Công nghệ

Cơ hội cho phần mềm họp trực tuyến “nội”

Dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, xu hướng, nhu cầu họp trực tuyến gia tăng đáng kể. Hiện nay, một số doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh nghiên cứu, cho ra mắt các phần mềm họp trực tuyến “nội” với nhiều ưu điểm: chi phí thấp, tính tiện ích, độ bảo mật cao.

Nhu cầu tăng

Trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, số lượng doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân sử dụng phần mềm họp trực tuyến miễn phí của nước ngoài tăng đột biến. Song, nhược điểm của các phần mềm này đòi hỏi đường truyền internet mạnh, ổn định, nhất là việc bảo mật do khả năng mã hóa dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin-Truyền thông) khuyến cáo các cơ quan, tổ chức nhà nước hạn chế việc sử dụng các phần mềm miễn phí của nước ngoài, như phần mềm Zoom. Do đó, nhiều cơ quan, doanh nghiệp lựa chọn phần mềm họp trực tuyến “nội” như là giải pháp hữu hiệu để thay đổi phương thức làm việc, đạt hiệu quả cao.

Cơ quan Cục Thi hành án dân sự Hải Phòng sử dụng phần mềm họp trực tuyến đem lại nhiều lợi ích, tiết kiệm chi phí.

Tại Cục Thi hành án dân sự thành phố, ngay trong thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng các cuộc họp giao ban với Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch nhờ sử dụng phần mềm họp trực tuyến. Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Lương Văn Lịch cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn vị chủ động tìm hiểu, ứng dụng phần mềm để tổ chức họp trực tuyến, ưu tiên phần mềm do các doanh nghiệp trong nước cung cấp. Việc ứng dụng phần mềm giúp đơn vị tiết kiệm thời gian, chi phí di chuyển, không cần tập trung đông người mà vẫn bảo đảm tiếp nhận, chỉ đạo xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác.

Với đặc thù cán bộ, nhân viên thường xuyên công tác, không có mặt tại trụ sở, Bưu điện Hải Phòng tăng cường ứng dụng phần mềm họp trực tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu công việc. Phó giám đốc Bưu điện thành phố Đoàn Trung Tuyến cho biết, trước nhu cầu về giải pháp làm việc từ xa, đơn vị lựa chọn sử dụng phần mềm họp trực tuyến do doanh nghiệp “nội” cung cấp với nhiều tiện ích, dễ sử dụng trên máy tính hoặc điện thoại di động thông minh, nhất là tính bảo mật cao. Ngoài điểm cầu tại trung tâm Bưu điện thành phố, còn thiết lập 50 điềm cầu khác, trong đó 11 điểm cầu thường xuyên tại các quận, huyện.

Nhiều tiện ích, bảo mật cao

Trước thực tế nhu cầu thị trường tăng, một số cơ quan, doanh nghiệp trong nước tăng cường có những nghiên cứu, cung cấp một số giải pháp, phần mềm họp, làm việc trực tuyến. Đi đầu là các doanh nghiệp viễn thông lớn, với hệ thống mạng lưới phủ khắp cả nước. Như VNPT kịp thời ra mắt các gói cước V-Com với các giải pháp công nghệ hiện đại: VNPT iOffice, VNPT e-Cabinet, VNPT Meeting, VNPT Ký số, VNPT CA, giúp các doanh nghiệp, đơn vị có thể quản lý văn bản, tổ chức hội nghị truyền hình, họp trực tuyến… Viettel cũng đưa ra giải pháp họp trực tuyến Vmeet, dịch vụ chứng thực chữ ký số Viettel-CA. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tư nhân tích cực tham gia vào thị trường tiềm năng này như giải pháp họp trực tuyến EGOVC Jitsi, phần mềm văn phòng điện tử Cloudoffice, phần mềm họp trực tuyến TranS…

Trong đó, phần mềm họp trực tuyến TranS của Công ty TNHH công nghệ và dịch vụ viễn thông Nam Việt (trụ sở tại quận Ngô Quyền), được khá nhiều cơ quan, doanh nghiệp sử dụng. Từ chỗ chỉ từ vài chục nghìn lượt người dùng trong tháng 2-2020, đến tháng 4, phần mềm TranS đạt 4 triệu lượt người dùng. Ông Trần Thành Song, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH công nghệ và dịch vụ viễn thông Nam Việt cho biết, phần mềm sử dụng công nghệ lõi có khả năng mã hóa và xử lý truyền tín hiệu tốt nhất dựa trên nền tảng công nghệ với đối tác của Mỹ. Phần mềm có các giải pháp linh hoạt cao, rút ngắn thời gian khi thiết lập cuộc họp hoặc lớp học trực tuyến có nhiều người cùng tham gia. Dung lượng phần mềm nhẹ, tương thích nhiều hệ điều hành và không đòi hỏi đường truyền internet tốc độ cao, do đó có thể ứng dụng trong việc học tập, tư vấn khám chữa bệnh, phỏng vấn tuyển dụng trực tuyến… Ưu thế nữa của phần mềm là có thể tiết kiệm chi phí hơn 60% so với sử dụng nền tảng cứng. Hiện tại, công ty Nam Việt đang tính đến việc đưa sản phẩm phần mềm này ra thị trường nước ngoài như Nhật Bản và các nước châu Âu. Ông Trần Thành Song cũng chia sẻ, với xu hướng hội nhập, cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực phần mềm, giải pháp công nghệ rất rộng mở.

Có thể thấy, những tác động của dịch bệnh làm thay đổi nhận thức về nhiều mặt, trong đó có cách thức làm việc từ xa, học tập trực tuyến, chăm sóc y tế từ xa, mua sắm trực tuyến, sự kiện ảo… Đây là thời cơ, cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin nghiên cứu, ứng dụng, xây dựng nền tảng công nghệ số và các giải pháp hữu ích phục vụ cuộc sống.

Nhân Lý

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Bế mạc Techfest Việt Nam 2024

Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, sáng 28/11, tại khách sạn Pullman, Bộ Khoa…

28/11/2024

Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Hải Phòng xứng tầm trung tâm vùng gắn kết quốc tế

Đây là chủ đề hội thảo quốc tế hưởng ứng Techfest Việt Nam 2024 diễn…

28/11/2024

Hơn 200 đại biểu tham gia tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ AI

Thực hiện chương trình công tác năm 2024 và căn cứ tình hình thực tiễn,…

28/11/2024

Phát hiện đối tượng đang vận chuyển pháo ở Hải Phòng

Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy Công an…

28/11/2024

Công bố Quyết định về công tác cán bộ tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hải Phòng

Sáng 28/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam chủ trì Hội nghị…

28/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More