Đây là tin vui được nhân dân thành phố mong đợi. Nhân dịp này, đồng chí LÃ THANH TÂN, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách Hải Phòng trả lời phỏng vấn Báo Hải Phòng chung quanh nội dung này.
– Bên cạnh các vấn đề chung của cả nước, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15 xem xét, thảo luận, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và 3 địa phương khác. Điều này có ý nghĩa như thế nào với Hải Phòng, thưa đồng chí ?
– Có thể khẳng định, Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và 3 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế được Quốc hội khóa 15 xem xét, thông qua thể hiện sự quan tâm rất lớn của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đối với các địa phương này. Các nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cũng chính là thể chế hóa kịp thời các Nghị quyết của Bộ Chính trị đối với Hải Phòng và 3 địa phương nói trên.
Đối với Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự nhất trí rất cao. Bởi, thành phố có lợi thế vị trí chiến lược là cửa ngõ chính ra biển của miền Bắc, cực đóng vai trò quan trọng trong tam giác tăng trưởng Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Thành phố đang phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tự chủ tài chính, còn nhiều dư địa phát triển. Trong năm 2021, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, đạt mức tăng trưởng kinh tế tốp đầu cả nước. Việc ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng sự mong mỏi, tin tưởng của cử tri và nhân dân thành phố, sẽ tạo thời cơ, nguồn lực, thúc đẩy phát triển nhanh, tạo sự lan tỏa vùng, sớm trở thành “Thành phố gương mẫu của nước ta” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Hải Phòng.
– Đồng chí cho biết những nội dung cơ bản của Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng?
– Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng trong 4 lĩnh vực: Về quản lý tài chính-ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai; quản lý quy hoạch và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.
Theo đó, về quản lý tài chính-ngân sách nhà nước: Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% quy định tại các điểm b, c, d, g, h, i, và q Khoản 1 Điều 35 của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14 so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.
Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí: HĐND thành phố quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án. Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.
Về quản lý đất đai: HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của chuyển đổi mục đích sử dụng đất và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, trình tự thủ tục theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Về quản lý quy hoạch: Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quyết định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý: Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố do HĐND hành phố quy định.
– Vậy, Nghị quyết được tổ chức thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
– Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Quốc hội giao Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; sơ kết 3 năm việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2026.
– Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đỗ Oanh (thực hiện). Ảnh: Phan Tuấn
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More