Print Thứ Hai, 23/12/2019 09:52 Gốc

TP.Hải Phòng sẽ sớm công nhận bãi cọc Cao Quỳ là di tích và tổ chức nghiên cứu khu vực này thành một quần thể di tích thống nhất với di tích Bạch Đằng Giang.

Có mặt tại Hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ, nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng bãi cọc Cao Quỳ chứa đựng tài nguyên văn hóa rất lớn.

Các chuyên gia nghiên cứu lịch sử đều cho rằng bãi cọc mới phát hiện ở Hải Phòng sẽ làm thay đổi và mở ra hướng nghiên cứu mới về trận chiến Bạch Đằng năm 1288 – Ảnh: Lê Tân

Ông Dương Trung Quốc nói: “Hiếm có một nơi nào có một di chỉ hoàn chỉnh như thế với các tầng đất và hiện vật trong lòng đất. Vị trí khu vực cũng rất thuận lợi để khai thác. Đó có thể trở thành một công viên, một khu di tích. Thậm chí, đây có thể là nơi lưu trữ đầy đủ nhất về chiến trận Bạch Đằng. Sau này, tại sao chúng ta không trồng một rừng lim ở đây để khơi gợi lại lịch sử, tập quán ngày xưa của ông cha chúng ta? Rất mong Hải Phòng có sự quan tâm lâu dài và bền vững!”.

Cận cảnh bãi cọc gỗ cổ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 năm 1288

Đồng quan điểm, GS-TSKH Vũ Minh Giang cho rằng: “Chiến thắng Bạch Đằng hào hùng là thế nhưng với hiện trạng bãi cọc bây giờ thì chỉ những nhà nghiên cứu say đắm thôi. Phải làm sao để người dân cũng say mê và hiểu biết về chiến thắng Bạch Đằng. Chúng ta có thể xây bảo tàng toàn cảnh về chiến trận Bạch Đằng; trưng bày hiện vật, trưng bày trang phục thời Trần, sử dụng công nghệ trình chiếu lại các trận đánh để hấp dẫn du khách”.

Về mặt bảo vệ khu vực này, TS Trần Đình Thành, Cục phó Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), cho rằng phải sớm đưa khu vực khai quật được cọc gỗ Bạch Đằng ở Cao Quỳ vào danh mục kiểm kê di tích rồi tiến hành làm hồ sơ xin công nhận xếp hạng di tích. “Có thể sau này chúng ta còn phát hiện nhiều nơi khác. Giống như di tích đường Hồ Chí Minh trải dài qua 17 tỉnh, TP. Vì vậy, trước tiên chúng ta nên đưa vào danh mục kiểm kê để có tính pháp lý bảo vệ khu vực này. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong TP.Hải Phòng cho chuyển đổi quyền sử dụng đất khu vực bãi cọc để dành đất này cho di sản, không tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế tại đây”, TS Trần Đình Thành đề nghị.

Bên cạnh đó, với tính chất hiện vật là gỗ lâu năm, TS Trần Đình Thành đề nghị các cơ quan chức năng có ngay các biện pháp bảo vệ. Bởi, khi hiện vật bằng gỗ được đưa khỏi đất, nước, qua thời gian sẽ biến đổi rất nhanh. Điều đó làm giảm giá trị đi rất nhiều. Trước khi có các đề án bảo vệ thì chúng ta nên lấp các hiện vật này, cắm mốc xác định và cấm các hoạt động khác.

Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành, thời gian tới, UBND TP.Hải Phòng sẽ khẩn trương triển khai thủ tục công nhận nơi này là di tích lịch sử cấp TP; xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc.

Ông Thành cũng đề nghị tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến khu di tích Bạch Đằng Giang, TT.Minh Đức, H.Thủy Nguyên để lập quy hoạch và xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật, nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các di tích trong khu vực; yêu cầu bảo đảm về đường giao thông, hệ thống cây xanh, công viên, bãi đỗ xe, khu vực tham quan, tìm hiểu bãi cọc cùng các công trình hạ tầng phục vụ người dân, du khách đồng bộ, liên hoàn, hiện đại.

Trước những ý kiến của các nhà chuyên môn, ông Lê Văn Thành khẳng định việc phát hiện, khai quật bãi cọc Bạch Đằng tại xã Liên Khê (H.Thủy Nguyên) là việc làm vô cùng ý nghĩa, song việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích còn quan trọng và có ý nghĩa hơn nhiều. “Đây là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền TP.Hải Phòng trước lịch sử của dân tộc, và cũng là trách nhiệm với các thế hệ mai sau”, ông Thành nói.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Có thể làm bảo tàng toàn cảnh về chiến trận Bạch Đằng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác