Print Thứ Hai, 12/09/2022 11:00 Gốc

Thiếu hụt đội ngũ bác sĩ khiến nhiều bệnh viện quận, huyện phải ghép khoa phòng chuyên môn, ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân… Đây là tình trạng chung ở nhiều trung tâm y tế, bệnh viện tuyến quận, huyện trên địa bàn thành phố, đòi hỏi ngành Y tế thành phố sớm có giải pháp khắc phục bằng cơ chế thu hút, đãi ngộ đội ngũ y, bác sĩ.

Trung bình mỗi khoa có 1 bác sĩ

Chiều 6/9, tại Khoa Khám bệnh (Trung tâm Y tế quận Dương Kinh) khá thưa vắng người bệnh. Thế nhưng, khoa này vẫn phải tăng cường bác sĩ từ Bệnh viện đa khoa Kiến An về khám, chữa bệnh. Thực tế này cho thấy tình trạng thiếu bác sĩ tại đơn vị.

Giám đốc Trung tâm Y tế quận Dương Kinh Đoàn Văn Doan cho biết, hiện trung tâm có 17 bác sĩ, trong đó 10 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, 4 bác sĩ đa khoa mới ra trường chưa có chứng chỉ hành nghề, 3 bác sĩ chuyên ngành y học dự phòng. Mỗi ngày, đơn vị khám, chữa bệnh phục vụ khoảng 150 lượt người bệnh và 30 người bệnh điều trị nội trú. Với đội ngũ nhân lực hiện có, đơn vị chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng chuyên môn để bảo đảm khám, chữa bệnh đối với người dân địa phương. Vì thiếu bác sĩ, nhiều khoa, phòng phải ghép chung như: Khoa Ngoại-Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Khoa Nội-Nhi-Truyền nhiễm; Khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh; Khoa Liên chuyên khoa Tai mũi họng-Răng hàm mặt-Mắt. Tính trung bình mỗi khoa chỉ có hơn 1 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề.

Vì vậy, đơn vị phải đề nghị tăng cường bác sĩ từ Bệnh viện đa khoa Kiến An và Bệnh viện Phụ sản về khám, chữa bệnh. “Do đơn vị không dư về tài chính nên cán bộ, viên chức không có nguồn thu nhập tăng thêm, thiếu nguồn động viên, giữ chân bác sĩ có tay nghề, dẫn đến từ năm 2020 đến đầu năm 2022, 2 bác sĩ sau đại học và 3 kỹ thuật viên nghỉ việc ở trung tâm. Dự kiến cuối năm 2023, khu Trung tâm y tế quận Dương Kinh mới sẽ đi vào hoạt động, với quy mô 200 giường bệnh. Hiện, trung tâm có 70 giường kế hoạch, thiếu bác sĩ nên không thể đáp ứng số bác sĩ cho quy mô số giường trên”, bác sĩ Doan phản ánh.

Trung tâm Y tế quận Hồng Bàng cũng luôn trong tình trạng quá tải do thiếu bác sĩ. Trung tâm có 22 bác sĩ, nhưng đầu năm 2022 có 1 bác sĩ nghỉ việc và 1 bác sĩ hợp đồng đang xin thôi việc. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Thanh cho biết, mỗi chuyên khoa chỉ có 1 bác sĩ; trung bình, đơn vị khám, chữa bệnh hơn 400 lượt người/ngày, nên các y, bác sĩ lúc nào cũng phải gồng mình để đáp ứng công việc. Theo quy định, khi bác sĩ trực đêm được nghỉ bù, nhưng ở trung tâm, nhiều năm nay không thực hiện được, vì nếu nghỉ các khoa sẽ phải đóng cửa. Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa như khoa Mắt cũng phải trực đa khoa.

Còn Trung tâm Y tế quận Hải An từ hơn 10 năm nay không có Khoa Y học cổ truyền vì không tìm được bác sĩ chuyên khoa này.

Các trung tâm, bệnh viện tuyến quận, huyện khác như: Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, An Dương, Tiên Lãng, An Lão cũng đang thiếu bác sĩ, nhưng không đến nỗi thiếu trầm trọng như ở các trung tâm kể trên. Các đơn vị này thiếu nhất là bác sĩ có chuyên môn cao, tay nghề giỏi.

Bác sĩ, nhân viên Trung tâm Y tế quận Hải An phối hợp Trạm y tế phường Đằng Lâm thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép.

Sớm có cơ chế thu hút và đãi ngộ

Thiếu bác sĩ, dẫn đến các khoa, phòng phải ghép chung, khiến chất lượng khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng lớn, người bệnh tìm đến các cơ sở tuyến trên. Trong khi các trung tâm, bệnh viện tuyến quận, huyện đang thực hiện tự chủ một phần về tài chính, nên càng khó khăn. Với năng lực hiện có, các cơ sở y tế quận, huyện khó có điều kiện đãi ngộ, thu hút bác sĩ, nhất là hơn 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, hầu hết đơn vị y tế cơ sở không có khả năng tăng nguồn thu nhập; việc trả lương chật vật nên mọi khoản thưởng bị cắt giảm. Vì vậy, theo lãnh đạo các đơn vị y tế quận, huyện, về lâu dài, Chính phủ, thành phố sớm có chính sách thu hút, ưu đãi bác sĩ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở.

Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải An Hoàng Văn Nhật cho rằng, do đặc thù của ngành Y tế, để có bác sĩ vững vàng tay nghề phải mất 10 năm đào tạo, gồm 6 năm học đại học, 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ thực hành và 2 năm học tiếp chuyên khoa. Tuy nhiên, với mức lương hiện nay, nhiều nhân viên y tế không đủ chi phí sinh hoạt cho gia đình. Trong khi môi trường làm việc không an toàn, áp lực công việc lớn, nhất là thời điểm dịch bệnh COVID-19… Do đó, thành phố, ngành Y tế cần có chính sách động viên, giúp nhân viên y tế tái tạo sức lao động, được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, hạn chế chuyển dịch từ khối y tế công lập sang tư nhân.

Hiện, Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó, đề xuất mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, trong đó có các trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện. Mong rằng chính sách này sớm được phê duyệt và đi vào thực tế. Còn trên địa bàn thành phố, tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa 16 thông qua Nghị quyết số 41 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây mới, nâng cấp các trạm y tế trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thành phố chưa có chính sách riêng về thu hút, đãi ngộ bác sĩ, nên tình trạng thiếu bác sĩ ở các cơ sở y tế quận, huyện còn nan giải. Thiết nghĩ, ngoài sự động viên cán bộ, nhân viên và cố gắng nâng cao thu nhập của các cơ sở y tế quận, huyện, thành phố sớm nghiên cứu thực tiễn để ban hành chính sách góp phần thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ bác sĩ cho các cơ sở y tế quận, huyện, góp phần bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân./.

Bùi Hương. Ảnh: Thùy Linh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cơ sở y tế tuyến quận, huyện thiếu hụt bác sĩ: Cần sớm có chế độ thu hút, đãi ngộ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác