Ghi nhận vào sáng 31.8 (giờ Việt Nam), cổ phiếu hãng xe điện VinFast (NASDAQ: VFS) hiện giảm còn 41,27 USD/cổ phiếu (tương đương 11%) so với phiên trước đó.
Sự sụt giảm này đánh dấu chuỗi 2 ngày liên tiếp của cổ phiếu VinFast trên sàn chứng khoán Mỹ NASDAQ. Trong phiên trước đó, VFS đã giảm xuống mức 46,25 USD/cổ phiếu với tư cách là mã giảm mạnh nhất sàn NASDAQ.
Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VinGroup (công ty mẹ của VinFast) hiện đã giảm còn 6,7 tỉ USD, là người giàu thứ 396 trên thế giới.
Trước đó, chỉ trong ít ngày kể từ khi có màn IPO ngày 15.8, giá trị thị trường của VinFast đã vượt qua gần như toàn bộ ngành công nghiệp ôtô, bất chấp thực tế đây mới là doanh nghiệp 6 năm tuổi. Khi mới ra mắt Phố Wall, giá trị của VinFast là 85 tỉ USD, vượt xa giá trị vốn hóa thị trường của các ông lớn như Ford, General Motors hay Chrysler Stellantis.
VinFast có tham vọng bán 50.000 xe điện trong năm nay. Phiên bản VF9 Eco có phạm vi hoạt động được EPA chứng nhận là 330 dặm (khoảng 531km), trong khi phiên bản Plus có phạm vi hoạt động được EPA chứng nhận là 291 dặm (khoảng 469km). Hai mẫu xe này có giá lần lượt là 83.000 USD và 91.000 USD, được trang bị hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến.
VF9 là mẫu xe thứ hai được VinFast dành cho thị trường Bắc Mỹ. Cho đến nay, hãng đã xuất xưởng hai lô SUV cỡ nhỏ VF8 ra thị trường này.
VinFast cũng công bố một con số quan trọng trong tuần này, cung cấp thông tin về hoạt động sản xuất và bán hàng của hãng. Cụ thể, VinFast đã giao 11.300 xe điện trong nửa đầu năm 2023 và có 26.000 xe điện đặt trước tính đến ngày 30.6. Tính đến hết quý II/2023, công ty có 122 showroom ôtô điện.
VinFast hiện có công suất sản xuất hằng năm là 300.000 chiếc. Công suất hoạt động dự kiến sẽ tăng thêm 150.000 chiếc nếu nhà máy đầu tiên tại Mỹ bắt đầu sản xuất vào năm 2025 theo kế hoạch. Cơ sở ở Bắc Carolina cũng là nhà máy xe điện đầu tiên của VinFast bên ngoài Việt Nam.
Quý An