Liên quan đến sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cấp cho thành phố Hà Nội, theo tin từ cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình, vụ việc đã được khởi tố hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ luật hình sự.
Trước đó, tin từ các cơ quan thông tin đại chúng cho biết, vào ngày 8-10 ở khu vực đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) bị đổ trộm dầu thải. Dầu chảy ra suối Trâm rồi lan vào hồ Đầm Bài, nơi chứa nước để cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà.
Ngày 10-10, người dân khu vực Tây Nam Hà Nội phát hiện nước có mùi khét, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, kết luận nước sinh hoạt ở khu vực này bị nhiễm chất Styren với tỷ lệ cao hơn 1,3 đến 3,6 lần so với mức cho phép.
Chuyện đổ thải gây ô nhiễm nguồn nước không phải là lạ, nhưng vụ việc gây ảnh hưởng rất lớn đối với dư luận xã hội ở Hà Nội cho thấy, vấn đề này còn quá nhiều điều phải bàn. Ngay tại Hải Phòng, nơi có hệ thống cung cấp nước sạch thuộc diện tốt so với mặt bằng chung của cả nước, cũng không phải ngoại lệ.
Bằng chứng là thời gian qua, cơ quan chức năng Hải Phòng đã phải ra tay quyết liệt, xử lý các vụ xả thải gây ô nhiễm nguồn nước mặt ở các sông Đa Độ, sông Rế và sông Giá. Cho thấy, quản lý rác thải cần phải xem như một việc cấp bách.
Như nhiều địa phương khác trong cả nước, những năm qua Hải Phòng có bước tiến vượt bậc về phát triển công nghiệp, dịch vụ. Bên cạnh những yếu tố tích cực, ô nhiễm môi trường từ nguồn thải công nghiệp cũng trở thành gánh nặng cho xã hội.
Dù đa số các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc việc quản lý, xử lý rác thải, vẫn còn một bộ phận không nhỏ vi phạm nghiêm trọng.
Thậm chí việc xử lý thải được “khoán trắng” cho các cơ sở nhỏ, tư nhân, mà không quan tâm đến điểm đến của rác thải. Chính vì vậy mới dẫn đến chuyện “đổ trộm” để giảm chi phí xử lý và vận chuyển theo quy định. Chưa kể nguồn thải từ rác sinh hoạt của cộng đồng dân cư sống gần khu vực chứa nguồn nước mặt.
Trở lại với diễn biến liên quan ở Hà Nội và Hòa Bình, thiết nghĩ vụ việc cần được làm sáng tỏ, xử lý nghiêm minh, không chỉ đơn thuần là giữ cho nguồn nước sinh hoạt được sạch, mà cần phải lập lại kỷ cương phép nước. Nhất là trong bối cảnh đất nước đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Hoàng Minh