Nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood tại tỉnh Tây Ninh của Tập đoàn Lavifood
Thực trạng còn bất cập
Tính đến thời điểm hiện tại, Hải Phòng có 143 xã thuộc 7 huyện, diện tích đất sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế nông thôn chiếm khoảng 34% (chưa kể đất lâm nghiệp) tổng diện tích đất sử dụng trên địa bàn thành phố.
Tại Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 16-7-2012,Thành ủy đã khẳng định: “Nông thôn Hải Phòng có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là lực lượng to lớn góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững…”.
Những năm gần đây, cùng với kết ủa thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngành kinh tế nông nghiệp liên tục được cải thiện và đạt được nhiều kết quả đột phá. Giá trị sản xuất năm 2018 của khu vực nông thôn đạt 14.788,9 tỷ đồng.
Bên cạnh diện tích trồng lúa, thành phố đã triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng khả năng khai thác giá trị đất nông nghiệp. Đơn cử cũng theo số liệu năm 2018, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ngoài lúa đạt 20.161,6 ha trên tổng diện tích đất canh tác 89.501,4 ha, với nhiều sản phẩm khác như rau xanh, ngô, khoai, thuốc lào, dưa hấu, ớt…
. Trên lĩnh vực sản xuất tập trung, toàn thành phố có 685 trang trại, với 20.340ha vùng sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, có 54 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tham gia liên kết với khoảng 1.130 hộ vệ tinh, tạo mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Chưa kể số lượng Hợp tác xã kiểu mới cũng tăng đáng kể, lên tới con số 153 HTX tính trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, khu vực nông thôn cũng thu hút được 8 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 284,8ha, vốn đầu tư 1.170,86 tỷ đồng, 15 doanh nghiệp đang khảo sát trên tổng diện tích nghiên cứu 1.834,2ha, với nguồn đầu tư dự kiến khoảng 8.412 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đánh giá về thực trạng kinh tế nông nghiệp Hải Phòng, trong nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng: Quan hệ sản xuất vẫn chậm đổi mới, chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu lao động, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ thiếu vững chắc; cơ chế chính sách khuyến khích phát triển thiếu đồng bộ; cơ cấu cây trồng chậm chuyển đổi, cây lương thực vẫn chiếm tỷ trọng cao tổng diện tích nhưng giá trị ngành trồng trọt khá thấp…
Đặc biệt thời gian qua, do một bộ phận lớn lao động nông thôn dồn về làm việc tại các khu công nghiệp, dẫn đến lao động nông nghiệp thiếu hụt, tình trạng nông dân bỏ ruộng diễn ra ở hầu hết các địa phương.
Đáng nói nữa là, tính kết nối trong đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, đến tiêu thụ giữa “4 nhà”: quản lý, khoa học, doanh nghiệp và nhà nông chưa thực sự hiệu quả.
Thực tế, đa số người dân vẫn đang phải tự tiêu thụ sản phẩm của mình, bằng con đường trực tiếp hoặc qua tư thương. Ngay như ở những vùng chuyên canh tập trung, bài toán kết hợp được đưa ra từ lâu, ứng dụng nhiều phương pháp nhưng đáp số mới giải quyết được một phần nhu cầu thực tiễn.
Trồng ớt tại khu nông nghiệp công nghệ cao Vineco Vĩnh Bảo
Hướng mở nhiều kỳ vọng
Như đã nói ở trên, quá trình xây dựng nông thôn mới đã mở ra cơ hội cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ những năm gần đây, đã tạo ra nhiều thuận lợi. Quá trình tích tụ ruộng đất, xây dựng các trang trại, gia trại và chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã từng bước hình thành các khu vực kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Nội bật nhất là từ năm 2015, Tập đoàn VinGroup đã đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao VinEco tại Tân Liên (Vĩnh Bảo), với một khuôn mẫu khép kín theo phương thức “sạch từ trang trại đến bàn ăn”.
Chỉ sau thời gian ngắn đầu tư từ năm 2015, Vineco đã đưa sản phẩm ra thị trường, với sản lượng khoảng 3 tấn rau, củ, quả/ngày, bảo đảm đầy đủ các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong hệ thống bán lẻ của VinMart cũng thuộc Tập đoàn VinGroup, thì Vineco được xác định như một căn cứ hậu cần vững chắc và tin cậy.
Từ kết quả thành công ban đầu, hiện sự án đang triển khai trên tổng diện tích đất lên tới trên 212 ha, trở thành dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lớn nhất của Hải Phòng đến thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, với diện tích nêu trên thì năng lực của Vineco so với tổng diện tích đất trồng trọt 89.501,4 ha mà Hải Phòng đang sử dụng thì cũng chưa thấm vào đâu. Mặt khác, sản phẩm của Vineco cũng mới chỉ đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong hệ thống phân phối VinMart của Tập đoàn VinGroup. Chính vì vậy, việc Tập đoàn Lavifood tiến hành khảo sát để đầu tư xây dựng hệ thống chuỗi kinh tế nông nghiệp tại Hải Phòng được cho là hết sức tích cực.
Được biết, Lavifood là công ty chuyên sơ chế, sản xuất, chế biến các loại trái cây rau củ và các nông sản chất lượng cao của Việt Nam. Được thành lập từ năm 2014, bắt đầu là Nhà máy Lavifood tại tỉnh Long An, sản xuất, chế biến trên 80 sản phẩm đông lạnh các loại rau củ quả, đã xuất khẩu tới hàng chục quốc gia.
Tháng 1-2019, Lavifood chính thức đưa vào hoạt động nhà máy nước chế biến rau củ quả Tanifood tại tỉnh Tây Ninh với vốn đầu tư 1.780 tỷ đồng.
Đây là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, có công suất 150.000 tấn nguyên liệu/năm với 6 dây chuyền sản xuất cùng lúc.
Về dự án đầu tư tại Hải Phòng, theo ông Phạm Ngô Quốc Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Lavifood, tiềm năng phát triển của Hải Phòng là rất lớn, với nhiều ưu thế hết sức thuận lợi, nhất là dịch vụ logistics.
Dự kiến Lavifood sẽ xây dựng một Nhà máy chế biến rau, củ, quả công nghệ cao công suất khoảng 100 nghìn tấn/năm, nông sản công nghệ cao chế biến rau củ quả theo quy trình: xử lý trái cây tươi, đông lạnh, sấy trái cây, cô đặc, đóng chai. trên diện tích khoảng 50ha tại huyện Tiên Lãng.
Đồng thời nghiên cứu đầu tư trung tâm giống cung cấp cho khu vực phía Bắc, xây dựng trung tâm hỗ trợ nông dân, xây dựng nhà máy sản xuất phân bón, chợ đầu mối, tổng kho và quy hoạch vùng trồng…
Chủ trương của nhà đầu tư là phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngành rau củ quả định hướng thị trường trên nền tảng logistics.
Đánh giá về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành khẳng định đây là lĩnh vực đầu tư hết sức có ý nghĩa, tạo cơ hội lớn cho khu vực nông thôn Hải Phòng tăng giá trị sử dụng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập và khả năng phát triển bền vững.
Điều quan trọng nhất là vùng sản xuất chuyên canh theo hướng tập trung sẽ được hình thành, kết nối giữa Hải Phòng với các địa phương bạn như Thái Bình, Hải Dương…
Chủ trương là thành phố sẽ hỗ trợ trực tiếp người nông dân về giống cây trồng, phục vụ nông dân chuyển đổi cây trồng theo hướng tập trung vào cây có giá trị kinh tế cao.
Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, thì tháng 4 này dự án của Lavifood sẽ được khởi công, mở ra cơ hội lớn cho nông nghiệp thành phố, đồng thời tạo nét chấm hoàn hảo trên bản đồ kinh tế Hải Phòng.
Lê Minh Thắng
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More