sập nhà xưởng trong quá trình xây dựng, cải tạo tương tự. Điển hình là vụ sập nhà xưởng rộng hơn 5000 m2 của Công ty TNHH Tae Sung Hải Phòng Vina nằm trong Khu công nghiệp Tràng Duệ (huyện An Dương) hồi tháng 4-2018. May mắn, vụ tai nạn không gây ra thiệt hại về người. Tiếp đó, tới tháng 6- 2018, 3 nhà xưởng, kho hàng khác nằm trên địa bàn xã An Hồng (huyện An Dương) cũng bị đổ sập.

Các công trình xảy ra sự cố đều là nhà xưởng đang được cơi nới, cải tạo theo hai hướng: mở rộng về diện tích và nâng chiều cao trần nhà xưởng. Kỹ sư xây dựng Vũ Văn Hải, Công ty xây dựng 207, Tổng Công ty xây dựng Bạch Đằng cho rằng, cả hai hình thức này đều làm thay đổi kết cấu cơ bản của nhà xưởng. Thông thường, nhà xưởng sẽ chia thành 3 phần chịu lực gồm móng nhà, cột trụ và hệ thống thanh giằng. Khi cơi nới về diện tích cũng như nâng chiều cao trần nhà xưởng, bắt buộc phải bổ sung các phương án chịu lực. Thuận lợi nhất là tăng số cột chống, tăng mật độ thanh giằng chịu lực. Tuy nhiên, nhiều cơ sở khi cơi nới, cải tạo chỉ tận dụng móng, cột, giằng cũ, dẫn tới sự cố đổ sập. Như vậy, có thể thấy, các sự cố sập, đổ công trình nhà xưởng chủ yếu đến từ các nguyên nhân chủ quan từ phía đơn vị thi công hoặc chủ công trình.

Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Sài Gòn – Hải Phòng Bùi Thế Long, sở dĩ có nguyên nhân này là do các đơn vị chưa thực sự quan tâm đầy đủ tới việc bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, an toàn khi cơi nới, cải tạo nhà xưởng, chỉ đơn giản cho rằng đây là biện pháp tình thế, đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện tại dẫn tới trong quá trình thi công, việc giám sát cũng bị coi nhẹ. Thực tế, nhiều doanh nghiệp khi cải tạo nhà xưởng chỉ thuê duy nhất đơn vị thi công, không có người giám sát, khó bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, một số đặc điểm phức tạp về địa hình như đất nền móng, công trình liền kề cũng có thể trở thành nguyên nhân dẫn tới sai lệch trong quá trình thăm dò, lên phương án bảo đảm an toàn khi cải tạo, cơi nới.

Tăng cường rà soát, kiểm tra

Qua khảo sát có thể chia các công trình nhà xưởng, kho chứa hàng thành 2 loại gồm công trình nhà xưởng đặt trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhà xưởng tự phát nằm xen kẽ trong khu dân cư. Nhà xưởng hầu hết được chủ đầu tư xây dựng theo chuẩn rồi cho thuê. Khi có đơn vị thuê, hầu như các nhà xưởng đều phải hoán cải, sửa chữa, cơi nới cho phù hợp với đặc điểm sản xuất. Phó chánh Văn phòng Sở Xây dựng Nguyễn Quang Đại đánh giá, việc quản lý chặt chẽ công tác xây dựng, cải tạo là yếu tố quan trọng nhất để tránh các sự cố sụp, đổ trong quá trình sửa chữa cũng như sau khi đưa vào sử dụng.

Vì vậy, đối với những công trình nhà xưởng tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trước hết, ban quản lý cần chủ động nắm tình hình hoạt động doanh nghiệp trong khu vực mình quản lý, kịp thời thông báo thanh tra xây dựng, thanh tra lao động bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn lao động. Khi thực hiện việc sửa chữa này, đơn vị bắt buộc phải có bản vẽ chi tiết được cơ quan chức năng phê duyệt. Các đơn vị có nhu cầu hoán cải công trình cần chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng, Công an thành phố để thực hiện nghiêm các quy định về an toàn xây dựng cũng như bảo đảm việc thoát nạn, phòng cháy, chữa cháy cho công trình.

Còn khó khăn hơn là việc quản lý hoạt động của các nhà xưởng nằm trong khu dân cư. Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an thành phố) Nguyễn Văn Tuấn nhận xét, những công trình này do người dân tự xây dựng lên để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của gia đình. Nhiều công trình được xây dựng từ lâu năm, sửa chữa chắp vá nhiều lần, không bảo đảm an toàn khi vận hành. Hơn nữa, việc các xưởng chỉ có một lối thoát nạn và nằm xen trong khu dân cư, nếu xảy ra sự cố, rất khó khăn đối với công tác cứu nạn, cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ liền kề. Do đó, UBND xã, phường cần tăng cường công tác rà soát, kiểm tra những trường hợp tự ý sửa chữa không phép cũng như phối hợp với Công an quận, huyện kiểm tra, kịp thời hướng dẫn người dân bổ sung thiết bị, hoàn thiện các quy tắc an toàn sản xuất đối với hệ thống nhà xưởng như cửa thoát nạn, lối thoát nạn, thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

MINH AN – Báo Hải Phòng 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cơi nới, cải tạo nhà xưởng không đồng bộ: Nguy cơ cao sự cố, tai nạn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác