Hàng loạt dự án BOT giao thông có doanh thu sụt giảm đã khiến nhà đầu tư BOT bị phá vỡ phương án tài chính và có thể dẫn đến nguy cơ nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng tài trợ vốn cho các dự án này.
Báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, đơn vị đang quản lý 57 dự án BOT do cơ quan này quản lý, có 27 dự án có doanh thu tăng và 26 dự án có doanh thu giảm so với hợp đồng; 4 dự án còn lại do mới vận hành, khai thác nên chưa đánh giá.
Giải thích về lý do dẫn đến tình trạng các dự án BOT bị sụt giảm doanh thu, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ ra nguyên nhân đó là do lưu lượng thực tế thấp hơn so với dự kiến hợp đồng; tỷ lệ tăng trưởng doanh thu thực tế thấp hơn so với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu dự kiến trong hợp đồng; phân lưu lưu lượng phương tiện sang tuyến đường song hành; giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ và giảm giá cho khu vực lân cận trạm thu phí; trạm thu phí chưa được đưa vào khai thác theo quy định trong hợp đồng hoặc thời gian đưa vào thu phí chậm so với hợp đồng.
Thậm chí, có những dự án, phương tiện qua lại trên tuyến vẫn tăng đều đặn, nhưng doanh thu vẫn sụt giảm do tỷ lệ sử dụng vé tháng/quý cao bất thường so với phương án tài chính hoặc do phải giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ và miễn giảm phí cho khu vực lân cận trạm thu phí như cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, BOT Quốc lộ 1 qua Quảng Nam, BOT Nam Cầu Giẽ…
Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, hiện có 32% các dự án BOT đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu thu phí không đạt như dự kiến, dư nợ cho vay đối với các dự án này vào khoảng 43.000 tỷ đồng. Việc các dự án có doanh thu phí không đạt như phương án tài chính dự kiến được phía Ngân hàng Nhà nước thừa nhận sẽ dẫn đến rủi ro phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
“Do các khoản vay đối với các dự án BOT, BT giao thông có mức vay lớn, thời gian vay vốn dài (chủ yếu 15-20 năm), trong khi nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Trường hợp các vướng mắc liên quan, đặc biệt là các vướng măc trong thu phí không được xử lý dứt điểm sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ và chất lượng tín dụng cùa các ngân hàng về dài hạn,” đại diện Ngân hàng Nhà nước phân tích.
Đối với các dự án hiện nay doanh thu phí không đạt như dự kiến do ảnh hưởng của chính sách thu phí, không được tăng phí theo kế hoạch, giảm phí theo Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 05/8/2016 của Chính phủ, các dự án có nguy cơ mất an ninh trật tự, phía Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp, có giải pháp xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Để giảm thiểu rủi ro trong cho vay, tăng tính khả thi của các dự án, thu hút các tổ chức tín dụng tham gia tài trợ các dự án giao thông, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tham mưu Thủ tướng Chính phủ tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến thu phí, đồng thời đẩy mạnh triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên toàn quốc theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Các dự án BOT đã được Bộ Giao thông Vận tải ký kết với nhà đầu tư trong những năm qua được thực hiện trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong đó có thỏa thuận mức phí 3 năm được điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng khoảng 18%, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, để đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ, đến nay, Bộ Giao thông Vận tải chưa thể cho tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dù nhiều nhà đầu tư đã có kiến nghị./.
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More