Chủ trương xây dựng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại thành phố Hải Phòng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đều khẳng định quyết tâm xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế và khoa học – công nghệ của vùng Duyên hải Bắc Bộ, hướng tới xây dựng Hải Phong trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại. Kết hợp xây dựng nguồn lao động địa phương để tạo công ăn việc làm, thu nhập cho lao động tại chỗ và thu hút lao động nhập cư, ưu tiên lao động có chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đảm bảo tính cân đối, hài hòa trong sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và phát triển kinh tế ổn định, bền vững.
Tuy nhiên, những quan điểm và chính sách cụ thể cho lao động nhập cư nói chung, lao động ngoại tỉnh nói riêng chưa được nghiên cứu và ban hành đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Lao động nhập cư trong các khu công nghiệp ở Hải Phòng gia tăng cũng kéo theo nhiều vấn đề về quản lý và thực hiện các chính sách xã hội mà chính quyền sở tại cần phải giải quyết. Những điều kiện cần thiết bảo đảm cho cuộc sống ổn định, lâu dài của lao động nhập cư như chỗ ở, đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, việc học hành và khám chữa bệnh của con cái, điều kiện đi lại, an ninh an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đặt ra hàng loạt vấn đề cần tháo gỡ trên cả phương diện chính sách, tổ chức thực hiện chính sách cũng như thái độ của các nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân, lao động địa phương và bản thân lao động nhập cư.
Để tìm lời giải cho các vấn đề này, Hội thảo về chính sách đối với lao động nhập cư tại Hải Phòng đã được Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng tổ chức vào sáng 19/4, với sự tham gia của đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Trần Văn Thuật – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động một số tỉnh, thành phố trên cả nước; đại diện công đoàn cơ sở, doanh nghiệp có đông công nhân lao động nhập cư trên địa bàn thành phố.
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đã nêu lên nhiều ý kiến liên quan đến các chính sách an sinh xã hội nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nhập cư tại thành phố Hải Phòng; công tác quản lý, phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong lao động nhập cư; tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương trước thực trạng chuyển dịch nguồn nhân lực lao động giai đoạn hiện nay, giải pháp hỗ trợ lao động nhập cư đang làm việc tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn có các tham luận cung cấp thông tin về kinh nghiệm thực tiễn trong việc phối hợp quản lý lao động nhập cư tại thành phố Hồ Chí Minh; thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế đối với con của lao động nhập cư tại tỉnh Đồng Nai; công tác tham mưu các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động nhập cư tại tỉnh Bình Dương.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Thuật – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao các chính sách đối với lao động nhập cư tại thành phố Hải Phòng. Đồng chí khẳng định lao động nhập cư là sản phẩm tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, đây là nguồn lao động bổ sung cho thiếu hụt lao động của thành phố, nguồn lao động này đóng góp nhất định vào sự phát triển của xã hội. Để thực hiện tốt hơn nữa các chính sách đối với lao động nhập cư, đồng chí yêu cầu: về phía công đoàn các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục chấp hành pháp luật, thu hút lao động nhập cư vào các tổ chức công đoàn phù hợp, chủ động, phối hợp với các Sở, ngành nắm chắc số liệu về lao động nhập cư từ đó đề xuất các chính sách, tham gia các chính sách thiết thực đối với lãnh đạo cấp tỉnh/thành phố, về giá điện nước, hạ tầng xã hội, nhà trẻ, mẫu giáo, phối hợp thu hút, quản lý, hỗ trợ lao động nhập cư với nhiều hình thức tự quản, quan tâm việc chấp hành pháp luật, chính sách nhập cư, ưu tiên tham gia các thiết chế công đoàn, tham mưu với cấp ủy, chính quyền thành phố với các chính sách lao động cụ thể quan tâm đến người lao động nhập cư, tích cực góp ý, tuyên truyền đảm bảo công tác an toàn, an ninh trật tự, tích cực chia sẻ thông tin, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại Hội thảo. Đồng chí cho biết trong những năm qua thành phố Hải Phòng rất quan tâm đến công tác chăm lo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, trong đó có lao động nhập cư, thể hiện rõ nhất qua bình quân lương của người lao động tăng trên 10%/năm. Đồng chí đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố tổng hợp ý kiến đóng góp tại Hội thảo, rà soát tình hình, phối hợp với các sở, ngành thành phố nghiên cứu đề xuất Thành ủy, UBND thành phố các cơ chế, chính sách đối với lao động nhập cư tại thành phố thiết thực hơn, phù hợp hơn đối với người lao động nhất là vấn đề về nhà ở, y tế, giáo dục để người lao động gắn bó với thành phố, tạo ra năng suất, chất lượng cao nhất. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thành phố về giám sát thực hiện các chế độ chính sách pháp luật đối với người lao động nhập cư cũng như lao động thành phố. Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Sở ngành thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng xây dựng khu thiết chế tại Khu công nghiệp Tràng Duệ. Đồng chí đề nghị các tổ chức, đoàn thể có việc làm thiết thực, cụ thể đối với lao động nhập cư, tăng cường giám sát phản biện đối với lao động nói chung và lao động nhập cư nói riêng.
V.H.N
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…
Sáng 19/12, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ…
Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…
Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…
Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More