Quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, Hương Giang đến với vai trò “nhịp cầu” ngôn ngữ tại khu cách ly y tế tập trung thành phố khá tình cờ. Là du học sinh đang theo học tại Trung Quốc, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, em được nhà trường cho nghỉ học. Dịp sau Tết Nguyên đán, em đến chơi nhà người thân tại phố Nguyễn Bình, quận Ngô Quyền, được biết Sở Ngoại vụ thành phố tuyển phiên dịch tình nguyện làm nhiệm vụ tại khu cách ly y tế tập trung, Hương Giang ứng tuyển luôn.
Ngày 7/2 (ngày đầu thành phố tiếp nhận công dân Trung Quốc vào cách ly y tế tập trung tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp cơ sở 2) cũng là ngày Hương Giang nhận nhiệm vụ. “Biết trước công việc kéo dài 10 đến 15 ngày và “cùng ăn, cùng ở, cùng nghỉ” tại khu cách ly, nhưng em không lo ngại vì được các y, bác sĩ tận tình, chu đáo hướng dẫn cách phòng, chống dịch cũng như trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ”, Hương Giang chia sẻ.
Trong 10 ngày (từ ngày 7/2 đến 17/2), thực hiện nhiệm vụ “cầu nối” tại khu cách ly y tế tập trung, công việc của Hương Giang không cố định thời gian, mà tùy vào nhu cầu và các đợt cách ly, chủ yếu là hướng dẫn giúp người nước ngoài nhận phòng, phổ biến các quy định của khu cách ly. Khi mọi người ổn định nơi ở, hằng ngày, em cùng cán bộ, nhân viên y tế đi các phòng đo nhân thiệt, kiểm tra sức khỏe, thông báo kết quả xét nghiệm, chia suất ăn. Thời gian đầu, công việc vất vả nhất vì nhiều người không hiểu, có hành động không hợp tác. Những ngày đó, Hương Giang liên tục nhận được câu hỏi kiểu như: “Tại sao tôi phải vào đây? Khi nào tôi được về? Ở đây có phải trả tiền sinh hoạt phí không?”. Câu hỏi dồn dập không làm khó cô gái trẻ, Hương Giang lần lượt trả lời câu hỏi, giải đáp thắc mắc của người cách ly y tế tập trung, giúp họ hiểu và chấp hành việc cách ly. “Khi mới vào khu cách ly y tế tập trung, nhiều người hoang mang, lo lắng, không hiểu tại sao phải cách ly y tế. Nhưng khi được tuyên truyền, phổ biến việc cách ly y tế tập trung là để bảo vệ chính bản thân họ và cộng đồng trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, họ hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành. Mỗi lần, khi mỗi người có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SAR-CoV-2, cả khu cách ly y tế đều vui mừng. Ngày rời khu cách ly, mặc dù không có những cái bắt tay, cái ôm, nhưng họ liên tục nói lời cảm ơn thành phố, cảm ơn các y bác sĩ và phiên dịch giúp họ có những khoảng thời gian với nhiều kỷ niệm đáng nhớ”, Hương Giang nhớ lại.
Kết thúc đợt làm việc, Hương Giang trở về nhà và tự cách ly thêm 14 ngày. Đến ngày 19/3, khi được Sở Ngoại vụ “đánh tiếng” lần 2 tham gia nhiệm vụ phiên dịch, Hương Giang chẳng đắn đo nhiều, lập tức đồng ý. Lần này, em làm nhiệm vụ tại khu cách ly y tế tập trung Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng, với thời gian 13 ngày (từ ngày 19/3 đến 31/3). Hằng ngày, tiếp xúc gần những người có nguy cơ nhiễm bệnh nhưng nữ phiên dịch viên này không cảm thấy lo lắng, sợ hãi, bởi cô quen công việc, có kỹ năng về cách phòng tránh cho bản thân cũng như mọi người xung quanh.
2 lần “xông pha” vào khu cách ly y tế, Hương Giang đều giấu bố mẹ, bạn bè vì sợ mọi người lo lắng. “Những ngày vào “điểm nóng” là cơ hội để em được đóng góp phần công sức nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Hình ảnh những công dân nước ngoài khi hết thời gian cách ly đều vui vẻ, cảm ơn đất nước Việt Nam, thành phố Hải Phòng mãi là kỷ niệm đẹp, khó quên đối với em”, Hương Giang vui vẻ nói.
Phương Trang
Ngày 9 và 10/01, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng (LGDVH) phối…
Sáng 13/1, tại Trường Đại học Hải Phòng, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu…
Sáng 13.1, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tiến hành…
Năm Ất Tỵ 2025 có đến hai tháng 6 và dài tổng cộng 384 ngày.…
Tháng 10/2024, Đội An ninh năng lượng, tài nguyên và môi trường thuộc Phòng An…
Trong tình hình giá bất động sản liên tục biến động, không ít người mua…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More