Print Thứ Năm, 13/10/2022 17:10 Gốc

Theo Bộ Công Thương, hệ thống bán lẻ xăng dầu hiện có khoảng gần 17.000 cửa hàng, việc hình thành loại hình thương nhân phân phối xăng dầu đã hỗ trợ cho 34 thương nhân đầu mối phân bổ nguồn hàng đến các vùng miền trên cả nước, góp phần cung ứng tốt hơn xăng dầu cho tiêu dùng.

Bộ Công Thương không can thiệp vào mức chiết khấu xăng dầu

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã kiến nghị liên quan đến tỉ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến họ chịu thua lỗ, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng, dầu bán ra.

Liên quan đến vấn đề này, phía Bộ Công Thương thông tin, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu cho đơn vị mua xăng dầu so với giá bán lẻ xăng dầu. Nhà nước chỉ quản lý và điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô, không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu.

Điều này là phù hợp với thực tế do giá bán lẻ xăng dầu đã được Nhà nước điều hành và quy định mức giá trần nên mức chiết khấu là yếu tố quan trọng để phản ánh tính thị trường, đồng thời, là yếu tố được điều chỉnh linh hoạt giúp các doanh nghiệp điều hành hoạt động kinh doanh phù hợp với biến động cung cầu, giá cả xăng dầu trên thị trường thế giới và trong nước“, Bộ Công Thương cho biết.

Bộ Công Thương cho rằng không can thiệp vào chiết khấu xăng dầu. Ảnh: V.T.

Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu trong nước hiện đã tương đối cạnh tranh với sự tham gia của ngày càng nhiều chủ thể kinh doanh xăng dầu, nhà nước không nên can thiệp vào những thỏa thuận dân sự, phù hợp với quy định của pháp luật giữa các doanh nghiệp, giúp lĩnh vực kinh doanh xăng dầu phát triển theo định hướng kinh tế thị trường.

Có nên bỏ loại hình thương nhân phân phối?

Có ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương chỉ quản lý được 33 doanh nghiệp đầu mối, còn 500 thương nhân phân phối nằm ngoài hệ thống thì không. Trong khi thời gian qua, việc thiếu xăng cục bộ nằm ở nhóm các thương nhân tự do này.

Trả lời vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ngoài 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, hiện cả nước có 332 doanh nghiệp phân phối xăng dầu.

Theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này đều ký kết hợp đồng và lấy hàng tương đối ổn định từ các nguồn hàng quen thuộc để cùng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung ứng hàng hóa cho các đại lý bán lẻ xăng dầu ở các địa bàn trên cả nước.

Về vai trò của thương nhân phân phối xăng dầu, theo ông Đông, hiện cả nước chỉ có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó 4 doanh nghiệp chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không tại các sân bay.

Hệ thống bán lẻ xăng dầu hiện có khoảng gần 17.000 cửa hàng phân bố khắp các vùng miền trên cả nước. Việc hình thành loại hình thương nhân phân phối xăng dầu với các điều kiện theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định số 95 về phương tiện vận tải, kho chứa xăng dầu, phòng kiểm nghiệm xăng dầu, hệ thống cửa hàng trực thuộc và đại lý… với quyền về nguồn hàng linh hoạt hơn đại lý bán lẻ xăng dầu. Chính điều này đã hỗ trợ cho 34 thương nhân đầu mối phân bổ nguồn hàng đến các vùng miền trên cả nước, góp phần cung ứng tốt hơn xăng dầu cho tiêu dùng ở mọi miền đất nước.

Về vấn đề doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, hiện nay, Việt Nam có 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (là các thương nhân có chức năng kinh doanh xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu), trong đó có 4 thương nhân chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không.

Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì số lượng thương nhân đầu mối nêu trên là tương đối thấp do điều kiện gia nhập thị trường làm thương nhân đầu mối của Việt Nam còn tương đối cao.

Ở Singapore đã thu hút được hơn 500 doanh nghiệp toàn cầu tham gia vào lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, phân phối xăng dầu. Trung Quốc có 3 tổng công ty xăng dầu trực thuộc nhà nước với 458 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Còn Nhật Bản hiện có 11 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “đầu mối“.

Như vậy, có thể thấy, hầu hết các nước trong khu vực không quy định về việc hạn chế doanh nghiệp tham gia thị trường xăng dầu, nhằm tăng tính cạnh tranh của thị trường xăng dầu.

Việc quản lý nhà nước chủ yếu tập trung vào vấn đề kiểm soát chất lượng, dự trữ bảo đảm an ninh năng lượng, tính an toàn trong kinh doanh và bảo vệ môi trường“, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.

Anh Tuấn

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Có nên bỏ loại hình thương nhân phân phối xăng dầu?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác