Mỗi giờ học tiếng Anh là một giờ sôi nổi, sáng tạo
Cô Trần Thị Ninh chia sẻ, là cô giáo trong môi trường giáo dục 4.0 đã khó, là giáo viên tiếng Anh khó hơn nhiều. Học sinh được tiếp cận ngôn ngữ này từ nhỏ, môi trường học tập thuận lợi, tài liệu vô tận trên internet. Trong bối cảnh đó, cô Trần Thị Ninh xác định, công việc giảng dạy không thể theo cách truyền thống là thày cô hướng dẫn, học trò tiếp nhận mà phải để mỗi buổi học trở thành những thời khắc say mê, hứng thú của cả cô và trò. Những cảm xúc này, môi trường giáo dục trực tuyến chưa thể chạm tới.
Muốn làm như vậy, phải có kiến thức nền tảng và kỹ năng sư phạm. Dù đã hoàn thành chương trình học Thạc sĩ tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, song cô Trần Thị Ninh vẫn tự học hàng ngày, từ luyện nghe nói thông qua xem phim, nghe bài hát, luyện làm các dạng bài tập để nhuần nhuyễn hệ thống ngữ pháp, qua đó truyền đạt tới học sinh theo cách dễ hiểu nhất. Với giờ lên lớp, học trò buộc phải vận động, phản xạ thông qua các trò chơi và hình ảnh trực quan. Hơn tất cả, đó là tình yêu vô bờ với nghề giáo.
Cô Trần Thị Ninh chia sẻ, là Bí thư Đoàn Trường, theo quy định, cô sẽ chỉ đảm nhận 2 tiết/tuần. Nhưng với mong muốn, chia sẻ áp lực với đồng nghiệp khi vừa giảng dạy, vừa tham gia phong trào hiểu tâm lý học sinh và nỗi nhớ những giờ lên lớp nên cô Ninh vẫn dạy 2 lớp 12, 1 lớp 11.
Giảng dạy đối với học sinh khối 12 là áp lực không nhỏ vì tiếng Anh là 1 trong 3 môn thi bắt buộc. Do đó, các em sẽ phải hoàn thành thật tốt chương trình học. Thế nhưng, giờ giảng của cô Ninh thật khác.
Em Nguyễn Tú Anh, lớp trưởng lớp 12A9, Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn cho biết: “Cô Ninh giảng dạy môn tiếng Anh cho cả lớp suốt từ năm lớp 10. Với tập thể lớp 12A9, cô là người thật đặc biệt. Ngoài kiến thức ngoại ngữ truyền dạy dễ hiểu, cô luôn mang cho chúng em thấy sự ân cần, chu đáo cũng như bầu không khí nhiệt huyết, ấm nóng tình yêu thương. Cô như người mẹ, người cô, người chị của cả lớp. Tình cảm của cô, kiến thức cô truyền dạy khiến chúng em vô cùng hào hứng với môn học ngoại ngữ”.
Với trình độ chuyên môn và sự sáng tạo trong giảng dạy, năm 2015, cô Trần Thị Ninh được công nhận là “Giáo viên dạy giỏi” môn tiếng Anh của thành phố Hải Phòng.
Bồi đắp ngọn lửa biết ơn qua các hoạt động đoàn
Cô Trần Thị Ninh tham gia công tác đoàn tại ngôi trường này từ khi về công tác năm 2006 và giữ cương vị Bí thư Đoàn trường lâu nhất. Dù đôi khi muốn từ bỏ vị trí thủ lĩnh đoàn để tập trung vào công tác giảng dạy, song do suốt hơn 9 năm qua, theo quy định, nhà trường không được tuyển giáo viên mới nên không có giáo viên trẻ đảm nhiệm công tác đoàn.
Theo cô Ninh, thách thức của người làm công tác đoàn tại các trường học là bản thân mỗi năm thêm một tuổi đoàn thì mỗi năm lại giảm đi một tuổi do khóa mới nhập học. Khoảng cách tuổi tác ngày càng xa, sự thấu hiểu nhu cầu của đoàn viên càng thách thức. Nếu không hiểu học sinh, các hoạt động sẽ khiên cưỡng và hình thức, do đó, Bí thư Đoàn Trần Thị Ninh luôn tìm cách làm mới phong trào.
Không để rào cản tuổi tác thành trở ngại, cô Trần Thị Ninh luôn khơi dậy phong trào đoàn có tính tương hỗ cao. Cô là người khởi xướng, còn học trò là người sáng tạo, phát huy năng lực. Một phong trào trước khi phát động, luôn có sự hội ý của Bí thư Đoàn trường và Bí thư Chi đoàn các lớp. Những điều cô chưa thành thạo, nhất là sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông xã hội, cô có thể nhờ học sinh hướng dẫn. Và hậu thuẫn cho cả cô và trò chính là sự ủng hộ tuyệt đối và coi hoạt động đoàn là quyền lợi của các em học sinh từ Ban Giám hiệu Nhà trường, đặc biệt là thầy Hiệu trưởng Trần Đức Ngọc. Được biết, tại Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn, hoạt động đoàn luôn được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, bên cạnh công tác chuyên môn.
Từ phương hướng chung của nhà trường, Bí thư Đoàn Trần Thị Ninh xây dựng nhiều hoạt động phong phú tổ chức thường xuyên như: các câu lạc bộ các môn thể thao bơi, bóng đá, bóng rổ… tạo sân chơi cho những em ham thích thể thao. Những em thích các hoạt động xã hội, chị đề xuất nhà trường thành lập câu lạc bộ kỹ năng, Câu lạc bộ thiện nguyện. Các em thích đọc sách và khả năng MC, có Câu lạc bộ phát thanh, phòng tự học với việc ký kết chương trình luân chuyển sách hằng tháng với Thư viện thành phố. Phong trào “Sáng tạo trẻ” thông qua tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, hội nghị, tọa đàm nghiên cứu khoa học, các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong đoàn viên, thanh niên. Phong trào “Khi tôi 18”; “Học sinh 3 tốt”; cuộc vận động thông qua viết Nhật ký làm theo lời Bác. Một hoạt động ý nghĩa, riêng có của Đoàn Thanh niên nhà trường chính là phụng dưỡng hai mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn quận.
Bí thư Trần Thị Ninh cho biết, với suy nghĩ, một hoạt động thực tiễn tốt sẽ giúp các em thấu hiểu hơn công lao của các thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh, tạo nền tảng cho cuộc sống tốt đẹp hôm nay, đoàn trường đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường phụng dưỡng một trong số hai Mẹ Việt Nam anh hùng của quận Hải An. Không chỉ ủng hộ, thầy Trần Đức Ngọc chỉ đạo Đoàn Thanh niên nhà trường phụng dưỡng cả hai mẹ theo cách thức, mỗi tháng, mỗi lớp sẽ đến thăm Mẹ. Ngoài 500.000 biếu Mẹ, các em học sinh tham gia dọn dẹp, trò chuyện cùng các Mẹ.
Em Nguyễn Phương Linh, học sinh lớp 11B3 hào hứng kể: “Lớp chúng em đến nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Bệ, mẹ kể cho lớp nghe những câu chuyện về hai con trai là liệt sĩ. Qua những lời Mẹ kể, chúng em thấu hiểu hơn những bài học lịch sử đã từng học. Còn Mẹ thì rất vui vì có một đàn cháu ríu ríu bên cạnh”.
Trò chuyện với cô giáo Trần Thị Ninh, người đối diện dễ nhận thấy sự thông minh, linh hoạt và đầy năng lượng tích cực. Tinh thần này có được chính nhờ những năm tháng thăng hoa với từng giờ giảng và say mê hoạt động đoàn của cô giáo trẻ. Dẫu thế, có những lúc, trách nhiệm của thủ lĩnh đoàn với hơn 1.500 đoàn viên nhà trường và là giáo viên đứng lớp, cô Ninh cũng phải “gồng gánh” và nỗ lực. Để sắp xếp mọi việc hợp lý, ngoài việc lên kế hoạch cho công việc khoa học, sử dụng công nghệ kết nối với các đầu mối, cô còn có sự hỗ trợ tuyệt đối từ chồng, đồng thời là đồng nghiệp đang công tác tại Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn.
Sự đóng góp của cô Trần Thị Ninh đã được ghi nhận bằng những sự tôn vinh quý giá. Cô vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng vinh danh là 1 trong 65 nhà giáo “Tâm huyết, sáng tạo” lần thứ nhất trong dịp 20/11. Năm 2019, cô Trần Thị Ninh đón nhận nhiều vinh dự như: là một trong 8 phụ nữ tiêu biểu của thành phố được trao Giải thưởng Lê Chân – giải thưởng của thành phố Hải Phòng vinh danh phụ nữ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực công tác; là 1 trong 500 “Đảng viên trẻ tiêu biểu làm theo lời Bác” trên toàn quốc được dự buổi gặp mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều bằng khen và giải thưởng khác.
Minh Thu
UBND thành phố vừa có Quyết định 18/QĐ-UBND chuyển 310 thôn thành 310 tổ dân…
Chiều 8/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường tiếp Đoàn đại biểu…
Ngày 8.1, quận Đồ Sơn (Hải Phòng) phối hợp tổ chức lễ khởi công, động…
Từ ngày 6-8/1, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ…
Virus (hMPV) lây qua đường hô hấp, qua giọt bắn, hắt hơi, sổ mũi hoặc…
Thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More