Thời gian qua, công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) luôn được thành phố quan tâm. Chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn thành phố, đây là lực lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội (KTXH). Tuy được quan tâm, tạo điều kiện nhưng phần nhiều DNNVV vẫn khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ, bài bản và dài hơi hơn.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố luôn mong muốn thành phố sớm ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ về vốn, mặt bằng sản xuất phù hợp. Trong ảnh: Công ty TNHH chế biến thủy sản Việt Trường.
Ảnh: Duy Lân
Manh mún, dàn trải
Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển DNNVV trên địa bàn thành phố đạt một số kết quả đáng ghi nhận, có tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác hỗ trợ còn manh mún, rời rạc, dàn trải và không rõ nét, chủ yếu được lồng ghép vào chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế cần hỗ trợ từ phía doanh nghiệp.
Cụ thể, tới thời điểm này, thành phố chưa lập được quỹ bảo lãnh tín dụng để phục vụ nhu cầu vay vốn nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh của các DNNVV. Theo bà Đào Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV thành phố, vốn luôn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Với quy mô chủ yếu là nhỏ và vừa nên tài sản thế chấp, tín chấp rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng việc tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn là rào cản khó vượt qua nhất; khi đã vượt qua thì gánh nặng lãi suất tiếp tục là nỗi lo. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp mong có được quỹ bảo lãnh tín dụng để có thể vay vốn thuận lợi hơn .
Một sự hỗ trợ tài chính khác là quỹ phát triển DNNVV được thành lập theo quyết định 601 ngày 17-4- 2013 của Thủ tướng Chính phủ, là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Bộ Kế hoạch- Đầu tư. Ngay sau khi quỹ được hình thành, thành phố chủ động phối hợp với quỹ để giới thiệu, tạo điều kiện các doanh nghiệp tiếp cận. Tuy nhiên, để vay được vốn lãi suất thấp của quỹ phụ thuộc nhiều yếu tố và quy định khá ngặt nghèo. Vì thế, theo Hiệp hội DNNVV thành phố, có rất ít doanh nghiệp được vay vốn trực tiếp từ quỹ này.
Chính sách vườn ươm doanh nghiệp được coi là sẽ có tác động khuyến khích DNNVV khởi nghiệp và sáng tạo. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2010- 2017, thành phố không thành lập được vườn ươm doanh nghiệp trong lĩnh vực, ngành nào. Riêng Sở Khoa học- Công nghệ chủ trì phối hợp các ngành liên quan thực hiện đề án “Ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ” mới, được nghiệm thu năm 2016, triển khai thực hiện trong năm 2017- 2018 nhưng kết quả hạn chế. Còn với DNNVV hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhìn chung chưa có chính sách cụ thể nào.
Theo Sở KHĐT, thời gian qua, mặc dù có nhiều quy định, chính sách của Nhà nước hỗ trợ DNNVV nhưng quy định mang tính khuyến khích, mức độ ưu đãi không rõ ràng nên khi triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc, khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Đơn cử như chính sách trợ giúp về mặt bằng sản xuất; hỗ trợ DNNVV tham gia kế hoạch mua sắm cung ứng dịch vụ công; ưu đãi thuế cho DNNVV… nên kết quả hỗ trợ hạn chế. Một số chương trình mới chỉ được thực hiện ở số ít DNNVV do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, hỗ trợ đổi mới công nghệ nhưng kinh phí hạn hẹp, hoạt động không thường xuyên…
Sớm xây dựng cơ chế, chính sách
Ngày 12-6- 2017, Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1- 1- 2018. Ngày 11-3- 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 39 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó quy định trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh trên cơ sở căn cứ điều kiên thực tế tại địa phương để quyết định một số cơ chế, chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ DNNVV trên địa bàn. Đây là bước đi cụ thể nhằm hỗ trợ DNNVV một cách bài bản, rõ ràng và dài hơi hơn. Trên cơ sở đó, thành phố chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng đề án cụ thể và dự kiến trình HĐND thành phố khóa 15 xem xét tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Hiện nay, Sở Kế hoạch- Đầu tư, với vai trò là cơ quan được thành phố giao trách nhiệm chủ trì, đã phối hợp các ngành, các đơn vị xây dựng đề án và đề xuất một số cơ chế, chính sách cụ thể. Tuy nhiên, cũng còn nhiều lúng túng, vướng mắc. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là nguồn tài chính cho chương trình hỗ trợ. Đây là vấn đề mấu chốt để từ đó thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV cũng như hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản… Việc hỗ trợ về mặt bằng sản xuất liên quan tới việc áp dụng mức giá thuê đất ưu đãi cũng cần xác định cụ thể về các khu, cụm công nghiệp, cũng như quỹ đất dành cho DNNVV, cùng cơ chế áp dụng mức giá ưu đãi phù hợp quy định của pháp luật và điều kiện của thành phố.
Quan điểm chung của thành phố là hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách là chủ yếu, từ đó sẽ tạo ra nguồn lực tài chính. Đây là việc khó nhưng cũng không thể chần chừ. Các cơ chế, chính sách này cần được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố khóa 15 để DNNVV có điều kiện hoạt động tốt hơn từ năm 2019.
Trọng Hiệp – Báo Hải Phòng 28/10/2018