Print Thứ Sáu, 17/05/2019 08:51

Mấy ngày nay, trên các trang mạng xã hội và cả phương tiện thông tin đại chúng, có nhiều bài viết liên quan đến câu chuyện nữ giáo viên của một trường THCS trên địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội) phạt học sinh quỳ gối.

(Ảnh minh họa)

Cụ thể, vào ngày 9-5, cô giáo Lê Thị Q. – chủ nhiệm lớp 9B của Trường học này – đã bắt một nam học sinh quỳ gối trong tiết học trước gần 30 học sinh. Ngay sau khi sự việc diễn ra, ngành giáo dục Thường Tín đã lập tổ công tác xác minh, làm rõ, đi đến kết luận: hành động của cô Q. là không đúng quy định của ngành, vi phạm đạo đức nhà giáo, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh giáo viên và tạm đình chỉ giảng dạyt một tuần với cô Q. để làm rõ trách nhiệm.

Câu chuyện cô giáo Q. phạt học sinh quỳ gối đã thu hút dư luận trái chiều. Trong đó có sự bênh vực, chia sẻ với giáo viên, phản đối sự thiếu quan tâm của gia đình trong việc giáo dục con cái, thậm chí là chỉ trích quyết đinh xử lý kỷ luật đối với cô Q.

Ngược lại, cũng không ít ý kiến cho rằng, việc xử lý đối với cô Q. là cần thiết, bởi lẽ đối chiếu với các quy định hiện nay của ngành giáo dục nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung thì hành vi của cô Q. rõ ràng là sai.

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây liên quan đến việc ứng xử trong mối quan hệ thầy trò, nhiều vụ việc đã gây bất bình rất lớn trong dư luận, như việc cho học sinh tát nhau, bắt học sinh uống nước giẻ lau…

Cho thấy, đây chỉ là những hành động đầy cảm tính, trong khi đó từ lâu các trường học đã có những bộ nội quy khá hoàn chỉnh, bao gồm cả các biện pháp chế tài xử lý học sinh vi phạm. Chính vì vậy, việc dùng cảm quan của cá nhân để xử lý thực sự là điều khó chấp nhận, cho dù kết quả có thể tích cực hơn, bởi đây chính là ý nghĩa của nguyên tắc tổ chức và thượng tôn pháp luật.

Quan điểm phê phán hành vi của cô Q. cũng cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm tham gia công ước quốc tế về quyền trẻ em, với tư cách là người trưởng thành, giáo viên cần phải nhận thức được rằng các em cũng xứng đáng nhận được sự tôn trọng.

Mặt khác, Việt Nam đang phấn đấu xây dựng Nhà nước pháp quyền, tinh thần thượng tôn pháp luật phải là tiêu chí hàng đầu, chứ không thể lấy những tiêu chuẩn giáo dục cổ điển để so sánh với thời đại văn minh, khi nhận thức của cả giáo viên và học sinh ngày nay đều khác xa với thời đại cũ.

Vì vậy, từ vụ việc này thiết nghĩ ngành giáo dục cần rà soát lại hệ thống các quy định, xây dựng chuẩn mực hơn quy tắc xứng xử trong các trường học, hợp lý, hợp tình và tuyệt đối tuân thủ, thay cho việc chạy theo dư luận.

Hy vọng rằng từ đó, những câu chuyện đáng tiếc sẽ được hạn chế và phương pháp ứng xử cũng không phải băn khoăn vì dư luận trước mỗi vụ việc.

Hoàng Minh

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chuyện thời cuộc:  Ý nghĩa của nguyên tắc
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác