Mạng xã hội mới đây lan truyền lời kêu gọi mọi người hãy ngừng chia sẻ hình ảnh và video “chào buổi sáng”, “chúc ngủ ngon” theo mẫu trên mạng vì lo ngại mã độc.
Theo đó, thông tin lan truyền trên mạng xã hội dưới dạng bản tin dịch. Xin lược trích: “Cảnh báo từ luật sư Olga Nikolaevnas…
Hôm nay, tin tức quốc tế Thượng Hải Trung Quốc đã gửi SOS tới tất cả những người đăng ký và các chuyên gia – lời khuyên: Không gửi hình ảnh và video chào buổi sáng, chúc ngủ ngon,…
Báo cáo cho thấy tin tặc đã thiết kế những hình ảnh và video này rất đẹp. Tuy nhiên, có một mã lừa đảo ẩn và khi mọi người gửi những tin nhắn này, tin tặc sẽ sử dụng thiết bị của bạn để lấy cắp thông tin cá nhân, chẳng hạn như thông tin và dữ liệu thẻ ngân hàng, và đột nhập vào điện thoại của bạn.
Nếu bạn muốn nói lời chào với người khác, vui lòng viết lời chào của riêng bạn, gửi hình ảnh và video của riêng bạn để bạn có thể bảo vệ bản thân, gia đình và bạn bè của mình.
Mọi người đều có một thẻ ngân hàng được gắn vào điện thoại di động của họ và điện thoại di động của mọi người có nhiều số liên lạc. Vụ hack này không chỉ tạo ra mối đe dọa cho chính bạn mà còn cho cả điện thoại, bạn bè và người quen của bạn!…
Đây là một kỹ thuật mới được những kẻ khủng bố sử dụng để truy cập thẻ SIM điện thoại di động của bạn, để bạn trở thành đồng phạm của chúng!!!“.
Trước sự lan truyền chóng mặt của dòng cảnh báo trên, chuyên gia công nghệ Trần Thanh Tuấn (Giải nhất giải thưởng I-Star 2021) khẳng định: “Đây là tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội!“.
Theo phân tích của chuyên gia Tuấn, đây là thông tin được viết cẩu thả, thiếu tính xác thực. Cụ thể: Luật sư Olga Nikolaevnas, là một cái tên không gắn liền với một nhân vật nào có mặt trên internet. Chỉ có Nữ đại công tước Olga Nikolaevna của Nga, tên đầy đủ là Olga Nikolaevna Romanova, là con gái lớn của Hoàng đế Nikolai II và Hoàng hậu Alexandra Feodorovna của Nga và bà đã mất năm 1918. Tiếp theo, không có kênh tin tức Quốc tế Thượng Hải Trung Quốc như status đề cập.
Về chuyên môn, theo cảnh báo thì các file hình ảnh (jpg, png, gif…) hay video (mp4, avi,…) sẵn trên mạng bị đối tượng xấu chèn (inject) mã độc sẽ ngầm ăn cắp thông tin của người dùng và chạy trên điện thoại.
“Việc nhúng mã độc và ảnh, video là chuyện có thể làm được nhưng định tệp (File type) lúc đó sẽ có đuôi .exe. Điều này dẫn đến, file này không thể mở trên thiết bị di động. File này ở trên máy tính thì sẽ khó qua mặt được các phần mềm diệt virus và bị các phần mềm ấy chặn lại“, chuyên gia công nghệ này phân tích.
Chuyên gia công nghệ Trần Thanh Tuấn nói thêm, những kiểu thông tin lan truyền như thế này đang nở rộ trên mạng xã hội. Người chia sẻ thông tin dạng này thường là người lớn tuổi, những người dễ bị tác động vào cảm xúc, thấy cái hay thì chia sẻ nhưng lại không đủ kỹ năng để xác định thông tin đó là đúng sai.
“Bây giờ kiểu ăn cắp thông tin mà đối tượng lừa đảo hay dùng, tức là hình thức đơn giản, dễ sử dụng, dễ lan truyền và khó bị các phần mềm chặn: là giả tin nhắn SMS, spam tin tức lẫn 1 website dụ người dùng điền thông tin (tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội,…) vào đó… Người dùng nên cảnh giác hơn là những cảnh báo vô căn cứ trên mạng xã hội“, chuyên gia Tuấn bày tỏ.
Ngọc Ánh