Cán bộ, công chức Nhà nước đang rất mong đợi vào một kết quả khả quan từ cải cách tiền lương. Tiền lương mới sau cải cách sẽ như thế nào đang là sự quan tâm của hàng triệu công chức hiện nay.
Bỏ lương theo hệ số, không thấp hơn đang hưởng
Theo Nghị quyết 27 – NQ/TW về cải cách, thiết kế cơ cấu tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) thì lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ. Các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương. Bổ sung tiền thưởng quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Nghị quyết 27 cũng xác định, bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay. Xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định. Hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp. Không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.
Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức yêu cầu trình độ trung cấp, không thấp hơn tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương. Từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Bảo đảm không thấp hơn lương hiện hưởng
Điểm quan trọng nhất trong nội dung cải cách là hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Hiện, lương của cán bộ, công chức, viên chức được tính theo mức lương cơ sở nhân với hệ số.
Ví dụ: Mức lương của chuyên viên bậc 1 là: 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.600 đồng.
Từ 1/7/2020, mức lương cơ sở tăng lên 1.600.000 đồng. Do đó, cũng với ví dụ trên, mức lương của chuyên viên bậc 1 là: 2,34 x 1.600.000 đồng = 3.744.000 đồng.
Tuy nhiên từ năm 2021, cả mức lương cơ sở và hệ số lương đang áp dụng sẽ bị bãi bỏ. Bảng lương mới sẽ là mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể với cơ cấu đã nêu trên. Sẽ có 5 bảng lương mới dành riêng cho nhóm đối tượng được phân theo chức vụ và vị trí việc làm.
Theo các phương án cải cách tiền lương đang được trình, dự kiến mức tiền lương thấp nhất của một công chức, viên chức từ năm 2021 là 4,14 triệu đồng/tháng.
Trong phương án 1, mức lương của chuyên viên bậc 1, tương đương hệ số 2,34 sẽ được tăng lên tới mức 5,96 triệu đồng/tháng.
Ở phương án 2, mức lương này còn có thể cao hơn với mức 6,68 triệu đồng/tháng.
Nguyên tắc tính lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, giữ chức vụ nào thì hưởng lương theo chức vụ đó. Nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng lương theo chức vụ cao nhất. Giữ chức vụ tương đương nhau thì mức lương chức vụ tương đương nhau. Cũng từ năm 2021, khoản phụ cấp chức vụ lãnh đạo sẽ được bãi bỏ do chức danh lãnh đạo đã được xếp lương chức vụ.
Đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, lương được tính theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức. Mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương. Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau. Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì được hưởng phụ cấp theo nghề.
Bộ Nội vụ đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm trong hệ thống chính trị. Trong đó, chú trọng mô tả yêu cầu, nhiệm vụ cho từng vị trí, số lượng cấp trưởng, phó được giới hạn. Bên cạnh đó, các ngành đẩy nhanh việc sắp xếp, bố trí lại và tinh giảm biên chế cùng các giải pháp tài chính, ngân sách để tạo đột phá cho cải cách tiền lương.
Báo Hải Phòng