Không ít trường hợp nhặt được của rơi trả lại người bị mất; song đâu đó vẫn còn nhiều người nhặt được của rơi nhưng cố tình chiếm giữ, không muốn trả lại cho người mất.
Theo Khoản 1 Điều 230 Bộ luật dân sự 2015, người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Trường hợp, người nào nhặt được của rơi nhưng cố tình không chịu trả lại cho người bị mất thì tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
– Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
– Điểm e Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
“Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác”.
Bởi vậy, nếu chúng ta nhặt được của rơi thì cần trả lại người bị mất, đó là việc làm tốt đồng thời giúp bản thân mình tránh được rủi ro pháp lý.